Tám cơn sốc ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu

Báo "Bưu điện Tài chính" ngày 23/3 dẫn phân tích của nhà chiến lược Guillermo Felices, thuộc Tập đoàn tài chính Citigroup, cho rằng thế giới đang bị ảnh hưởng hoặc sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi 8 cơn sốc tác động đến kinh tế toàn cầu.

Công nhân Trung Quốc tại nhà máy dệt may ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, ngày 24/2. AFP/TTXVN

Những cơn sốc này bắt đầu bằng việc giá lương thực tăng vọt tại thị trường các nước đang phát triển, nhưng giờ đây có thể đã lan sang các nước phát triển. Điều quan trọng là người ta cần hiểu rõ cách thức mà 7 cuộc khủng hoảng đầu tiên liên quan đến nhau, cũng như cách thức cuộc khủng hoảng thứ 8 đang làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn.

Thứ nhất là giá lương thực tăng cao tại các thị trường đang nổi. Giá lương thực bắt đầu tăng lên tại các nước như Trung Quốc và Ấn Độ vì các nguyên nhân như sản lượng thấp hơn dự kiến do các hiện tượng thời tiết bất thường, hay là do nhu cầu cao hơn vì các thị trường này đang phục hồi mạnh. Giá lương thực cao hơn đang làm tăng áp lực buộc các chính phủ phải hành động.

Thứ hai là lãi suất cao hơn, cũng như các chính sách "thắt lưng buộc bụng" tại các thị trường đang nổi. Chính phủ tại các nước đang phát triển đang phản ứng với tình trạng lạm phát giá lương thực tăng lên bằng các chính sách thắt chặt tiền tệ. Trung Quốc tiếp tục tăng yêu cầu dự trữ bắt buộc và tăng lãi suất. Ấn Độ, Hàn Quốc và Braxin cũng đang tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng việc tăng lãi suất và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ hiệu quả. Giá lương thực, giống các mặt hàng khác như xăng dầu, thường không bị tác động bởi chính sách tiền tệ.

Thứ ba là các cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông. Giá lương thực tăng lên là một trong những nguyên nhân chủ chốt đằng sau các phong trào phản đối tại Trung Đông - Bắc Phi. Mặc dù nguyên nhân châm ngòi chính trị có thể là một tiết lộ của WikiLeaks, hay việc tự thiêu phản đối chính phủ của một thanh niên tại Tuynidi, nhưng phản ứng đang được nhân lên nhiều lần do những khó khăn kinh tế tiềm ẩn.

Thứ tư là giá dầu tăng cao. Hậu quả của sự bất ổn chính trị tại Trung Đông là việc giá dầu thô tăng vọt. Sự tăng giá này đang ảnh hưởng đến những thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã thực hiện các chính sách "thắt lưng buộc bụng" để kiểm soát việc tăng giá, đồng thời cũng ảnh hưởng đến các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ.

Thứ năm là việc tăng lãi suất tại các nước phát triển. Các nước phát triển đang phản ứng trước việc giá lương thực và nhiên liệu tăng cao bằng việc tăng lãi suất. Động thái này có thể đánh dấu sự chấm dứt những chính sách tiền tệ nới lỏng, tồn tại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể quyết định tăng lãi suất tại một hội nghị sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 tới. Ngân hàng Trung ương Anh cũng có thể phải tăng lãi suất khi tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn.

Thứ sáu là việc Mỹ kết thúc chương trình in thêm tiền thông qua việc bán trái phiếu chính phủ, dự kiến vào cuối tháng 6 tới. Kết quả của việc kết thúc chương trình này sẽ là siết chặt chính sách tiền tệ của Mỹ. Oasinhtơn có thể không tăng lãi suất, nhưng việc không in thêm tiền sẽ đánh dấu việc kết thúc một chính sách tiền tệ nới lỏng, đang góp phần thúc đẩy các thị trường.

Thứ bảy là việc cắt giảm chi tiêu ngân sách và các cuộc khủng hoảng nợ công. Mặc dù các Ngân hàng Trung ương đang chuẩn bị kết thúc các chính sách tiền tệ nới lỏng, song các chính phủ cả ở hai bờ Đại Tây Dương cũng buộc phải cắt giảm chi tiêu ngân sách do những quan ngại về nợ công. Sự cắt giảm này đang được thể hiện rõ ràng nhất tại châu Âu, nơi các nước như Hy Lạp hoặc Ailen đang bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu buộc phải củng cố chính sách ngân sách. Tại Mỹ, Quốc hội mới cũng đang đấu tranh để cắt giảm ngân sách, có thể làm giảm các khoản chi tiêu kích thích kinh tế. Tất cả những điều này có nghĩa là các chính phủ sẽ giảm việc hỗ trợ các nền kinh tế vào thời điểm các nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn.

Thứ tám là thảm họa động đất -sóng thần và tai nạn hạt nhân tại Nhật Bản. Ngoài những thương vong và thiệt hại lớn do động đất, sóng thần và tai nạn hạt nhân gây ra, nền kinh tế Nhật Bản đang bị đe dọa do việc giảm sản lượng và những khó khăn của các chuỗi cung cấp. Nhu cầu dầu mỏ của Nhật Bản cũng sẽ tăng lên do nước này phải tìm cách bù đắp lượng điện thiếu hụt của các nhà máy điện hạt nhân, làm tăng thêm sức ép đối với vấn đề giá dầu tăng.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN