Tại sao thế giới sốc với Brexit?

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) khiến cả thế giới sốc. Trước đó, ngay cả lãnh đạo phe ủng hộ “rời đi” cũng không thể ngờ phe mình lại chiến thắng. Vậy tại sao điều này lại xảy ra?

Nỗi thất vọng của các cử tri ủng hộ Anh ở lại EU khi kết quả cuối cùng cuộc trưng cầu ý dân được công bố ở London ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiểu nhầm thị trường cá cược

Một trong những lý do lớn nhất khiến dư luận yên tâm rằng Anh sẽ ở lại Liên minh châu Âu (EU) là thị trường cá cược. Thị trường này vốn được coi là đáng tin cậy hơn các cuộc khảo sát dư luận.


Do đó, đa số đều chắc mẩm không thể có chuyện Brexit xảy ra. Nhà kinh tế học Pippa Malmgrem cho rằng các kết quả trên thị trường cá cược đã bị phe đặt cược vào khả năng “ở lại” chi phối khi đặt cược cao hơn.


Sau khi dự báo sai về chiến thắng của đảng Bảo thủ Anh trong tổng tuyển cử năm 2015, các hãng khảo sát dư luận ở Anh đã chịu áp lực mạnh mẽ. Do đó, cho dù kết quả điều tra thường xuyên cho thấy nhiều khả năng Anh sẽ rời EU nhưng hầu như chẳng mấy ai tin. Tất cả đều ngả theo thị trường cá cược.


Tính toán sai lầm của chính phủ Anh


Cuộc trưng cầu ý dân về Brexit được Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi tổ chức vì ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử là sẽ đàm phán lại điều kiện với EU về tư cách thành viên của Anh. Sau đó, ông sẽ tổ chức trưng cầu ý dân và tin rằng thế nào cũng thuyết phục được cử tri Anh bỏ phiếu ở lại Anh.


Dường như ông Cameron đã không lường trước được rằng lại có quá nhiều nhân vật đình đám trong đảng Bảo thủ sẽ gia nhập chiến dịch ủng hộ Brexit. Trong số đó có những người bạn lâu năm như Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove hay cựu Thị trưởng London Boris Johnson. Hơn nữa, ông Cameron không đánh giá đúng động lực mà phong trào ủng hộ Brexit tạo ra cho cử tri.


Ông Matthew Goodwin, giáo sư chính trị thuộc Đại học Kent, chỉ ra rằng giới tinh hoa chính trị Anh đã không thể thuyết phục nhiều người trong xã hội Anh.


Dư luận bị cuốn theo cử tri trẻ


Ở Anh, cử tri càng trẻ càng muốn bỏ phiếu “ở lại”. Một khảo sát của hãng YouGov cho thấy 75% cử tri độ tuổi từ 18 đến 24 bỏ phiếu ở lại EU. Trong khi đó, số cử tri trên 65 tuổi đi theo lựa chọn này chỉ là 39%.


Một điều nữa, cử tri trẻ chắc chắn hoạt động tích cực hơn trên mạng xã hội. Và đây là một lý do tại sao chiến dịch vận động “ở lại” có vẻ như mạnh hơn. Trong khi đó, thực tế là phe này chỉ tỏ ra mạnh hơn trong tuyên truyền, vận động chứ không mạnh hơn về số lượng. Kết quả là Brexit khiến dư luận “ngã ngửa”.


Thùy Dương
Brexit và những căng thẳng nội bộ của nước Anh và EU
Brexit và những căng thẳng nội bộ của nước Anh và EU

Cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu/EU (Brexit) có liên hệ chặt chẽ với số phận chính trị của ông David Cameron và đảng Bảo thủ Anh, cũng như sẽ ảnh hưởng lâu dài tới đời sống chính trị tại Anh và EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN