Tân Tổng thống Ai Cập trước thách thức kinh tế

Cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập dự kiến diễn ra vào tuần tới và một trong những thách thức lớn nhất mà tân Tổng thống Ai Cập sẽ phải đối mặt là tình trạng kinh tế đáng lo ngại của nước này. Hai nhiệm vụ khó khăn nhất là khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu việc làm cũng như cải thiện đời sống của người dân.


Sau ba năm bất ổn, thâm hụt ngân sách và nợ công của Ai Cập đã tăng mạnh lên các mức tương đương 14% GDP và hơn 100% GDP. Chính phủ phải tiếp tục vay nợ trong nước để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Điều này khiến các ngân hàng phải ôm nhiều nợ của chính phủ và cắt giảm đầu tư cho khu vực tư nhân, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại (trung bình 2%/năm). Trong khi đó, sự sụt giảm nguồn thu ngoại tệ từ du lịch và đầu tư nước ngoài đã gây khó khăn cho cán cân thanh toán và khiến đồng nội tệ mất giá. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi thu nhập bình quân đầu người không được cải thiện.

 

Bức tranh kinh tế vĩ mô của Ai Cập đang rất ảm đạm. Ảnh: Xinhua/TTXVN


Kể từ tháng 1/2011, Ai Cập đã ba lần cố gắng đàm phán vay nợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm ổn định kinh tế song buộc phải ngừng giữa chừng, chủ yếu do lo ngại ảnh hưởng đến tình hình chính trị-xã hội trong nước vốn đã rất mong manh. Viện trợ của các nước vùng Vịnh sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi ngày 3/7 đã giúp Ai Cập ổn định tài chính trong ngắn hạn. Song các khoản tài trợ hào phóng này có thể sẽ không kéo dài được lâu.


Bức tranh kinh tế vĩ mô của Ai Cập đang rất ảm đạm. Theo đánh giá của IMF và Bộ Tài chính Ai Cập, nếu thiếu các biện pháp cải cách khẩn cấp, tình hình tài chính có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Ai Cập có thể sẽ phải một lần nữa tiếp cận IMF để vay tiền và đề nghị hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế khác sau khi ký kết thỏa thuận với IMF. Tân Tổng thống Ai Cập sẽ phải quyết định điều này sớm hay muộn, chấp nhận các điều kiện áp đặt cùng những "cái giá phải trả" về mặt xã hội.


Giải quyết tình trạng nghèo đói và thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên là những vấn đề không kém phần cấp bách. Hiện hơn 1/4 dân số Ai Cập (26,3%) đang sống dưới ngưỡng nghèo đói 2 USD/ngày, trong khi 1/4 dân số khác sống cách ngưỡng này không xa. Các chính sách bảo trợ xã hội dành cho người nghèo được chính phủ Ai Cập duy trì từ nhiều thập niên qua đều rất tốn kém song lại không hiệu quả và hiện không còn đảm đương nổi về mặt tài chính.


Thách thức mà tân Tổng thống Ai Cập sẽ phải đối mặt là làm thế nào để tái cân bằng kinh tế vĩ mô (vốn đòi hỏi các biện pháp thắt lưng buộc bụng) song không gây tình trạng bất ổn trên đường phố. Tỷ lệ thất nghiệp cao trong tầng lớp thanh niên cũng là thách thức nghiêm trọng khác đối với Tổng thống mới. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung hiện ở mức 13,4%; gần 70% người thất nghiệp trong độ tuổi từ 15-29 tuổi và hơn 80% người thất nghiệp có trình độ học vấn cao.


Đây là những vấn đề kinh tế lớn được đặt ra đối với tân Tổng thống Ai Cập sau khi lên nhậm chức vào đầu tháng tới. Các nhà hoạch định chính sách có niềm tin mạnh mẽ rằng cải cách tài chính (chủ yếu là cải cách trợ cấp năng lượng và tăng thuế) là cách duy nhất để đưa kinh tế Ai Cập thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.


Trong khi đó, giới quan sát quốc tế cũng cảnh báo rằng Ai Cập có thể rơi vào khủng hoảng nếu trì hoãn các biện pháp cải cách tương tự. Theo dự báo của IMF, nếu thực hiện cải cách, kinh tế Ai Cập có thể đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 4 - 4,5%. Điều này có thể không đủ để tạo ra chuyển biến lớn trong việc giải quyết tình trạng đói nghèo và thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên song đủ để giúp đưa nền kinh tế Ai Cập quay trở lại con đường phục hồi.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)

 

Bầu cử tổng thống Ai Cập: Tướng el-Sisi giành 94,5% phiếu ở nước ngoài
Bầu cử tổng thống Ai Cập: Tướng el-Sisi giành 94,5% phiếu ở nước ngoài

Cựu Tư lệnh quân đội Abdel-Fattah el-Sisi đã giành 94,5% số phiếu của cử tri Ai Cập ở nước ngoài tham gia cuộc bầu cử tổng thống. Đối thủ duy nhất của ông el-Sisi là chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi chỉ giành được 5,5% số phiếu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN