Tại sao Mỹ ‘lo sợ' Scotland độc lập?

Độc lập của Scotland sẽ không chỉ ảnh hưởng đối với Vương quốc Anh, mà sẽ là một thảm họa cho chính sách đối ngoại của Mỹ từ Syria đến Vòng Bắc Cực.

Khi cử tri Scotland suy nghĩ về việc ly khai khỏi Vương quốc Anh vào ngày 18/9, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có vấn đề riêng của họ đáng phải lo lắng: Hậu quả của việc Scotland độc lập đối với chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ sẽ là gì?

Có một thực tế là sự độc lập của Scotland khiến Mỹ có nguy cơ mất đối tác quan trọng của mình trong các vấn đề toàn cầu, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và khả năng quân sự đối với phần còn lại của Vương quốc Anh. Ngoài ra, sự ly khai của Scotland, nơi vốn là một cảng bảo dưỡng cho tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ đặt ra vấn đề cả về hậu cần và chiến lược đối với Washington.

Tổng thống Mỹ Obama (áo đen) trong một chuyến công du tới Vương quốc Anh.


Vương quốc Anh đóng một vai trò quan trọng và luôn ủng hộ mạnh mẽ chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, binh sĩ Anh đã đóng góp một lực lượng lớn thứ 2 trong liên minh với 18.000 quân trong tổng số 23.000 binh sĩ không kể quân đội Mỹ, tham gia vào cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Mỹ và Vương quốc Anh cũng có sự hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực quân sự và tình báo - đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa khủng bố - và cùng chia sẻ kho vũ khí tàu ngầm hạt nhân Trident. Anh cũng là một nước đóng góp ngân sách quốc phòng lớn nhất cho NATO trừ Mỹ, khoảng 2,5-3% GDP mỗi năm.

Nếu Scotland ly khai, Vương quốc Anh sẽ mất ít nhất 8% dân số và cơ sở thuế của mình, cũng như phần lớn doanh thu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hiện tại của Anh, có giá trị từ 4,7 - 9,5 tỷ USD/năm. Mặc dù khả năng này ít xảy ra, nhưng một Scotland độc lập sẽ làm tăng gánh nặng từ các khoản nợ lên chính phủ Anh cũng như khiến cho nguy cơ tỷ lệ công/GDP cao hơn so với hiện nay, làm tăng chi phí đi vay. Cuối cùng, những chi phí giải quyết quá trình độc lập cũng sẽ tạo ra những căng thẳng đáng kể đối với ngân sách dành cho lĩnh vực quân sự và đối ngoại của Anh, khi cơ quan chính phủ được tổ chức lại và thủ tục mới được thực hiện.

Tuy nhiên, những tác động về sự độc lập của Scotland đối với  chính sách an ninh của Mỹ không chỉ trong dài hạn. Một cuộc bỏ phiếu nói "Có" trong cuộc trưng cầu ngày 18/9 ngay lập tức sẽ gây ra sự hỗn loạn trong bộ máy quốc phòng và chính sách đối ngoại của Anh (và điều này sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến Mỹ).

Không có con số chính thức về số cán bộ công chức của Anh là người Scotland, nhưng người Scotland thường có đặc thù thích tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực ngoại giao và tình báo, ví dụ như bà Leslie Mariot, là Đại sứ Vương quốc Anh tại NATO (nay đã nghỉ hưu), và ông Paul Johnston, Đại sứ Anh hiện nay tại Thụy Điển. Tất nhiên, hai thủ tướng gần đây nhất của Anh, ông Gordon Brown và Tony Blair, là người Scotland. Nếu chính phủ Anh không có quan điểm chính thức về việc liệu những cán bộ công chức người Scotland sẽ được tiếp tục quyền công dân hoặc công việc của họ tại Anh hay không, tình hình sẽ trở nên hỗn loạn trong nhiều năm.

Những người ủng hộ sự độc lập cam kết Scotland sẽ là khu vực phi hạt nhân.


Tương tự, nhiều nhân viên quân sự trong lực lượng vũ trang của Anh là người Scotland (chiếm khoảng 10%) sẽ trong tình trạng lấp lửng. Những nhân viên không phải là người Scotland hiện đang đóng quân tại các căn cứ và trung đoàn tại Scotland sẽ cần phải được bố trí ở những nơi khác. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Mỹ sẽ phải bổ sung vào bất kỳ khoảng trống nào trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo và quân sự, nguy cơ bị mất đi từ sự hợp tác trong vấn đề này giữa Anh và Mỹ. Ví dụ, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã và đang tài trợ cho các đối tác Anh của họ một loạt chương trình; hai cơ quan này cũng đang cùng sử dụng một căn cứ quân sự chung tại Síp. Những chương trình này sẽ bị ảnh hưởng bởi một quá trình chuyển đổi mơ hồ.

Bên cạnh đó, vấn đề chuyển đổi cũng tác động tới các căn cứ quân sự và vũ khí. Nếu kết quả của cuộc trưng cầu dân ý là “Có”, sau đó sẽ diễn ra các cuộc đàm phán giữa chính phủ ở London và chính phủ mới ở Edinburgh về việc làm thế nào để phân chia các tài sản quân sự và ngoại giao mà Anh hiện có. Dù bằng cách nào, việc xây dựng lại lực lượng vũ trang của Anh ở một cấp độ sẵn sàng chiến đấu chấp nhận được cũng sẽ tốn hàng tỷ USD, dẫn đến việc giảm các khoản đóng góp cho NATO và bất kỳ hoạt động an ninh chung nào tại Syria, Ukraine, hoặc bất cứ nơi nào có khủng hoảng bùng phát.

Nhưng vấn đề an ninh lớn nhất đặt ra sau khi Scotland độc lập là các tàu ngầm hạt nhân. Chiến dịch vận động Scotland đã cam kết rằng trong tương lai đây là khu vực phi hạt nhân. Hiện căn cứ hải quân Clyde Her Majesty, tại Faslane, Scotland, là cơ sở tàu tàu ngầm hạt nhân của Anh. Vương quốc Anh hiện có 4 tàu ngầm lớp Vanguard, trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II D-5. Chúng sẽ phải di dời.

Các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ chủ yếu đồn trú ở các bang Georgia và Washington, nhưng Faslane là nơi quan trọng về mặt chiến lược, gần khu vực tuần tra Biển Bắc và là một khu vực đồn trú chủ yếu cho các tàu ngầm trong Chiến tranh Lạnh. Nó vẫn còn là một khu vực bảo dưỡng thường xuyên và là một cảng cần phải có đối với các tàu ngầm Mỹ.

Trong khi đó, không có các vị trí thay thế rõ ràng cho việc di chuyển của các tàu ngầm mang tên lửa Trident: Những lựa chọn chính (như khu vực Barrow-in-Furness, Milford Haven, và Plymouth) đều có khiếm khuyết và sai sót, với các tuyến đường thủy có khả năng quá nông cho các tàu ngầm hoạt động hoặc các địa điểm này nguy hiểm vì gần các trung tâm dân cư.


Vương quốc Anh hiện có 4 tàu ngầm lớp Vanguard, trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II D-5.


Có thể là các tàu ngầm của Anh sẽ được chuyển tới Vịnh Kings, Georgia, cùng với tàu ngầm Trident của Mỹ. Trong cả hai trường hợp, sự độc lập của Scotland một lần nữa sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong ngắn hạn, tiếp theo là những tổn thất lâu dài với tương lai khó tìm được một địa điểm thay thế căn cứ chiến lược này.

Những người Scotland ủng hộ sự độc lập cũng cho thấy rằng họ muốn tách ra khỏi liên minh Mỹ - Anh để gia nhập tốt hơn vào Chính sách An ninh và Ngoại giao chung của Liên minh châu Âu (EU), vốn nhằm củng cố chính sác đối ngoại và quân sự của các quốc gia thành viên. Kết quả là, một nhà nước Scotland độc lập, mặc dù có thể là một thành viên của NATO, sẽ có rất ít đóng góp cho chính sách đối ngoại hoặc các sáng kiến quân sự của Mỹ. Đặc biệt, một Scotland độc lập dường như không cam kết đưa lực lượng quân sự hoặc hỗ trợ kỹ thuật để mạo hiểm giống như hành động của Mỹ hiện nay ở Iraq.

Trong khi cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) đang gây ra các các cuộc tranh cãi kịch liệt tại Washington, các hoạch định chính sách Mỹ rõ ràng là nên lo lắng về kết quả của cuộc bỏ phiếu tại Scotland. Mặc dù Tổng thống Obama đã phát biểu công khai về vấn đề này trong tháng 6 vừa qua, nhấn mạnh rằng quyết định là do cử tri tại Scotland, ông cũng nhấn mạnh rằng Mỹ có một sự "quan tâm sâu sắc trong việc bảo đảm rằng một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington sẽ mãi duy trì sự mạnh mẽ , thống nhất và là đối tác hiệu quả".

Nhưng vào tháng 8/2014, Quốc hội Mỹ đã đưa ra một nghị quyết bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ về một liên hiệp Anh và đặc biệt đã nói ra một thực tế là "hợp tác quân sự giữa Mỹ và Vương quốc Anh là rất cần thiết đối với an ninh quốc gia". Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ giữa những người ủng hộ độc lập và những người muốn tiếp tục duy trì sự nguyên trạng ở Scotland là gần như ngang nhau. Kết quả của cuộc trưng cầu cũng sắp được công bố và các nhà hoạch định chính sách ở Washington có lý do chính đáng để lo lắng.


Công Thuận
(F.P)

Tại sao Scotland đòi độc lập 'đe dọa' hạm đội tàu ngầm Anh?
Tại sao Scotland đòi độc lập 'đe dọa' hạm đội tàu ngầm Anh?

“Trái tim” của căn cứ tàu ngầm hạt nhân Vương quốc Anh có thể bị chia cắt nếu Scotland rời khỏi Anh sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 18/9 về sự độc lập của Scotland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN