Tại sao khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây? Kỳ-1: Khiêu khích Nga

Mỹ và EU mắc sai lầm trong việc tìm cách biến Ukraine thành một thành trì của phương Tây trên biên giới với Nga. Hãy tưởng tượng sự phẫn nộ của Washington sẽ thế nào nếu Trung Quốc xây dựng một liên minh quân sự mạnh mẽ với Canada và Mexico.

Theo giới tinh hoa hiện nay ở phương Tây, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể hoàn toàn là do lỗi từ sự can dự của Moskva. Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập Crimea với một mong muốn lâu dài là khôi phục lại sức mạnh như thời Liên Xô trước đây và cuối cùng có thể sáp nhập tiếp một phần còn lại của của Ukraine, cũng như các nước khác ở Đông Âu. Theo quan điểm này, việc lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych trong tháng 2/2014 chỉ đơn thuần tạo ra một lý do cho quyết định của ông Putin ra lệnh các lực lượng Nga kiểm soát khu vực phía đông của Ukraine.

Xe tăng quân đội Ukraine ở miền Đông nước này.


Tuy nhiên, Giáo sư Khoa học Chính trị người Mỹ John J. Mearsheimer tại Đại học Chicago đã bình luận trên trang tin Foreign Affairs rằng: nhận định trên là sai lầm. Chính Mỹ và các đồng minh châu Âu phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở quốc gia Đông Âu này. Gốc rễ của vấn đề là việc mở rộng NATO, một thành tố trung tâm của một chiến lược rộng lớn hơn nhằm kéo Ukraine ra khỏi quỹ đạo của Moskva và gia nhập nước này vào phương Tây. Đồng thời, việc EU mở rộng về phía đông và sự ủng hộ của phương Tây đối với phong trào dân chủ ở Ukraine - bắt đầu với cuộc Cách mạng Cam năm 2004 – cũng là yếu tố quan trọng.

Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu mắc sai lầm trong việc cố gắng để biến Ukraine thành một thành trì của phương Tây trên biên giới với Nga.


Kể từ giữa những năm 1990, các nhà lãnh đạo của Nga đã cực lực phản đối sự mở rộng NATO và trong những năm gần đây, một điều rõ ràng là Moskva sẽ không khoanh tay đứng nhìn người hàng xóm quan trọng chiến lược của mình biến thành một pháo đài của phương Tây. Đối với Tổng thống Putin, việc lật đổ bất hợp pháp một vị tổng thống do dân bầu ở Ukraine – điều mà ông thực sự gọi là "một cuộc đảo chính" – chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Nga đã đáp trả bằng việc sáp nhập Crimea, bán đảo mà ông Putin lo sợ sẽ trở thành một căn cứ hải quân của NATO.
 
Hành động trên của Tổng thống Nga thực sự không phải là một điều bất ngờ. Sau tất cả, phương Tây đã ngày càng tiến gần tới khu vực sân sau của Moskva và đe dọa đến lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga, điều mà ông Putin đã nhấn mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần. Giới tinh hoa ở Mỹ và châu Âu đã bị tấn công bất ngờ bởi các sự kiện diễn ra ở Ukraine chỉ vì họ có một cái nhìn sai lầm về vấn đề chính trị quốc tế, đặc biệt là tại Ukraine. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu đã mắc sai lầm trong việc tìm cách để biến Ukraine thành một thành trì của phương Tây trên biên giới với Nga. Giờ đây, hậu quả đã được phơi bày, nhưng sẽ là một sai lầm lớn hơn nếu chính sách thiếu suy nghĩ này vẫn còn tiếp tục.

Khi Chiến tranh Lạnh gần đến hồi kết thúc, các nhà lãnh đạo Liên Xô (và sau này là Nga) không muốn NATO mở rộng, cho rằng phương Tây hiểu mối quan tâm này. Nhưng rõ ràng chính quyền Clinton đã nghĩ khác và vào giữa những năm 1990, Mỹ bắt đầu thúc đẩy việc mở rộng của NATO. Vòng đầu tiên của việc mở rộng NATO diễn ra vào năm 1999 với việc Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan gia nhập tổ chức này. Vòng thứ hai diễn ra vào năm 2004 khi NATO kết nạp thêm Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia.


Các lãnh đạo Nga cho rằng việc NATO mở rộng sát biên giới là một mối đe dọa đối với Moskva.


Moskva đã tỏ ra không hài lòng ngay từ vòng đầu tiên. Ví dụ, trong chiến dịch ném bom của NATO ở Bosnia năm 1995, Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói: "Đây là tín hiệu đầu tiên của những gì có thể xảy ra khi NATO tìm cách tiến đến sát biên giới của Liên bang Nga. ... Ngọn lửa của chiến tranh có thể nổ ra trên toàn bộ châu Âu". Nhưng vào thời điểm đó, Nga chưa đủ sức để ngăn chặn chiến lược hướng đông của NATO và ở một mức độ nào đó, điều này có vẻ vẫn chưa là một mối đe dọa vì không có thành viên mới gia nhập NATO nào có chung đường biên giới với Nga.

Sau đó, NATO tiếp tục mở rộng hơn về phía đông. Tại một hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 4/2008 tại Bucharest, liên minh này đã xem xét kết nạp Gruzia và Ukraine. Mặc dù chính quyền George W. Bush ủng hộ việc này, nhưng Pháp và Đức phản đối vì sợ rằng điều đó có thể gây ra một sự phản ứng từ phía Moskva. Cuối cùng, các thành viên NATO đã đạt được một sự thỏa hiệp và tuyên bố: "Các nước này sẽ trở thành thành viên của NATO".

Tuy nhiên, Moskva không coi kết quả trên là một sự thỏa hiệp. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói: "Gruzia và Ukraine gia nhập NATO là một sai lầm chiến lược lớn mà có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu". Ông Putin lúc đó cũng cho rằng việc 2 quốc gia trên là thành viên của NATO sẽ đại diện cho một "mối đe dọa trực tiếp" đối với Nga.

Trong khi đó, EU cũng đã tìm cách hướng về phía đông. Tháng 5/2008, Liên minh này công bố sáng kiến Đối tác phía Đông của họ, một chương trình nhằm thúc đẩy “sự thịnh vượng” ở các nước như Ukraine và tích hợp chúng vào nền kinh tế EU. Không ngạc nhiên, các nhà lãnh đạo Nga xem kế hoạch này là nhằm chống lại lợi ích của Moskva. Tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc EU đang tìm cách để tạo ra một "phạm vi ảnh hưởng" ở Đông Âu.


Công Thuận (F.A)

Còn tiếp
Tại sao khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây? - Kỳ cuối: Giải pháp
Tại sao khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây? - Kỳ cuối: Giải pháp

Với tham vọng đẩy Kiev ra khỏi tầm ảnh hưởng của Moskva, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã tìm cách truyền bá những giá trị và thúc đẩy dân chủ kiểu phương Tây ở Ukraine và các quốc gia hậu Xô Viết khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN