Thay đổi trong các mối quan hệ quốc tế do xung đột ở Ukraine

Xung đột Nga-Ukraine đang có tác động sâu sắc đến các mối quan hệ quốc tế với những hậu quả tiềm ẩn sâu rộng.

Raghida Dergham, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành của Viện Beirut (trụ sở ở Mỹ), bình luận trên trang web Thenationalnews.com mới đây rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang có tác động sâu sắc đến trật tự toàn cầu, với những thay đổi chóng mặt trong mối quan hệ giữa các quốc gia khác nhau và kéo theo nhiều hậu quả.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga-Ukraine đang dẫn đến những thay đổi trong quan hệ quốc tế. Ảnh: Reuters

Theo bà Dergham, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến phương Tây trở nên đoàn kết hơn và áp dụng một số biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Trong khi đó, một số vấn đề đã xuất hiện trong mối quan hệ giữa Nga và Iran, khi cuộc xung đột ở Ukraine có tác động đến các cuộc đàm phán được tổ chức tại Vienna (Áo) để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa các cường quốc toàn cầu và Tehran.

Trước khi xung đột nổ ra, Nga là nước ủng hộ chính cho Iran ở Vienna. Gần đây, Tehran được cho là không hài lòng trước động thái của Moskva nhằm gắn cuộc xung đột ở Ukraine với các cuộc đàm phán hạt nhân, điều mà Iran muốn kết thúc càng nhanh càng tốt để các cường quốc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Cuộc khủng hoảng Ukraine còn làm nổi lên một vấn đề quan trọng: Dầu và khí đốt của Iran có thể đóng vai trò là nguồn bổ sung cho thị trường quốc tế sau khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Moskva. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Iran về vấn đề này, với phản ứng sau đó của Iran là nước này sẵn sàng xuất khẩu ngay sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.

Kết quả là, Mỹ cũng như các cường quốc châu Âu đang tìm cách ký kết thỏa thuận với Iran. Với Mỹ, ông Biden cần một chiến thắng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Với châu Âu, họ đang tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng thay thế khi muốn giảm phục thuộc năng lượng vào Nga.

Có vẻ như Iran đang thấy những lợi ích từ những nhu cầu mới của Mỹ và châu Âu, nhưng nước này sẽ không từ bỏ quan hệ đồng minh chiến lược với Nga. Tehran cho rằng cách tiếp cận thực dụng sẽ giúp họ theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình tốt hơn.

Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến an ninh ở Trung Đông. Có khả năng Iran sẽ nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Về mặt logic, việc cải thiện quan hệ giữa Iran với  phương Tây sẽ giúp hạn chế bất ổn trong khu vực. Theo đó, Iran và Mỹ có thể sẽ ký các hiệp định nhằm hợp pháp hóa lợi ích của Tehran ở Syria, Liban và Iraq.

Trung Quốc, đối tác quan trọng khác của Nga, cũng đã có những điều chỉnh nhất định về lập trường liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Quan điểm của Bắc Kinh là hòa bình trong khu vực mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Trung Quốc đã phản đối phương Tây về sự bành trướng về phía Đông của NATO trong ba thập kỷ qua. Nước này cũng đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của LHQ liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng không hoàn toàn ủng hộ Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ngay cả Venezuela, vốn trong nhiều năm quan hệ căng thẳng với Mỹ, cũng đang phản ứng tích cực với những nỗ lực xây dựng quan hệ gần đây của Washington. Với việc chính quyền Tổng thống Biden hướng đến nguồn dự trữ năng lượng lớn của Venezuela, Mỹ có thể xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Caracas cũng như chấm dứt sự cô lập quốc tế của nước này.

Ngoài ra, Washington cũng đang tìm cách cải thiện mối quan hệ căng thẳng với các đồng minh của mình ở Vùng Vịnh. Quan hệ Mỹ-Vùng Vịnh đã xấu đi do các chính sách của Nhà Trắng ở Trung Đông, như việc phản đối đồng minh khu vực thiết lập lại quan hệ với Iran, gây ra mối đe dọa an ninh cho khu vực nói chung và quyết định loại bỏ lực lượng Houthi ở Yemen khỏi danh sách các tổ chức khủng bố năm ngoái. 

Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến việc thiết lập lại quan hệ, đặc biệt cần lưu ý trong bối cảnh nhiều quốc gia vùng Vịnh đã tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây. Việc thiết lập lại mối quan hệ với Mỹ, cùng với việc tăng giá dầu, có thể làm tăng thêm ảnh hưởng của các quốc gia này trong quá trình ra quyết định quốc tế. 

Tóm lại, bà Dergham kết luận, chỉ vài tuần trước, ít ai có thể dự đoán rằng trật tự thế giới sẽ được định hình lại một cách quyết liệt và nhanh chóng như vậy. Nhưng với việc cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong quan hệ quốc tế trong thời gian tới.

Công Thuận/Báo Tin tức
Nhóm chính trị gia châu Âu đề cử trao Nobel Hòa bình cho Tổng thống Ukraine
Nhóm chính trị gia châu Âu đề cử trao Nobel Hòa bình cho Tổng thống Ukraine

Nhiều chính trị gia và các nghị sĩ, cựu nghị sĩ châu Âu đã ký thỉnh nguyện thư kêu gọi Ủy ban Nobel gia hạn thủ tục đề cử giải Giải Nobel Hòa bình 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN