Thế lưỡng nan trong lựa chọn nguồn năng lượng của loài người

25 năm sau thảm họa Chernobyl ở Liên Xô, thế giới lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới. Sau cơn siêu địa chấn ngày 11/3 vừa qua, nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) đã xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề dường như đã hé lộ khi Thủ tướng nước này, ông Naoto Kan, nói rằng “cần phải suy nghĩ đến tình huống khu vực miền đông Nhật Bản bị phá hủy hoàn hoàn”.

Năng lượng hạt nhân khi xảy ra sự cố, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng

Hồi chuông cảnh tỉnh về an toàn hạt nhân một lần nữa lại gióng lên. Nhưng trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt, hiệu ứng nhà kính tăng lên, liệu nhân loại có tìm ra được sách lược vẹn toàn trong sử dụng năng lượng?

Kể từ khi năng lượng hạt nhân lần đầu tiên được sử dụng để tạo ra dòng điện vào tháng 12/1951 tới nay, điện hạt nhân đã nửa thế kỷ lịch sử phát triển. Hiện tại, điện hạt nhân đóng góp từ 14 - 16% tổng lượng điện trên toàn cầu, ở những nước phát triển là khoảng 20%, thậm chí có quốc gia năng lượng hạt nhân là nguồn cung cấp điện chính như Lítva (trên 76%), Pháp (hơn 75%), Bỉ (gần 52%)… Là nguồn năng lượng mới, điện hạt nhân có những ưu điểm rất lớn, ví như nhiên liệu tiêu hao ít (một nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW mỗi năm chỉ sử dụng hết khoảng 30 tấn urani), không gây ô nhiễm không khí như điện tạo ra từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giá nhiên liệu đầu vào ít biến động, năng lượng đầu ra cao, giá thành thấp, nhà máy sản xuất chiếm ít diện tích…

Tuy nhiên, so với phương thức sản xuất năng lượng truyền thống, năng lượng hạt nhân cũng có một điểm hạn chế rất rõ mà vấn đề lớn nhất là một khi xảy ra sự cố, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, khó có thể kiểm soát được. Năm 1979, nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island của Mỹ bị rò rỉ phóng xạ, tuy không gây chết người, nhưng khoảng 200.000 người đã buộc phải đi sơ tán. Bảy năm sau, thảm họa xảy ra ở Chernobyl (Ucraina) làm hàng triệu người trong bán kính 1.000 km bị nhiễm phóng xạ hạt nhân. Chính vì lẽ đó, khi thiết kế xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các nước đều đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đòi hỏi phải có hệ thống ngừng hoạt động tự động cũng như lớp bảo vệ nhiều tầng bên ngoài đảm bảo phòng chống theo chiều sâu.

Nhưng vấn đề là dù thiết kế có hiện đại và cẩn thận đến mấy thì cũng chỉ đảm bảo an toàn tương đối. Lấy sự cố rò rỉ hạt nhân ở Fukushima làm ví dụ, sau động đất hệ thống tự ngắt đã được kích hoạt, nhưng do mất điện, hệ thống làm mát không hoạt động, nhiệt lượng cực lớn từ những thanh nhiên liệu hạt nhân không tản đi được và gây ra cháy nổ.

Vì vậy, người ta đã quy kết nguyên nhân gây ra sự cố là do nhà máy điện hạt nhân Fukushima sử dụng công nghệ thế hệ 2 và cho rằng nếu sử dụng công nghệ thế hệ 3 thì có thể tránh được sự cố.

Nhưng chắc chắn là công nghệ thế hệ 3 dù có giúp nhà máy điện hạt nhân Fukushima loại bỏ nguyên nhân gây ra sự cố hiện nay thì vẫn không có cách nào triệt tiêu được mọi rủi ro an toàn hạt nhân. Các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản được công nhận là “an toàn nhất” và “tiên tiến nhất” thế giới, dẫu vậy từ những năm 1990 trở lại đây, đã xảy ra hơn 10 sự cố. Tương đối nghiêm trọng là sự cố rò rỉ hạt nhân Tokaimura tháng 9/1999 khiến một số công nhân tử vong, hơn 300.000 người phải lánh nạn khẩn cấp và phạm vi lan tỏa của phóng xạ lên tới hàng chục km. Nhật Bản đã như vậy, các nước khác càng không thể nói đến việc có được “an toàn tuyệt đối” trong phát triển điện hạt nhân.

Điều đó cũng có nghĩa muốn tuyệt đối tránh sự cố điện hạt nhân thì chỉ có cách từ bỏ điện hạt nhân. Đây cũng là mục tiêu của những người phản đối điện hạt nhân và cũng được một số nước tiếp thu. Sau sự cố rò rỉ hạt nhân ở Three Mile Island, Mỹ không xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân nào nữa. Năm 1980, bằng phương thức lấy ý kiến biểu quyết toàn dân, Thụy Điển đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trước năm 2010.

Vấn đề là làm như vậy sẽ tránh được rủi ro rò rỉ hạt nhân, nhưng lại phải đối mặt với thực trạng: Sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra dòng điện không chỉ đứng trước rủi ro nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng hiệu ứng nhà kính, đe dọa tới sự tồn tại của nhân loại. Đương nhiên, con người có thể lựa chọn những loại năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió… Nhưng chí ít là tới nay, việc nâng cao tỉ lệ sử dụng các loại năng lượng đó vẫn chưa thành hiện thực vì giá thành quá cao, tuyệt đại đa số không thể kham nổi.

Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, bài học của khủng hoảng hạt nhân Fukushima không nằm ở việc lựa chọn điện hạt nhân là sai, mà phải thiết kế và xây dựng những nhà máy điện hạt nhân có tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Đương nhiên, đây vẫn chỉ là an toàn tương đối. Nhưng vấn đề là thế giới về căn bản không có phương thức sản xuất năng lượng nào an toàn tuyệt đối hay chỉ có tốt mà không có xấu. Cùng với sự cải tiến về khoa học công nghệ, rủi ro về an toàn của điện hạt nhân sẽ ngày càng thấp. Hậu quả của việc thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính bừa bãi không chỉ khiến nhân loại đối mặt với rủi do khí hậu thất thường mà thậm chí còn có thể mang tới kết cục mang tính hủy diệt. Trên thực tế, giữa năng lượng truyền thống và năng lượng hạt nhân, con người đang đứng trước thế lưỡng nan trong lựa chọn. Cách làm tương đối thiết thực, theo nhiều chuyên gia, là dùng thuật cân bằng, không thể nghiêng hẳn về bên nào.

Còn nhớ, sau thảm họa Chernobyl, những lời kêu gọi từ bỏ điện hạt nhân cũng đã rộ lên. Nhưng đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước thiếu tài nguyên, năng lượng, sự phát triển kinh tế, xã hội làm tăng nhu cầu năng lượng nhanh chóng, việc loại bỏ hoặc giảm mạnh quy mô điện hạt nhân dường như là không thể. Sự cố Three Mile Island, thảm họa Chernobyl và hiện nay là khủng hoảng Fukushima sẽ làm thế giới thận trọng hơn đối với việc đầu tư vào các hạng mục điện hạt nhân, thực hiện kiểm tra giám sát an toàn nghiêm ngặt hơn đối với các cơ sở điện hạt nhân đang vận hành cũng như đang xây dựng. Trong khi chờ đợi tìm kiếm được một loại năng lượng mới có các ưu điểm như điện hạt nhân, nhưng ít nguy hại, theo nhiều chuyên gia, con người chưa thể triệt tiêu được điện hạt nhân. Đạo lý rất đơn giản, giống như việc trên thế giới không có phương tiện giao thông nào an toàn tuyệt đối, nhưng chúng ta không thể bỏ ô tô và máy bay ra ngoài lề cuộc sống. 

Ngọc Hà

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN