Tên lửa Nga tại Syria làm thay đổi 'ván bài' Trung Đông

Theo báo "Thư tín địa cầu" của Canada ngày 2/6, với việc tập trung vào hội nghị quốc tế Geneva lần thứ hai về Syria, sẽ do Mỹ và Nga chủ tọa, có nguy cơ khiến người ta không nhận ra sự đối đầu ngày càng tăng giữa Washington và Moscow tại Trung Đông. Thành công của Hội nghị Geneva sẽ phụ thuộc vào việc Nga và Mỹ có chung mục tiêu và nhất trí về các phương pháp thực hiện các mục tiêu đó hay không. Trên thực tế, hai điều này đang hoàn toàn không tồn tại.


 

Hệ thống tên lửa S-300 của Nga. Ảnh: Internet

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế của Mỹ với thái độ miễn cưỡng và thờ ơ có chủ ý. Nga đồng ý tham gia hội nghị trên, nhưng đang tìm cách "cắt xén" các sáng kiến của Mỹ. Việc Nga không tham gia hội nghị này có thể khiến ảnh hưởng quốc tế của Nga giảm sút. Ông Putin đang nói rõ với cả các đồng minh khu vực của Nga lẫn cộng đồng quốc tế rằng Moscow sẽ theo đuổi các lợi ích của họ bằng việc bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh gần gũi nhất của Nga tại Trung Đông. Việc Ixraen dễ dàng xâm nhập và đánh bom Syria khiến Nga cảm thấy bối rối vì họ dường như bị xem là không thể bảo vệ thành công các đồng minh của mình. Chính vì vậy, Nga đã tuyên bố chuyển các tên lửa đất đối không S-300 cho Syria.


Các hệ thống S-300 được Nga thiết kế để khôi phục chủ quyền của Syria đối với không phận của họ, trên thực tế đang do Israel kiểm soát. Hệ thống phòng không này có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc không kích của Israel nhằm vào các mục tiêu Syria, nhất là các chuyến hàng chở vũ khí bằng đường bộ qua Syria từ Iran cho Hezbollah ở Lebanon. Hệ thống này là tinh vi và phức tạp, cần những kiến thức chuyên môn và kỹ năng mà hiện các lực lượng vũ trang Syria chưa có. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống này có thể tạo ra một sức ép lớn không chỉ đối với Ixraen, mà cả đối với bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài nào. Do tầm bắn lên tới 400 km, những tên lửa này cho phép Syria truy đuổi bất kỳ máy bay nào trong không phận Ixraen. Chính phủ Ixraen sẽ không dung thứ điều này.


Tuyên bố chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria nhằm vào hai nhóm đối tượng: một là các đồng minh của Moscow trong khu vực, nhất là Syria và Iran, để đảm bảo với các nước này rằng Nga sẽ đứng về phía họ cho dù gặp khó khăn. Nhóm thứ hai là Ixraen, các nước châu Âu và Mỹ, những quốc gia nhận được thông điệp rằng Nga sẽ bảo vệ các đồng minh bằng việc lập ra những "giới hạn đỏ" riêng của họ, báo hiệu sự can thiệp trực tiếp của phương Tây nhằm lật đổ chính quyền Assad sẽ không được dung thứ.


Việc những tên lửa S-300 này có hoạt động hay không có thể phụ thuộc vào các quan điểm của Mỹ và Israel về cách hiểu "giới hạn đỏ tương lai". Cho dù Nga có quyết định rằng không sử dụng những quả tên lửa S-300 tại Syria, thì việc Syria có loại tên lửa này cũng sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa bởi vì khả năng chúng được sử dụng vẫn còn.


Nga đang kiên định ủng hộ chính quyền Assad về ngoại giao, thông qua sự hỗ trợ kinh tế, tài chính và quan trọng nhất là thông qua dòng vũ khí được cung cấp nhờ căn cứ hải quân của Nga tại cảng Tartus của Syria. Giờ đây, Nga đang cung cấp cho Damascus tên lửa S-300. Cho đến nay, đây là hệ thống vũ khí tân tiến và tinh vi nhất trong thế giới Arập, và nó có khả năng làm thay đổi ván bài Trung Đông.


Hiện vẫn có cách để tránh cuộc khủng hoảng trước mắt. Mỹ và Ixraen đang vận động Nga dừng việc cung cấp tên lửa S-300 cho Syria, nếu không Israel sẽ không ngừng tấn công vào việc chuyên chở vũ khí cho Hezbollah qua Syria, bất chấp sức ép quốc tế hay nguy cơ từ S-300.


Tất cả những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Nga và Mỹ cạnh tranh gay gắt tại Trung Đông, nơi Moscow đang thấy các lợi ích toàn cầu giảm sút của họ tiếp tục bị đe dọa. Nga dường như sẽ không lùi bước, bất chấp những rủi ro làm tăng xung đột, nhất là khi tình hình tại Syria đang biến chuyển theo hướng có lợi cho Damascus. Nếu tình hình hiện nay tiếp tục, người Nga có thể trở nên cứng rắn hơn.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canada)

Sỹ quan Triều Tiên tham gia quân đội Syria?
Sỹ quan Triều Tiên tham gia quân đội Syria?

Một tổ chức nhân quyền đối lập của Syria khẳng định các sỹ quan quân đội CHDCND Triều Tiên đang trợ giúp cho quân đội của Tổng thống Syria Bashar al Assad trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy tại thành phố Aleppo.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN