Thế giới trước viễn cảnh G0 xuất hiện

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới không chỉ cuốn đi hàng nghìn tỷ USD, làm lung lay lý thuyết thị trường tự do, thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của một số nước, mà tới nay khi nó đã qua đi, theo một số chuyên gia kinh tế, còn khiến Nhóm G20 (gồm các nền kinh tế phát triển và mới nổi) rơi vào tình trạng “không cần thiết phải tồn tại”.

Tổng thống Braxin Dilma Rousseff (phải) đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner (trái) đang trong chuyến thăm Braxin 2 ngày


Ngày 7/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner đã đến thành phố Sao Paulo để làm các công tác tiền trạm cho chuyến thăm Braxin vào tháng 3 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Mọi chuyện sẽ là bình thường nếu ông Geithner chỉ tán dương tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Braxin cũng như các biện pháp thiết thực mà nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này áp dụng để ngăn chặn đồng real (tiền Braxin) tăng giá, bao gồm cả việc Braxin nâng mức thuế suất đối với các khoản đầu tư nước ngoài ngắn hạn.

Nhưng trong một phát biểu tại Braxin, ông Geithner đã nói rằng một số nền kinh tế chủ yếu của thế giới đã hạ giá đồng nội tệ của mình và kiểm soát nghiêm ngặt tỉ giá hối đoái, khiến Braxin và các nước khác phải chịu hậu quả nặng nề và đối mặt với dòng tiền nóng.


Theo ông Geithner, Braxin và các thị trường mới nổi khác không thể đối phó được các thách thức trên bằng những lựa chọn chính sách riêng rẽ mà cần có sự hỗ trợ từ lựa chọn chính sách của các nền kinh tế lớn khác.

Dù không “điểm mặt chỉ tên”, nhưng với nhiều nhà phân tích, ông Geithner đã ngầm phê phán Trung Quốc. Bởi Oasinhtơn vẫn chỉ trích Bắc Kinh định giá đồng nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực của nó.


Tuy nhiên, quan trọng hơn là ẩn ý lôi kéo Braxin về phía Mỹ để chống lại việc Trung Quốc định giá thấp đồng nhân dân tệ. Trong các trường hợp công khai, giới chức Mỹ và Braxin đều tránh nói tới việc hai nước hợp tác kêu gọi Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ.

Nhưng theo Nhật báo phố Uôn, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, Mỹ và Braxin có thể sẽ có thái độ thống nhất đối với vấn đề đồng nhân dân tệ.


Còn tờ Thời báo Tài chính cho biết Braxin đang xem xét việc đưa ra tuyên bố chung với Mỹ về vấn đề mất cân bằng thương mại toàn cầu và đồng nhân dân tệ bị định giá thấp nhân dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm nước này vào tháng 3 tới.

Nếu tân Tổng thống Braxin Dilma Rousseff hợp sức với người đồng nhiệm Mỹ, đây sẽ là sự thay đổi chính sách rất lớn của Braxin. Bởi trước đây, người tiền nhiệm của bà Dilma, ông Lula Da Silva vẫn theo đuổi việc coi trọng quan hệ liên minh với các nền kinh tế mới nổi.


Ở một khía cạnh khác, nếu Braxin liên kết với Mỹ cũng có nghĩa sự liên kết giữa các nền kinh tế mới nổi chống lại các nước phát triển sẽ đứng bên bờ vực tan rã. Đồng thời, nếu khả năng này thành hiện thực, người ta sẽ có thêm một ví dụ để minh chứng cho câu nói: “Trên thế giới không có đồng minh thực sự, chỉ có lợi ích quốc gia là tối thượng”.

Có lẽ vì thế, trong bài viết mới nhất đăng trên tạp chí Foreign Affairs, “Tiến sĩ ngày tận thế” Nouriel Roubini và Chủ tịch Eurasia Group, Ian Bremmer, đều cho rằng cùng với việc khủng hoảng tài chính thế giới lùi vào dĩ vãng, các nước đua nhau “chỉ nghĩ đến mình”, không có một nước hay một nhóm nước nào có đủ lực bẩy về chính trị và kinh tế (và cũng không) có ý muốn thúc đẩy các nghị trình quốc tế. Cơ chế G20 đang tiến tới đường cùng của việc “có cũng được, không có cũng chẳng sao” và thế giới rơi vào cục diện khó khăn do “G20 biến thành G0”.

Theo Roubini và Bremmer, cái gọi là “G2” (Trung Quốc và Mỹ) về căn bản không thể trở thành sự thật vì “Bắc Kinh không muốn đảm nhiệm trọng trách cùng gánh vác vai trò lãnh đạo thế giới”.


Cái gọi là “G3” (EU, Mỹ và Nhật Bản) cũng không phải là lựa chọn mang tính khả thi. Bởi Mỹ thiếu các nguồn lực để tiếp tục đóng vai trò nhà cung cấp hàng hóa chính cho toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu đang phải dồn hết tâm lực để chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ đang lan tràn trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi sự vướng víu của những vấn đề chính trị, kinh tế phức tạp trong nước.

Hệ quả là các nước phát triển đều đang nằm trong cảnh “mạnh ai nấy làm”, “chống đối lẫn nhau”. Xung đột giữa các bên trên vũ đài quốc tế, trong các vấn đề như điều phối kinh tế vĩ mô quốc tế, cải cách quy định tài chính, thay đổi chính sách thương mại, đối phó với biến đổi khí hậu… sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Cuối cùng, nền kinh tế toàn cầu sẽ lại bị giáng thêm đòn và viễn cảnh G0 xuất hiện sẽ làm cho quá trình phục hồi của kinh tế thế giới kéo dài thêm.

Hà Ngọc

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN