Tại sao Saudi Arabia mua 15.000 tên lửa chống tăng của Mỹ?

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo với quốc hội nước này rằng họ sẽ bán cho Saudi Arabia 15.000 tên lửa chống tăng Raytheon, trị giá trên 1 tỷ USD. Tạp chí "Chính sách Đối ngoại" (Mỹ) ngày 12/12 cho rằng không ai tin là sẽ sớm có một cuộc tấn công bằng xe tăng nhằm vào Saudi Arabia. Việc Saudi Arabia đặt bút ký hợp đồng này đã khiến các nhà quan sát đau đầu và đặt ra câu hỏi liệu lô tên lửa này có liên quan tới sự hỗ trợ bấy lâu của Saudi Arabia cho lực lượng nổi loạn tại Syria hay không?


Tên lửa chống tăng TOW khai hỏa.



Theo báo cáo "Cán cân Quân sự 2013" của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), có trụ sở chính tại Anh, kho vũ khí của Saudi Arabia năm nay có tới hơn 4.000 tên lửa chống tăng. Trong thập kỷ qua, Lầu Năm Góc mới chỉ ký một thỏa thuận bán 5.000 tên lửa chống tăng cho Saudi Arabia vào năm 2009. Chuyên gia nghiên cứu Jeffrey White tại Viện Chính sách Cận Đông (NEPI) ở Washington cho rằng đây là một lô hàng khá lớn, trong đó có phiên bản tên lửa tân tiến nhất TOW, nhưng vấn đề ở chỗ mối đe dọa đối với Saudi Arabia là ai?

Đây là câu hỏi không dễ tìm kiếm câu trả lời. Saudi Arabia đã từng phải tham gia một loạt cuộc đụng độ với quân nổi loạn ở phía Bắc Yemen trong những năm qua, nhưng các nhóm này tới nay chẳng còn gì ngoài chục xe quân sự. Và Iraq, nước cũng là mối đe dọa với Riyadh dưới thời Saddam Hussein, còn lâu mới hồi phục để trở thành thách thức mà Saudi Arabia phải bận tâm. Nhưng một đồng minh của Saudi Arabia có thể hết sức cần các vũ khí chống tăng - đó là lực lượng nổi loạn tại Syria.

Saudi Arabia, từng mua các vũ khí chống tăng từ Croatia và chuyển cho các tay súng chống chính quyền Assad, giờ đây đang huấn luyện và trang bị vũ khí cho lực lượng nổi loạn tại Syria. Ông Charles Lister, chuyên gia phân tích về khủng bố và nổi loạn tại London, cho biết lực lượng nổi loạn tại Syria còn nhận khoảng 100 tên lửa chống tăng HJ-8 của Trung Quốc được chuyển qua đường biên giới với Jordan, và nhiều hình ảnh cho thấy vũ khí này được sử dụng để chống lại quân đội Assad. Dù phần lớn vũ khí chống tăng là do lực lượng nổi loạn chiếm được từ các kho vũ khí của chính quyền Assad, song ông Lister cho biết khoảng vài chục tên lửa 9M113 Konkurs từ thời Liên Xô trước đây cũng đã được chuyển cho lực lượng nổi loạn Hồi giáo tại bắc Syria mùa hè vừa qua.

Tuy nhiên, Saudi Arabia không thể trực tiếp chuyển số tên lửa chống tăng mới này cho lực lượng nổi loạn ở Syria vì Mỹ có điều luật nghiêm khắc liên quan tới xuất khẩu vũ khí, theo đó các nước mua không được phép chuyển giao cho bên thứ ba mà không được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Saudi Arabia tới nay chưa nhận được sự chấp thuận này. Chuyên gia Aram Nerguizian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) nhận định nếu Saudi Arabia vẫn cứ chuyển giao thì sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp của Mỹ, và chắc chắn sẽ dẫn tới việc chấm dứt hợp đồng mua bán hiện nay. Theo ông Lister, tới nay mới chỉ có 1 loại tên lửa chống tăng của Mỹ được phát hiện tại Syria, đó là mẫu tên lửa cũ có thể được bán cho Iran từ thời Shad và được Iran chuyển cho chính quyền Bashar al-Assad.

Việc lô tên lửa đó không xuất hiện tại Syria một sớm một chiều không đồng nghĩa với việc thỏa thuận này không liên quan tới các nỗ lực của Saudi Arabia trong việc vũ trang cho các lực lượng nổi loạn ở Syria. Các nhà phân tích cho rằng có thể Saudi Arabia sẽ chuyển số vũ khí chống tăng cũ mà mình đang có cho lực lượng nổi loạn tại Syria và mua số tên lửa mới này để thay thế. Cựu Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, ông Charles Freeman, nhận định: "Tôi cho rằng với lô hàng lớn này, Saudi Arabia có thể đang đẩy toàn bộ kho vũ khí cũ cho lực lượng chống đối (tại Syria) và thay thế bằng các loại vũ khí mới".

Việc Saudi Arabia sẽ sử dụng số tên lửa chống tăng này làm gì vẫn còn là một bí ẩn. Sự bí ẩn về mục đích sử dụng không chỉ với lô tên lửa này mà với cả lô máy bay chiến đấu hiện đại mà Riyadh mới mua từ Mỹ trị giá 30 tỷ USD. Ông William Hartung, Giám đốc Dự án An ninh và Vũ khí tại Trung tâm Chính sách Quốc tế (CIP), nhận định việc trên thực tế Saudi Arabia không có đủ phi công, cũng như khả năng duy tu bảo trì các máy bay này đặt ra câu hỏi không hiểu Riyadh sẽ có thể dùng các máy bay này trong bao lâu nữa.

Tuy nhiên, tại thời điểm mà Riyadh đang bất hòa với Washington về chính sách ngoại giao của chính quyền ông Obama với Iran cũng như việc không can thiệp tại Syria, thì ít nhất túi tiền của Vương quốc này cũng vẫn đảm bảo các mối quan hệ của họ với Lầu Năm Góc vẫn tốt như ngày nào. Chuyên gia William Hartung nói: "Có một chuyên gia vận động hành lang tại Washington từng nói rằng khi bạn mua vũ khí của Mỹ thì bạn không chỉ đơn thuần mua vũ khí mà bạn đang mua cả mối quan hệ với Mỹ".


TTK
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN