Thấy gì từ Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 của Mỹ?

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 18/12 công bố Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 (NSS 2017), tài liệu chính thức định hình chính sách đối ngoại và các quyết sách về an ninh quốc gia của Mỹ trong thời gian tới.

Đây là bản NSS có nhiều điểm khác biệt, gắn với “hiện tượng Donald Trump” và việc triển khai sẽ có tác động mạnh đến quan hệ quốc tế.

Cảm hứng Reagan, “chất thép” phái nữ và xác lập tiền lệ

Những điểm cốt lõi trong NSS 2017 đã được đề cập khá sớm. Đó là khi Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster phác thảo tầm nhìn của chính quyền Donald Trump về bản chiến lược mới, khi ông phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan (Reagan National Defence Forum) tại California hôm 2/12. Lấy ý tưởng kết nối quá khứ tới hiện tại, ông McMaster cho rằng nước Mỹ hiện nay có điểm tương đồng với thời Tổng thống Reagan thập kỉ 1980.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 18/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây đều là những thời điểm mà Mỹ đối diện với những thách thức nghiêm trọng, ảnh hưởng suy giảm, nhiều người tỏ ra nghi ngờ vị thế, vai trò của Mỹ. Nhưng tám năm nắm quyền, Reagan đã mang lại tự tin mới, đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại và giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh trước Liên Xô. 

Một nước Mỹ như vậy cũng sẽ lại xuất hiện dưới thời Donald Trump - đó là điều ẩn ý của ông McMaster và tư tưởng đó phần nào cũng được khẳng định trong NSS 2017 với luận điểm “Hòa bình dựa trên sức mạnh” mà Ronald Reagan là người khai phá. “Cảm hứng Reagan” còn được thể hiện ở việc ông Trump chọn Tòa nhà Reagan là nơi công bố NSS 2017. 

Đó là những chọn lựa có chủ đích của McMaster và Donald Trump, vì với những người Cộng hòa, Reagan được xem là một “lãnh đạo huyền thoại”, người góp công đưa nước Mỹ tránh khỏi con đường thất bại, vươn lên và giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Đặt NSS dưới bối cảnh, thách thức và triển vọng thành công gắn với chủ thuyết của Reagan, chính quyền Trump muốn tạo dựng được lòng tin, tăng kỳ vọng của công chúng đối với các quyết sách về an ninh quốc gia sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đó cũng là lý do mà một số tờ báo mang tư tưởng bảo thủ như National Conservative đã gọi NSS 2017 là “Nhiệm kỳ ba của Reagan”.

Một bản chiến lược được đánh giá là mạnh mẽ, quyết đoán như NSS 2017 lại được soạn thảo bởi các gương mặt nữ và đó cũng là điểm mới mẻ. Theo thông tin từ tờ Washington Post, Foreign Policy và nhiều tổ hợp truyền thông tại Mỹ, ông McMaster là người rà soát tổng thể bản dự thảo chiến lược và luôn nhận được tư vấn, điều phối của lãnh đạo các cơ quan hoạch định chiến lược khác như Cục Tình báo Trung ương (CIA), Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính… 

Tuy nhiên, người chắp bút chính cho NSS 2017 là Nadia Schadlow, Giám đốc cấp cao phụ trách hoạch định chiến lược tại NSC, kế đến là Phó Cố vấn An ninh quốc gia Dina Powell. Để định hình khung nội dung cho NSS 2017, hai bà Schadlow và Powell đã tiến hành hàng chục cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, tham vấn với giới nghị sĩ Quốc hội, chuyên gia về chính sách đối ngoại, các nhà chiến lược quân sự và giới Giám đốc điều hành (CEO) các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ. 

Cả hai nhân vật này đều nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ ông Trump và McMaster, được xem là những gương mặt đại diện cho tư tưởng bảo thủ chính thống của đảng Cộng hòa. Schadlow có quan điểm tương đồng với McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - những người được cho là thuộc “Nhóm người lớn” tại Nhà Trắng, kiên quyết bảo vệ lợi ích của Mỹ, nhưng linh hoạt, thực dụng về cách thức thực hiện, đề cao “sức mạnh cứng” quân sự, nhưng luôn coi trọng quyền lực kinh tế, chính trị và ngoại giao. 

Với Schadlow, Trump và McMaster đã chọn được người có khả năng truyền tải được tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” khi phải đối diện và xử lý các thách thức về an ninh quốc gia. Nó được thể hiện đặc trưng nhất trong NSS 2017 ở chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc (Principled Realism) - một kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực (Realism) với chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism). Nó khác biệt với chủ thuyết của G.W. Bush vốn bị chi phối bởi phái tân bảo thủ (Neoconsevative) hay đường hướng Obama thiên về “chủ nghĩa Wilsonism”.

Có nhiều điểm thú vị khác. Đây là bản chiến lược an ninh quốc gia dài nhất từng được công bố (68 trang). Nhưng nổi bật hơn cả chính là việc lần đầu tiên một chính quyền mới hoàn tất NSS ngay trong năm đầu tiên nắm quyền. Giới chính trị Mỹ nhìn nhận, Nhà Trắng ít khi mạo hiểm công bố chiến lược mới trong năm đầu tiên. Nguyên do là việc điều phối quan điểm của các bộ, ngành liên quan và ngay trong chính giới chóp bu ở giai đoạn đầu cầm quyền luôn gặp khó khăn, ít khi đạt được đồng thuận về nội dung, câu chữ và hình thức thể hiện. 

Mạng tin The Hills chuyên về chính trị nội bộ Mỹ bình luận, chính quyền Donald Trump đã khắc phục được hạn chế này, với việc Ngoại trưởng Rex Tillerson, Giám đốc CIA Mike Pompeo, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đều ủng hộ đường hướng cơ bản mà Hội đồng an ninh quốc gia dưới quyền cố vấn McMaster đưa ra. Đó có thể xem là một “điểm cộng” đối với Tổng thống Trump và đội ngũ nắm quyền tại Nhà Trắng.

Tìm “mới” trong “cũ”

NSS 2017 là tài liệu chính thức định hình chính sách đối ngoại và các quyết sách an ninh quốc gia của chính quyền Trump. Nó đề cập đến bốn trụ cột chính gồm: Bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy thịnh vượng Mỹ, duy trì hòa bình dựa trên sức mạnh và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. 

Chiến lược mới cũng xác định các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ như sự trỗi dậy của một số "cường quốc xét lại", gây đe dọa cho đồng minh của Mỹ, làm suy yếu trật tự quốc tế; các nhà nước “bất hảo”, nổi bật là Iran và Triều Tiên - mà Mỹ coi là những nước hỗ trợ khủng bố, tìm cách sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt; các tổ chức Hồi giáo thánh chiến.

Về cơ bản, NSS 2017 của ông Trump cũng giống với các Chiến lược an ninh quốc gia dưới thời chính quyền tiền nhiệm G.W.Bush, Barack Obama, khi đề cập đến các trụ cột chính yếu và các mối đe dọa đối với Mỹ. Nhưng nổi lên một số điểm mới đáng chú ý về nội dung. 

Một là, Mỹ nhấn mạnh yếu tố bảo đảm an ninh nội địa, an ninh biên giới ở mức độ ưu tiên, chi tiết, tập trung hơn bất kỳ một NSS nào được công bố trước đây. Điều này hoàn toàn phù hợp với cương lĩnh tranh cử của ông Trump. 

Hai là, Mỹ đặt kinh tế là trụ cột trong chiến lược an ninh quốc gia, coi an ninh kinh tế là an ninh quốc gia, nhấn mạnh nền kinh tế vững chắc là tiền đề bảo vệ người dân Mỹ, mở rộng và khẳng định quyền lực Mỹ, tạo nguồn lực để Mỹ duy trì vị thế siêu cường quân sự, bảo đảm an ninh nội địa. Kế đến, Mỹ xác định rõ hai đối thủ hàng đầu hiện nay là Nga và Trung Quốc, cho rằng đây là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại muốn làm thay đổi nguyên trạng của thế giới, đe dọa những lợi ích của nước Mỹ. 

Nước Mỹ dưới thời ông Trump xác định Trung Quốc là "đối thủ”, thay vì “là đối tác và là đối thủ” hoặc “đối tác hợp tác, đối thủ cạnh tranh” như các chính quyền tiền nhiệm. Cuối cùng, NSS có đề cập, nhưng ở mức độ hạn chế hơn, một số yếu tố được xem là điểm truyền thống trong chính sách đối ngoại, như “giá trị Mỹ”, “nhân quyền”, vai trò của liên minh, thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý chưa hẳn là nội dung, mà là cách tiếp cận, quan điểm chiến lược. Trong văn kiện mới, Mỹ đánh giá lại môi trường chiến lược theo hướng trực diện, thực tế hơn, ít lý tưởng hay hào nhoáng so với các chiến lược dưới thời G.W. Bush hay Barack Obama. NSS 2017 đặc biệt chú trọng yếu tố cạnh tranh, xem quan hệ quốc tế dưới hình thái cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia-nhà nước và Mỹ cần phải chấp nhận thực tế này, cạnh tranh để vượt và thắng. 

NSS 2017 có thể không cực đoan như chiến lược 2002 của G.W. Bush với luận điểm then chốt là “đánh đòn phủ đầu”, nhưng cũng sẽ không mang đường hướng “Lãnh đạo từ phía sau” theo tài liệu năm 2015 của Obama bị phe Cộng hòa cho là “yếu đuối”.

Nếu được triển khai trong thực tế, cách tiếp cận của chính quyền Trump có thể sẽ làm thay đổi sâu sắc quan hệ quốc tế. “Nước Mỹ trên hết” đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích cho mình, sẵn sàng hành động đơn phương, chấp nhận tách mình khỏi các thiết chế đa phương, quan hệ bạn bè, đối tác trong vấn đề có tính nguyên tắc như thương mại, nhập cư hay biến đổi khí hậu… 

Đây là điều mà Mỹ đã làm khi từ bỏ Hiệp định đối tác xuyênThái Bình Dương (TPP), rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu hay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và mới nhất là Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM), mà lý do đều là không phù hợp với lợi ích, chính sách của Mỹ. 

Quan hệ giữa Mỹ với các nước sẽ được định hình trên nguyên tắc lợi ích, công bằng, có đi có lại. Mỹ sẽ “thẳng thừng” ngay cả với đồng minh và đối tác. Sau khi ông Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, một số nhân vật bảo thủ thậm chí đã đề cập đến khái niệm “Không có bạn bè nào tốt hơn Mỹ và cũng không có kẻ thù nào xấu hơn Mỹ” (America: No better friend, no worse enemy). Nói cách khác, “bạn bè” hay “kẻ thù” sẽ tùy thuộc vào cách nhìn nhận, mức độ chấp nhận của các nước trước “lợi ích Mỹ”. Nó làm giảm không gian cho “hợp tác cùng thắng”, gia tăng cọ sát lợi ích, có “thắng thua rõ ràng”.

Tuy nhiên, triển vọng thành công của chiến lược mới vẫn là điều còn bỏ ngỏ. Trong nước, chính trị nội bộ Mỹ đang bị phân hóa mạnh, đặc biệt là mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong một loạt nghị trình đối nội, từ chăm sóc sức khỏe, ngân sách liên bang đến vấn đề người nhập cư. Nước Mỹ đang ở vào thời điểm có biến động và bất kì một biểu hiện nhỏ nào liên quan đến xu hướng bài nhập cư, bài Hồi giáo và hướng tới một xã hội “thuần chủng” hơn đều sẽ gây ra những đứt gãy xã hội. 

Ở bên ngoài, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác suy giảm, khi “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump bị nhiều nước nghi ngờ, e ngại, dễ đưa đến “Nước Mỹ đơn độc” và bị cô lập hơn. Đó là những thách thức mà Mỹ phải đối diện. Xử lý được cũng khó khăn không kém việc giải quyết các “mối đe dọa” được đề ra trong Chiến lược an ninh quốc gia 2017.

Hoài Thanh (Phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ)
Chiến lược an ninh mới, chiến lược cho 'Nước Mỹ trước tiên'
Chiến lược an ninh mới, chiến lược cho 'Nước Mỹ trước tiên'

Với mục tiêu cụ thể là củng cố tầm ảnh hưởng của nước Mỹ trong một thế giới chuyển động không ngừng với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống, Chiến lược An ninh quốc gia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố là sự tiếp nối chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” xuyên suốt trong chiến dịch vận động tranh cử và 11 tháng cầm quyền vừa qua của ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN