Thỏa thuận CETA lại bị đe dọa tại Bỉ

Căng thẳng giữa thủ hiến vùng Wallonie Paul Magnette và Thủ tướng Bỉ Charles Michel về vấn đề Thỏa thuận tự do kinh tế và thương mại EU-Canada (CETA) đang gia tăng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại lễ ký CETA ở Brussels. Ảnh: AP/TTXVN

Hai bên hiện đang có quan điểm đối lập nhau trong diễn giải thỏa thuận nội bộ Bỉ ký hồi tháng 10 vừa qua liên quan đến CETA. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng có tầm quốc tế có thể lại diễn ra và không loại trừ khả năng vùng Wallonie một lần nữa sẽ lại ngăn cản hiệp định nổi tiếng CETA.

Trở lại các diễn biến liên quan, ngày 27/10 vừa qua, chính phủ Liên bang và chính phủ Vùng Wallonie đã ký một thỏa thuận nội bộ trao quyền cho nước Bỉ đi đến ký kết CETA. Trong nội dung của Thỏa thuận có một điều khoản qui định nước Bỉ sẽ phải hỏi ý kiến của Tòa tư pháp Liên minh châu Âu để xác minh phương thức giải quyết xung đột được qui định trong CETA có phù hợp với luật châu Âu hay không. Cần lưu ý là phương thức giải quyết xung đột phải nhờ đến các cấp tòa tư pháp cấp châu Âu chứ không phải là các tòa án của các nước thành viên.

Theo Thủ hiến vùng Wallonie, ông Paul Magnette, giờ đã là thời điểm phải đưa vấn đề ra trước tòa án châu Âu nhưng  chính phủ Liên bang vẫn chưa làm việc này. Thủ tướng Bỉ, ông Charles Michel mới đây đã nói rõ quan điểm của mình trong một cuộc họp hội đồng bộ trưởng rằng thỏa thuận nội bộ của Bỉ về CETA đã nêu rõ rằng yêu cầu về việc chính phủ hỏi ý kiến Tòa tư pháp châu Âu được đưa ra trên cơ sở ý kiến liên quan đến Hiệp ước tự do thương mại EU – Singapore  vốn đang được Tòa tư pháp châu Âu xem xét. Thủ tướng cho rằng trường hợp với Singapore phải được trả lời trước khi vấn đề của Bỉ được đưa ra trình Tòa. Charles Michel cũng khẳng định việc chưa hỏi ý kiến Tòa tư pháp châu Âu không ngăn cản ông kích hoạt hồ sơ CETA. Các nhóm làm việc đã được thành lập để chuẩn bị đơn hỏi ý kiến.

Paul Magnette đe dọa treo CETA

Đã từ lâu, Paul Magnette đưa ra một cách giải thích khác hoàn toàn với Thủ tướng Charles Michel về thỏa thuận nội bộ của nước Bỉ đối với vấn đề CETA. Ông Paul Magnette cho rằng sau khi thỏa thuận nội bộ được ký, nước Bỉ phải ngay lập tức hỏi ý kiến Tòa tư pháp và không có chỗ nào trong văn bản qui định việc này chỉ được tiến hành sau khi đã có câu trả lời của tòa án về trường hợp Hiệp định với Singapore. Ông cũng cho biết vùng Wallonie đàm phán trong niềm tin rằng tất cả trắng đen rõ ràng, trong đó bao gồm cả yêu cầu chính phủ Bỉ phải thực hiện việc hỏi ý kiến Tòa tư pháp châu Âu, và chính phủ Liên bang biết điều đó.

Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Bỉ Charles Michel, ông Paul Magnette đe dọa sẽ kích hoạt một điều khoản khác cho phép Nghị viện vùng Wallonie một lần nữa bác bỏ thỏa thuận CETA. Như vậy, CETA lại có nguy cơ bị rơi vào tình trạng bế tắc như hồi tháng 10.

Vậy sự thực vấn đề khác biệt là gì? Về văn bản, trong nội dung bản thỏa thuận nội bộ của nước Bỉ có ghi : Nước Bỉ sẽ yêu cầu Tòa tư pháp châu Âu cho ý kiến về tính tương thích của phương thức giải quyết xung đột với các Hiệp định châu Âu, "nhất là" theo phương hướng vụ việc tương tự hồi tháng 2/2015 liên quan đến Hiệp định với Singapore. Chính từ "nhất là" trong nội dung thỏa thuận là nguyên nhân phát sinh các cách diễn giải khác biệt của các bên. Theo Thủ tướng Charles Michel : Điều đó có nghĩa là ý kiến của Tòa tư pháp châu Âu về hiệp định với Singapore phải là một phần của các yếu tố được tính đến và phải có sẵn. Ngược lại, Thủ hiến vùng Wallonie ông Paul Magnette lại cho rằng văn bản của Tòa tư pháp là yếu tố có thể được tham vấn chứ không bắt buộc. Ở đây có một sự mập mờ dẫn đến các cách diễn giải khác biệt như trên.

Cho đến cuối tuần vừa rồi mỗi bên vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Didier Reynders đánh giá  rằng nếu Wallonie muốn tái đàm phán một hiệp định mà họ đã ký thì theo nguyên tắc đồng thuận họ sẽ phải thuyết phục vùng nói tiếng Hà Lan. Nhiều nhân vật quan trọng khác của Bỉ cũng cho rằng kết quả trả lời về Singapore có thể cho phép bỏ qua vùng Wallonie và trở về với Hiệp định ban đầu. Chính phủ liên bang lúc đó có nhiều lợi thế khi chờ đợi. Nhưng người ta nghi ngờ rằng Paul Magnette và các đảng liên minh sẽ chiến đấu để không để vuột mất những gì họ đã đạt được trong quá trình tranh đấu căng thẳng vừa qua.

Kim Chung (P/v TTXVN tại Brussels)
EU thông qua quyết định ký kết CETA
EU thông qua quyết định ký kết CETA

Đêm 28/10, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất thông qua toàn bộ các văn bản liên quan đến Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) giữa EU và Canada. EU tuyên bố sẵn sàng ký CETA từ thời điểm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN