Thiếu vũ khí, các đồng minh của Ukraine đứng trước lựa chọn khó khăn

Gửi hàng tỉ USD vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev, các nước đồng minh của Ukraine đang phải lo cân đối kho dự trữ nếu không muốn đẩy chính mình vào rủi ro.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine nã pháo vào các vị trí của Nga gần Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 20/11/2022. Ảnh: AP

Theo trang Defensenews, các quan chức quốc phòng hàng đầu châu Âu cho biết tình trạng thiếu vũ khí tại các nước đồng minh phương Tây của Ukraine đang buộc họ phải có những cuộc đàm phán khó khăn về cách cân bằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine với những lo ngại về nguy cơ chính mình trở thành mục tiêu tấn công.

Các thành viên NATO đã gửi vũ khí và thiết bị trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine đang thảo luận về mức dự trữ vũ khí mà họ cần để đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước phòng thủ chung. Các quyết định mà những nước này phải đối mặt có thể gây ra hậu quả đối với an ninh của chính họ và đối với Ukraine trong cuộc chiến đẩy lùi lực lượng Nga.

Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO, Đô đốc Rob Bauer phát biểu tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax vào cuối tuần trước rằng, “Khi tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine, bạn phải đánh giá rủi ro gặp phải đối với sự sẵn sàng của chính mình, bạn sẽ phải tính đến mối đe dọa”.

Ông Bauer cho biết tình trạng căng thẳng đối với các kho dự trữ vũ khí đã xảy ra “trên diện rộng” và đặc biệt nghiêm trọng về đạn dược. Trong những năm trước khi một số quốc gia viện trợ cho Ukraine, họ đã duy trì kho dự trữ ở mức một nửa công suất hoặc ít hơn vì họ thấy ít rủi ro hoặc không thể chi nhiều hơn, và áp dụng cách tiếp cận “vừa đúng lúc, vừa đủ” đối với ngành công nghiệp quốc phòng . “Vì vậy, sự cấp bách hiện nay đã được thấy rõ, tôi nghĩ ở hầu hết các quốc gia”, ông Bauer nói.

Theo chuyên gia này, sau khi Nga chịu những tổn thất về binh lính, xe tăng và máy bay trên chiến trường ở Ukraine, các đồng minh của Ukraine phải thực hiện những tính toán phức tạp về khả năng và tốc độ Moskva có thể tái thiết lực lượng.

Phát biểu qua video tại Diễn đàn Halifax, Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo không nên cho Nga nghỉ ngơi ngay lúc này. Ông Zelenksy đã bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn với Nga. “Việc chấm dứt chiến tranh như vậy không đảm bảo hòa bình. Nga hiện đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn ngắn, một thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức mạnh. Một số người có thể gọi đó là sự kết thúc chiến tranh, nhưng việc tạm dừng như vậy sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, ông Zelensky nói.

Tham mưu trưởng Quân đội Canada, Tướng Wayne Eyre, chia sẻ rằng việc cân bằng giữa nhu cầu của Ukraine về viện trợ sát thương và phi sát thương với những gì quân đội Canada cần "là điều khiến tôi thao thức cả đêm."

Tướng Eyre cho biết tại diễn đàn Halifax: “Đó là một phép tính liên tục về nơi chúng ta có thể cung cấp và những gì chúng ta cần giữ lại cho lực lượng của mình, cho những tình huôgs bất ngờ trong tương lai và những gì ngành công nghiệp có thể sản xuất”.

Lưu tâm đến mức độ dự trữ đạn dược của Canada sau khi Ottawa viện trợ loạt lựu pháo M777 và hơn 25.000 viên đạn pháo cho Ukraine vào đầu năm nay, Tướng Eyre cho biết ông đã đến thăm Tập đoàn Hệ thống Chiến thuật và Vũ khí General Dynamics vào đầu tháng này để xem những yếu tố gì có thể giúp tăng cường sản xuất đạn 155mm.

Tướng Eyre nói: “Thật không dễ dàng khi bạn có chuỗi cung ứng rất phức tạp, đặc biệt là với các bộ phận cấu thành của vũ khí, đạn dược được yêu cầu.”

Chú thích ảnh
Vũ khí viện trợ được chuyển từ Litva tới sân bay Boryspil ở Kiev. Ảnh: AFP/Getty Images

Đối với những quốc gia đã bị cắt giảm ngân sách quân sự nhiều lần kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một bước ngoặt đột ngột đang diễn ra. Những thay đổi “địa chấn” đang xảy ra ở Thụy Điển, quốc gia đang đối mặt lo ngại bị Nga trả đũa sau khi xin gia nhập NATO.

Trong một cuộc phỏng vấn, chỉ huy tối cao quân đội Thụy Điển, Tướng Micael Bydén, cho biết: “Trong các lực lượng vũ trang, chúng tôi đã có 30 năm làm việc trong tình trạng cắt giảm biên chế, có nhiều thời gian nhưng không có tiền. Bây giờ tham vọng đã có, ngân sách đang chạy đua. Tham vọng và các yêu cầu cao; thời gian thì có hạn.”

Tướng Bydén cho biết, một thách thức là gần như mọi quốc gia phương Tây đang mong muốn ngành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ để đáp ứng đồng thời nhu cầu quốc phòng trong nước lẫn việc hỗ trợ cho Ukraine.

Ông nói: “Nếu bạn xếp hàng quá xa, bạn sẽ không nhận được thứ mình cần, bạn sẽ không được giao hàng. Chúng tôi đang đối thoại chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng, nơi nhu cầu lớn hơn khả năng đẩy mạnh sản xuất nếu chúng tôi vẫn tiếp tục theo cách trước đây”.

Lầu Năm Góc cũng đang thảo luận với ngành công nghiệp về cách vừa tăng cường sản xuất vũ khí mới vừa phối hợp giữa các đồng minh. Trong khi chờ đợi, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thúc ép các đồng minh phải “cung cấp thêm năng lực”.

Đó là một thách thức gay gắt đối với một số thành viên nhỏ của NATO, như Hà Lan, quốc gia thậm chí từ trước khi viện trợ hơn 800 triệu USD cho Ukraine đã chật vật để có thể đáp ứng các nghĩa vụ trong NATO. Tướng Onno Eichelsheim, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, cho biết kho dự trữ của Hà Lan “không cao” khi Hà Lan gửi cho Ukraine đạn pháo 155mm và tên lửa phòng không.

Bộ trưởng Eichelsheim nói: “Chúng tôi bắt đầu với những kho dự trữ không được lấp đầy hoàn toàn, không hoàn toàn sẵn sàng, không có tất cả vật tư để hỗ trợ những gì chúng tôi cần cho NATO. Điều đó có nghĩa là tôi phải ngay lập tức lấp đầy dự trữ bằng cách ký hợp đồng với ngành công nghiệp.”

Chính phủ Hà Lan và các đồng minh châu Âu khác đã thảo luận với ngành công nghiệp về kế hoạch mua sắm dài hạn của họ để khuyến khích tăng sản lượng, cũng như cách ưu tiên giao hàng dựa trên quốc gia nào cần vũ khí nhất. Mục tiêu của họ là xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu và không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Tướng Eichelsheim nói: “Chúng ta phải phối hợp trong lục địa châu Âu tốt hơn, bởi vì chúng ta phải thực hiện quyền tự chủ chiến lược nhất định. Bạn không thể chỉ dựa vào Mỹ hoặc các đối tác khác nếu nhu cầu cao như vậy”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)
Mỹ tăng tốc phát triển vũ khí siêu vượt âm để đuổi kịp Trung Quốc và Nga
Mỹ tăng tốc phát triển vũ khí siêu vượt âm để đuổi kịp Trung Quốc và Nga

Trung Quốc và Nga đang khiến Mỹ phải đẩy nhanh phát triển vũ khí siêu vượt âm. Lầu Năm Góc đang tìm cách tăng tốc độ thử nghiệm và nghiên cứu để tránh bị tụt lại phía sau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN