Tại sao Trung Quốc bùng nổ chương trình hạt nhân

Với 22 lò phản ứng đang được xây dựng, Trung Quốc đang trở thành nơi điện hạt nhân bùng nổ nhất thế giới.

Mô hình nhà máy chương trình hạt nhân 'Hualong One' của Trung Quốc.

Trên tờ Tạp chí “Challenges” của Pháp số ra mới đây tác giả Pierre Tiessencó bài viết “Tại sao Trung Quốc hiện đang hướng mạnh về các chương trình hạt nhân”.

Bài viết giải thích chính sự tăng trưởng mạnh mẽ của các chương trình hạt nhân cũng nhằm tạo cú hích cho các hàng hóa “made in China” hướng ra xuất khẩu. Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc chính là miền đất hứa của điện hạt nhân. Năm năm sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Trung Quốc là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho cuộc chạy đua nguyên tử. Với 22 lò phản ứng đang được xây dựng (tương đương 35% tổng công suất điện nguyên tử của Pháp hiện nay), Trung Quốc đang trở thành nơi điện hạt nhân bùng nổ nhất thế giới. Gần đây, Trung Quốc đã thông qua kế hoạch năm năm lần thứ 13 (2016-2020) và dự kiến đầu tư khoảng 70 tỷ euro nhằm tăng tiến độ xây dựng lên gấp hơn 1,5 lần so với dự kiến trước đó. Ông Song Muren - chuyên gia về diện nguyên tử của Đại học Bắc Kinh cho biết: "Nếu đem so với nước Nga, quốc gia có tham vọng hạt nhân chỉ xếp sau Trung Quốc, cũng chỉ có tám lò phản ứng đang được xây dựng".

Hai tập đoàn nhà nước Trung Quốc, gồm Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc (CGN) và Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), đã cùng phối hợp với nhau và cho ra đời một liên doanh có tên Hoa Long I (Hualong One) vào tháng 1/2016 với mục tiêu xuất khẩu các lò phản ứng thế hệ thứ ba sản xuất tại Trung Quốc - loại lò dựa một phần vào công nghệ Pháp. Theo quan điểm của ông François Morin, chuyên gia hạt nhân của Hiệp hội hạt nhân thế giới có chi nhánh tại Bắc Kinh: “Đây là một dự án mang tính chính trị với tham vọng xuất khẩu công nghệ hạt nhân. Việc ký kết hợp đồng bán một lò phản ứng ra nước ngoài tương đương với bán 1 triệu chiếc xe hơi".

Đã có những thành công bước đầu trên thương trường quốc tế và đây chính là một cách quảng bá thương hiệu vô cùng hiệu quả. Năm 2015, tại Nam Phi, Chính phủ Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác kỹ thuật hạt nhân. Tại Romania và Argentina, CNNC cũng đã ký một bản ghi nhớ cho việc xây dựng hai lò phản ứng với số tiền 15 tỷ USD, nhưng phần lớn số tiền này do chính Trung Quốc hỗ trợ. Đó là không kể siêu dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới (EPR) Hinkley Point của Anh do hai tập đoàn EDF (Pháp) và CGN phối hợp thực hiện đang gây tranh cãi hiện nay. Ông Muren nhận định: “Đó là thị trường riêng của Trung Quốc, minh chứng ấn tượng nhất cho việc Trung Quốc quyết định chuyển sang đầu tư ngành công nghiệp hạt nhân hoàn toàn mới này”.

Trên thực tế, Trung Quốc, hàng năm tiêu thụ năng lượng tương đương hơn 2,3 tỷ tấn dầu, trong đó 2/3 là than đá, đang tìm cách cải thiện môi trường. Và đó là năng lượng nguyên tử, tạm được coi thân thiện với môi trường, nhưng mới chỉ chiếm 1% trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Chính vì thế, Bắc Kinh muốn thực hiện cuộc cách mạng xanh này. Ông François Morin khẳng định: "Không có sự giới hạn hay phong tỏa năng lượng nguyên tử ở Trung Quốc giống như các nước phương Tây”. Lịch trình đã minh chứng điều này: năm 2020, Trung Quốc dự định chính thức lắp đặt các tổ máy với tổng công suất 58 GW trên toàn bộ lãnh thổ so với khoảng 30 GW hiện nay". Chuyên gia François Morin tin rằng: “Dù mục tiêu này có vẻ khó thực hiện nhưng nó minh chứng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ tích cực theo đuổi nó cho tới năm 2030".

Thảm kịch Fukushima không ảnh hưởng đến "sự phát triển dài hạn" của ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc.

Từ nay đến lúc đó, các chương trình, kế hoạch nguyên tử luôn được bật đèn xanh. Theo chuyên gia François Morin, "đây không phải là thông tin mới". Một vài tuần sau tai nạn ở nhà máy Fukushima, Chủ tịch CNNC, Sun Qin, đã tuyên bố rằng tai nạn Fukushima sẽ không ảnh hưởng đến "sự phát triển dài hạn" của ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc, và cho rằng phương trình năng lượng của nước này sẽ không thay đổi. Đến năm 2050, nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân có thể tăng gấp đôi, trong khi sản lượng CO2 sẽ được giảm một nửa.

Thảm kịch tại Nhật Bản buộc Bắc Kinh phải tạm dừng một thời gian và xem xét lại các dự án hạt nhân của mình. Trong mùa Hè năm 2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chính thức kêu gọi rút ra bài học từ thảm họa, đồng thời tiến hành kiểm tra đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và trao đổi có hệ thống thông tin giữa các quốc gia. Chính vì thế, trong vòng hai năm, không có bất cứ sự cho phép xây dựng thêm nhà máy điện mới nào ở Trung Quốc. Đó là thời gian để tiến hành một cuộc kiểm tra độ an toàn của các cơ sở hiện có và đang xây dựng. Song song với đó, một số dự án, như EPR Taishan ở tỉnh Quảng Đông cũng bị kéo dài tới hơn 2 năm và như thế 2 lò phản ứng của nhà máy này sẽ phải chờ tới năm 2017 mới có thể vận hành.

Sau sự cố Fukushima, quan điểm chống lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã dần xuất hiện, khiến một số chính quyền địa phương đã thay đổi thái độ của mình đối với các dự án điện. Việc xây dựng dự án Pengze, gần sông Dương Tử, đã bị ngừng lại từ tháng 6/2012 do tiếng nói phản đối mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Sự phản đối này sau đó đã được lan truyền mạnh mẽ trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên Song Muren khẳng định: "Ngành công nghiệp hạt nhân ở Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai”.

TTXVN/Tin Tức
Tiết lộ về tên lửa hành trình mới của Trung Quốc
Tiết lộ về tên lửa hành trình mới của Trung Quốc

China Daily dẫn tuyên bố của ông Wang Changqing, Giám đốc cơ quan sáng chế Học viện III thuộc Tập đoàn khoa học-công nghiệp không gian vũ trụ Trung Quốc (CASIC), cho biết tên lửa hành trình thế hệ mới của Trung Quốc sẽ được chế tạo nhờ sử dụng công nghệ cấu trúc module.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN