Thâm ý trong yêu sách đòi Qatar đóng căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ

Bốn quốc gia Arab đã gửi Qatar một "tối hậu thư" gồm 13 điểm mà Qatar phải thực hiện để chấm dứt khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh, trong đó có việc đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này. Vậy ẩn ý thực sự của yêu sách này là gì?

Áp lực từ bên ngoài

Ngày 5/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tái khẳng định sự ủng hộ Doha trong khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh đồng thời nêu rõ rằng Ankara chấp thuận đóng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Qatar nếu chính quyền nước sở tại yêu cầu.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới Doha, Qatar ngày 18/6. Ảnh: Reuters

Phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau diễn biến Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập công bố danh sách 13 điểm mà Qatar phải thực hiện để chấm dứt khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh. Trong đó bao gồm việc Qatar phải cắt quan hệ ngoại giao với Iran, đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này... Tuy nhiên, Qatar đã gọi những yêu sách trên là không thực tế và Doha sẽ xem xét lại.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh France 24 (Pháp), Tổng thống Erdogan nhận định: “Khi nhắc đến danh sách 13 yêu cầu thì nó không thể chấp nhận được dưới bất kỳ tình huống nào”.

Ông Erdogan cũng từng bày tỏ với tờ Die Zeit (Đức) rằng yêu cầu đóng căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar cho thấy “sự thiếu tôn trọng với chúng tôi và Qatar".

"Người Mỹ cũng có mặt tại đó, với 9.000 binh sĩ, và cả người Pháp nữa… Tại sao Saudi Arabia lại khó chịu với chúng tôi về điều đó. Thật không thể chấp nhận được”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bức xúc.

Căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ tại Qatar. Ảnh: Reuters

Người trong cuộc phản pháo

Tờ Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) phân tích rằng nước này sở hữu 3 căn cứ quân sự ở lãnh thổ nước ngoài. Một trong số đó tọa lạc tại Bashiqa miền Bắc Iraq đã trở thành trung tâm đào tạo chiến binh chống tại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bên cạnh đó, căn cứ quân sự tạo điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt các mối đe dọa an ninh quốc gia trước khi IS bước chân vào lãnh thổ nước này.

Căn cứ thứ hai tại Somalia là nơi huấn luyện quân đội nước sở tại. Căn cứ này nằm trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ “tiếp sức” cho Somalia về chính trị, kinh tế và xã hội để ngăn chặn đe dọa từ khủng bố và đói nghèo.

Căn cứ quân sự thứ ba đặt tại Qatar. Động thái xây dựng căn cứ này được tiến hành từ năm 2014 với mục đích tăng cường cho an ninh Qatar. Từ lâu trước khi cuộc khủng hoảng ngoại giao diễn ra, hơn 80 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã đồn trú tại Qatar để đặt nền móng cho căn cứ quân sự tương lai của Ankara.

Do vậy, tờ Daily Sabah đúc kết: “Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ được lên kế hoạch và thống nhất từ trước cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh mà còn là một dự án đang diễn ra”.

Được biết, Qatar cũng đang là nơi tọa lạc căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông. Theo các ước tính khác nhau, căn cứ không quân Al Udeid nằm cách Doha 30km về phía Tây Nam là nơi đóng quân của 11.000 binh sĩ Mỹ. Vào năm 2016, từ căn cứ này, các máy bay B-52 đã cất cánh tham gia không kích nhắm vào mục tiêu IS tại Iraq và Syria.

Do vậy tờ Daily Sabah đặt câu hỏi: “Tại sao họ lại yêu cầu Qatar đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ? Lý do nào khiến các nước tại Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), rõ ràng không chút bận tâm đến căn cứ quân sự của Mỹ gần Doha, lại đòi hỏi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rời đi?”.

Tờ Daily Sabah kết luận: “Sẽ là sai lầm nếu khẳng định rằng yêu cầu này phản ánh quan điểm chung của họ với Thổ Nhĩ Kỳ. Khi xem xét kỹ về các yêu sách của những quốc gia này với Qatar có thể thấy thực ra họ tin rằng Doha đe dọa lợi ích của họ. Do vậy, họ muốn người Qatar trở nên phụ thuộc vào Saudi Arabia và các nước khác về mặt kinh tế và ngoại giao. Điều đó có nghĩa là không có bất cứ mối quan hệ với quốc gia nào có thể tăng sức mạnh cho Doha. Nói cách khác, yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dường như mang mục đích làm suy yếu Qatar”.

Chỉ 3 ngày sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain, UAE và Yemen cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hôm 7/6, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã “tăng tốc” một thỏa thuận với Qatar về việc thành lập căn cứ quân sự ngoài Doha.

Qua “cái gật đầu” của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, thêm 23 binh sĩ và 5 xe thiết giáp đã được cử tới Doha ngày 18/6. Ở thời điểm đó tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) đã đưa tin rằng số binh sĩ được cử tới Qatar có thể đạt 1.000 người.

Cơ quan truyền thông thuộc Bộ Quốc phòng Qatar đã đưa ra thông báo chính thức rằng 3 nhóm quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã đến căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar tham dự các cuộc huấn luyện nằm trong thỏa thuận chung giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tập trận chung đầu tiên sẽ diễn ra tại Doha.

Một góc thủ đô Doha, Qatar. Ảnh: Reuters

Nhà phân tích chính trị người Qatar Muhammed al Musaffir đã đưa ra quan điểm với hãng Sputnik (Nga) rằng sự hiện diện của căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar “không hề liên quan tới cuộc khủng hoảng đang xảy ra trong khu vực”.

“Thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được từ năm 2014. Qua thỏa thuận này, các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã đến Qatar. Ngay trước cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã tổ chức tập trận chung. Qatar cũng tổ chức diễn tập quân sự cùng các quốc gia khác tại Vịnh Ba Tư. Cần nhấn mạnh rằng Saudi Arabia cũng có những thỏa thuận quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Muhammed al Musaffir cho hay.

Về chỉ trích rằng đến gần đây các thỏa thuận này mới được thực hiện, nhà phân tích chính trị Muhammed al Musaffir cho rằng cần phải có thời gian. Ông al Musaffir cho biết các thỏa thuận được ký kết từ năm 2014-2015. Trong tháng 7/2016, đã xảy ra cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó những thỏa thuận này rơi vào quá trình phê chuẩn rồi cuộc khủng hoảng diễn ra.

Bên cạnh đó, ông al Musaffir nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Qatar. Theo các thỏa thuận, đó là sự ủng hộ công khai. Thổ Nhĩ Kỳ không đe dọa tới an ninh khu vực. Saudi Arabia và UAE đều có quân đội quy mô mà Qatar không thể cạnh tranh. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần thỏa thuận quân sự tương tự để có lợi thế nhất định”.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Hai lỗi ngoại giao khó xử của Văn phòng báo chí Nhà Trắng tại Hội nghị thượng đỉnh G20
Hai lỗi ngoại giao khó xử của Văn phòng báo chí Nhà Trắng tại Hội nghị thượng đỉnh G20

Không chỉ nhầm chức vụ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong thông cáo báo chí tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hamburg (Đức), Văn phòng báo chí Nhà Trắng còn sai luôn cả chức vụ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN