Thách thức 'rình rập' thỏa thuận hòa bình ở Philippines

Sau 17 năm đàm phán, chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đang tiến gần đến mục tiêu hiện thực hóa một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng bạo loạn kéo dài hơn 4 thập kỷ và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người ở miền nam quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng nhiều thách thức vẫn rình rập thỏa thuận hòa bình, vì thế miền nam Philippines có thể tiếp tục đối mặt với nguy cơ bất ổn.

Các tay súng MILF. Ảnh: AFP


Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 6/11 khẳng định rằng đảo Mindanao ở miền nam Philippines đang sắp trở thành nơi thực hiện các thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, bạo lực chưa hẳn đã bị đẩy lùi vào quá khứ. Ngày 18/11, lực lượng Các chiến binh Hồi giáo tự do Bangsamoro (BIFF) đã ra tay giết hại 3 quân nhân.

Vụ việc cho thấy các nhóm vũ trang phi nhà nước vẫn muốn đối đầu với chính phủ bằng bạo lực và xung đột. Trong khi đó, tại Quốc hội, một số nghị sỹ phản đối cách tiếp cận của chính phủ Philippines đối với MILF. Quốc hội Philippines đang thảo luận một dự luật để thành lập khu vực tự trị mới của cộng đồng Hồi giáo ở miền nam.

Ngày 27/3/2014, Thỏa thuận Toàn diện về Bangsamoro (CAB) đã được ký kết, theo đó, một khu tự trị rộng lớn hơn sẽ thay thế Vùng Tự trị Hồi giáo ở Mindanao (ARMM) và MILF sẽ dần giải tán nhánh vũ trang của mình. Tuy nhiên, Đạo luật Cơ bản về Bangsamoro phải được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện Philippines.

Tháng 3/2015, một cuộc trưng cầu dân ý về đạo luật này sẽ được tổ chức, và dự kiến đến năm 2016, nó chính thức có hiệu lực. Khu vực Bangsamoro của cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở miền nam Philipines sẽ có chính phủ, lực lượng cảnh sát, hội đồng khu vực và bộ máy thu thuế riêng. Trong khi đó, các vấn đề quốc phòng, an ninh, chính sách đối ngoại, tiền tệ... vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ trung ương ở Manila.

Có thể nhận thấy, chính phủ Philippines đã nhượng bộ đáng kể để đi đến thỏa thuận hòa bình với MILF. Vì thế, nhiều trở ngại về chính trị đã bắt đầu nảy sinh. Vào thời điểm hiện nay, đa số các thượng nghị sỹ cam kết bỏ phiếu thuận cho Đạo luật Cơ bản trong khi liên minh cầm quyền của ông Aquino chiếm tới 253/292 ghế tại Hạ viện. Việc thông qua Đạo luật Cơ bản tại Quốc hội dường như chỉ còn là vấn đề thủ tục.

Tuy nhiên, các chính trị gia - vốn được một số nhóm có lợi ích gắn bó với đảo Mindanao hậu thuẫn - lại cho rằng đạo luật này là vi hiến. Một số nhóm không thuộc MILF lo sợ rằng họ sẽ mất đất đai và nhiều quyền lợi khác nếu mọi việc diễn ra đúng theo thỏa thuận hòa bình. Và họ tìm mọi cách vận động giới chính trị gia lên tiếng phản đối hoặc yêu cầu sửa đổi nội dung Đạo luật Cơ bản. Nếu không được thông qua tại Quốc hội trước khi ông Aquino kết thúc nhiệm kỳ, đạo luật quan trọng này có thể sẽ đối mặt với sức ép ngày càng tăng.

Bên cạnh những phản đối trên chính trường Philippines, thỏa thuận hòa bình còn gặp phải nhiều thách thức về an ninh. Một số vụ việc đã xảy ra giữa MILF với các nhóm vũ trang khác ở miền nam. Thực tế cho thấy thỏa thuận hòa bình không phải là mục tiêu hướng đến của tất cả các nhóm vũ trang. Vì vậy, họ tìm cách ngăn cản tiến trình hòa bình bằng những vụ bạo lực. Tháng 9 vừa qua, cả MILF và giới chức Philippines đều bày tỏ mong muốn các nhóm vũ trang ở miền nam đến tham dự phiên điều trần tại Quốc hội về Đạo luật Cơ bản. Nhưng họ đã thẳng thừng bác bỏ.

Liệu những cam kết vì hòa bình ở đảo Mindanao có trở thành hiện thực? Rõ ràng, đây không phải là một con đường trải đầy hoa hồng. Tiến trình hòa bình có nguy cơ lâm vào bế tắc nếu các nhóm vũ trang đẩy mạnh hoạt động nhằm thử thách năng lực của hệ thống cảnh sát và cơ chế đảm bảo an ninh mới.

Miền nam Philippines đã trải qua nhiều thập kỷ bất ổn với bạo lực và xung đột. Giờ đây, dù thỏa thuận hòa bình mang tính lịch sử đã được ký kết, nhưng khu vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức đe dọa đến môi trường an ninh.


TTK

Philippines chiếm nhiều trại của phiến quân Abu Sayyaf
Philippines chiếm nhiều trại của phiến quân Abu Sayyaf

Ngày 19/10, quân đội Philippines đã chiếm được 2 trại của phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở tỉnh Sulu thuộc khu vực Mindanao. Được biết, 2 trại này từng là nơi giam giữ 2 công dân người Đức mới được thả, 10 người nước ngoài khác và nhiều con tin Philippines.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN