Tại sao kế hoạch làm trung gian hòa giải đối đầu Trung-Ấn của ông Trump thất bại?

Khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng đưa ra đề nghị “làm trung gian hòa giải, phân xử” giữa hai cường quốc này. 

Chú thích ảnh
Binh sĩ Trung Quốc và binh sĩ Ấn Độ tại cửa khẩu biên giới Nathu La, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng đề nghị đó lập tức bị cả New Delhi và Bắc Kinh cự tuyệt, khi cả hai đều nói rõ rằng họ không cần người trung gian. Khi đưa ra ý tưởng này, ông Trump có lẽ đã bị kích thích bởi thành công cá nhân mới đây: Đứng ra ráp nối để các bên đi đến thỏa thuận của nhóm OPEC+ giúp chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.

Nếu Tổng thống Donald Trump từng có thể hàn gắn hai nhà vận hành chiến lược là Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, tại sao không thử làm vậy với trường hợp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình? Có ít nhất hai lý do khiến can thiệp của ông Trump vào tranh chấp Trung-Ấn không đi đến đâu. 

Một là, rất khó để đạt tới vị thế của một nhà trung gian hay trọng tài hiệu quả trong nền chính trị quốc tế nếu như người đó không có được ảnh hưởng với các bên liên quan. Để là người hòa giải, phải tạo ra được khích lệ đối với cả hai nếu họ tuân thủ đường hướng trung gian, hoặc là phải tung được đòn trừng phạt trong trường hợp ngược lại. 

Trong xử lý cuộc chiến giá dầu Nga-Saudi Arabia, Mỹ có nhiều ưu thế, nổi bật nhất là vị thế của một nhà sản xuất dầu mỏ khổng lồ, có đủ sức dịch chuyển thị trường năng lượng toàn cầu. Thế nhưng trong tranh chấp ở Himalaya, Mỹ hầu như chẳng có “phần thưởng” lẫn “hình phạt” nào trong tay để đưa ra trước Ấn Độ và Trung Quốc. 

Hai là, người trung gian giỏi nhất phải là người được các bên xem là vô tư, không thiên vị. Riêng trong vấn đề này, nước Mỹ của ông Trump không đáp ứng được tiêu chuẩn. Nguyên do là bởi Mỹ coi Ấn Độ là đối tác quan trọng, bạn bè thân thiết, trong khi lại xem Trung Quốc là đối thủ, địch thủ. 
Đổ vấy Trung Quốc và chiến lược chia để trị

Tại thời điểm ông Trump nêu đề nghị đứng ra làm trọng tài phân xử, giới chức cấp cao tại Nhà Trắng đã không ngần ngại đứng ra chỉ đích danh – theo quan điểm của số này, ai là nạn nhân, ai là người xâm lược trong đối đầu ở Himalaya.

Alice Wells, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Nam và Trung Á gọi hành vi của Trung Quốc là “xâm lược, âm mưu nhất quán nhằm thay đổi nguyên tắc, thay đổi nguyên trạng vốn là đặc điểm xuyên suốt, dù là ở Biển Đông hay là ở khu vực sân sau của Ấn Độ - cả trên đất liền cũng như ở Ấn Độ Dương”.

Giới quan sát Ấn Độ thậm chí cũng không tung ra ngôn ngữ chỉ trích nặng nề đến vậy khi họ mổ xẻ những gì ẩn sau căng thẳng ở khu vực biên giới Trung-Ấn. Đơn cử, cựu Trung tướng lục quân H S Panag và hiện là nhà phân tích, bình luận quốc phòng, các vấn đề chiến lược tại Ấn Độ cho rằng, mục đích chính trị của Trung Quốc là “giữa nguyên trạng thái”, điều Bắc Kinh lo ngại sẽ đổ vỡ sau việc Ấn Độ tiếp tục tăng cường vũ khí chiến lược tại khu vực tranh chấp, chứ không phải là đoạt thêm lãnh thổ của Ấn Độ. 

Tuy nhiên, giải pháp cuối cùng cho tranh chấp biên giới Ấn-Trung có thể là điều mà Washington không thực sự mong muốn. Có lẽ ông Trump là người duy nhất chính quyền Mỹ muốn Trung Quốc và Ấn Độ hòa hoãn trở lại, để tạo thêm uy tín cá nhân cho ông, cũng có thể là nỗ lực để tổng thống Mỹ giật giải Nobel hòa bình. 

Những người khác đang nắm Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc, giới tư vấn, điều nghiên ở Washington đều không quan tâm đến việc ông Trump có đạt giải Nobel hay không. Khác ông Trump, suy tính của số này mang nặng yếu tố địa chính trị, gắn với câu chuyện cân bằng quyền lực.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm New Delhi ngày 25/2/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Họ hiểu rằng một Ấn Độ tham vọng, trỗi dậy là giải pháp thực tế duy nhất giúp tạo thế chống Trung Quốc. Hầu như không có ứng cử viên nào thích hợp, đủ sức đảm đương vai trò này. Nga đang có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Nhật Bản là cường quốc suy toàn, thực lực quân sự chưa đủ mạnh. Khối ASEAN khó có thể cự tuyệt Trung Quốc để đứng về phía Mỹ. 

Giới hoạch định chính sách Mỹ cũng hiểu rằng, để duy trì thế bá quyền tại lục địa Á-Âu, Mỹ cần duy trì chia cắt ở siêu lục địa này, đồng nghĩa với việc không bao giờ cho phép hai siêu cường lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ thực sự xích lại gần nhau.

Chủ nghĩa dân tộc ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đương nhiên luôn là nhân tố cản trở Bắc Kinh và New Delhi chấm dứt thù địch, đối đầu. Nhưng Washington sẽ không cho phép hai nước theo đuổi mục tiêu này một cách dễ dàng. Đó là lý do Mỹ tìm cách lôi kéo Ấn Độ gia nhập các liên minh, thiết chế như “Nhóm bộ Tứ” (Quad) với mục tiêu chống Trung Quốc. 

New Delhi đến thời điểm này vẫn ủng hộ tiến trình hợp tác mà Mỹ đưa ra, nhưng cũng rất thực dụng. Ấn Độ sẽ không đi tới đích mà nhiều nhà chiến lược Mỹ kỳ vọng – đó là trở thành quốc gia tiền đồn chống Trung Quốc. 

Chiến lược Ấn Độ đan theo đuổi dường như là sự cân bằng giữa khai thác tối đa lợi thế có được từ quan hệ đối tác với Mỹ, đồng thời thoát khỏi hoặc tham gia hờ hững trước các sáng kiến do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Dưới góc độ này, sẽ thật khờ dại nếu những nhà hoạch định chính sách ở Washington kỳ vọng sẽ thành công trong việc đẩy Ấn Độ chống Trung Quốc. Nó cũng là tình cảnh của “sáng kiến hòa bình” khi ông Trump đề xuất làm trung gian hòa giải cho căng thẳng Trung-Ấn ở khu vực biên giới.
 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (RT)
Trung Quốc khẳng định tình hình tại biên giới với Ấn Độ vẫn ổn định
Trung Quốc khẳng định tình hình tại biên giới với Ấn Độ vẫn ổn định

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 1/6 cho biết Trung Quốc và Ấn Độ duy trì đều đặn các kênh liên lạc ngoại giao và quân sự về những vấn đề tại các khu vực biên giới giữa hai nước, đồng thời khẳng định tình hình biên giới giữa hai nước nhìn chung ổn định và trong tầm kiểm soát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN