Tại sao Biển Đông “quan trọng đặc biệt” với Ấn Độ?

Có 3 lý do khiến vấn đề Biển Đông trở nên quan trọng đặc biệt với Ấn Độ. Do đó, bất kể việc Bắc Kinh có một số nhượng bộ đối với New Delhi, Ấn Độ sẽ không nhất trí về một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Theo chuyên gia Abhijit Singh tại Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng (IDSA) ở New Delhi (Ấn Độ), trong chuyến thăm New Delhi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có các cuộc thảo luận sâu rộng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp nước chủ nhà Sushma Swaraj.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Ấn Độ Sushma Swaraj. Ảnh: THX/TTXVN

Chương trình nghị sự trên được cho là bao gồm một số vấn đề song phương đang tồn tại – như việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), Bắc Kinh không đồng tình về các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với thủ lĩnh nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed, tên Masood Azhar, và hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Tuy nhiên, vắng mặt trong danh sách này là vấn đề Biển Đông - một chủ đề mà Bắc Kinh dường như đã ngăn cản thảo luận trong bất kỳ hoàn cảnh hoặc hình thức nào.

Kỳ lạ thay, một ngày sau khi ông Vương Nghị trở về Bắc Kinh, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi Ấn Độ vì "sự trung lập về vấn đề Biển Đông” – cứ như thể là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã chắc chắn một sự bảo đảm từ Ấn Độ rằng, nếu vấn đề này được đưa ra thảo luận tại một diễn đàn quốc tế, New Delhi cam kết sẽ không đứng về phía nào.

Trong khi đó, báo chí Ấn Độ đã chỉ ra rằng, mặc dù không đề cập đến vấn đề Biển Đông trong các cuộc thảo luận chính thức của mình, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đưa vấn đề này ra với giới truyền thông.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo, ông Vương Nghị phát biểu rằng Ấn Độ cần phải quyết định "vị trí của mình trong vấn đề Biển Đông" - một tín hiệu rõ ràng rằng việc tìm kiếm sự ủng hộ liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á có thể là mục đích thực sự của chuyến thăm.

Điều thú vị là, trước chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Ấn Độ, tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh báo New Delhi rằng thái độ thù địch của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông có nguy cơ gây tổn hại cho quan hệ song phương và có thể tạo ra những trở ngại cho các doanh nghiệp Ấn Độ tại Trung Quốc.

Rõ ràng, Trung Quốc vẫn lo sợ Ấn Độ có thể cùng với các nước khác đặt vấn đề tranh chấp Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng tới. Với việc Mỹ chắc chắn sẽ đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” trên Biển Đông gần đây, Bắc Kinh đã quyết tâm tìm kiếm sự ủng hộ cho quan điểm của họ về vấn đề này.

Chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị được nhiều người coi là một phần trong nỗ lực vận động hành lang của Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng New Delhi không bắt tay với Washington và những nước khác ủng hộ việc đẩy Bắc Kinh vào thế phòng thủ bằng cách đưa ra vấn đề Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tuyên bố rằng bằng cách tránh đề cập đến Biển Đông trong các cuộc thảo luận với ông Vương Nghị, Bắc Kinh có thể kết luận một cách an toàn rằng New Delhi đồng ý với quan điểm của họ về vấn đề đó.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc phải hiểu rằng, trong khi New Delhi tôn trọng quan điểm của Trung Quốc, nước này có một lập trường mang tính nguyên tắc về các tranh chấp ở Biển Đông. Trên thực tế, Đông Nam Á và các vùng biển đang có tranh chấp trong khu vực này có tầm quan trọng đối với những lợi ích của Ấn Độ vì 3 lý do.

Thứ nhất, thương mại của Ấn Độ và các mối liên kết kinh tế ở Thái Bình Dương đang trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Không chỉ ASEAN và vùng viễn Đông của Thái Bình Dương đều là các khu vực mục tiêu chính trong chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ, mối quan hệ với khu vực phía Đông của châu Á đang ngày càng là nhân tố hỗ trợ sống còn đối với sự phát triển kinh tế của Ấn Độ.

Với việc phụ thuộc ngày càng tăng vào eo biển Malacca liên quan đến dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, kinh tế đang ngày càng trở thành một yếu tố trụ cột trong chính sách Thái Bình Dương của Ấn Độ. Trung Quốc phải biết rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đe dọa xu hướng phát triển kinh tế tương lai của Ấn Độ, tạo ra một trở ngại không thể chấp nhận đối với mậu dịch và thương mại trong khu vực.

Thứ hai, Ấn Độ cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông là một phép thử đối với luật biển quốc tế. Sau phán quyết Tòa Trọng tài về Biển Đông, New Delhi cảm thấy bắt buộc phải có một lập trường mang tính nguyên tắc về vấn đề tự do hàng hải và tiếp cận thương mại.

Bắc Kinh phải biết rằng dù Trung Quốc có tìm cách để Ấn Độ trung lập về vấn đề Biển Đông, New Delhi vẫn không thể bỏ qua sự gây hấn của các tàu hải quân vũ trang, máy bay chiến đấu và tàu ngầm của Trung Quốc trong khu vực.

Dù khi Bắc Kinh nhượng bộ trong các vấn đề song phương và sẵn sàng ủng hộ Ấn Độ gia nhập NSG, New Delhi có lý do để tiếp tục nghi ngờ về các cuộc diễn tập trên biển của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương (IOR).

Ngay cả trong chuyến thăm trên của ông Vương Nghị, Bắc Kinh vẫn chưa giải thích về sự hiện diện dưới biển một cách nhanh chóng của họ trong vùng duyên hải Nam Á. Lý do đơn giản về các hoạt động chống cướp biển nhằm biện minh cho việc triển khai các tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương khiến nhiều nhà phân tích hàng hải Ấn Độ tin rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị cho một động thái chiến lược lớn hơn ở Ấn Độ Dương.

Cuối cùng, Bắc Kinh phải biết rõ New Delhi nhận thấy sự gây hấn của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa đối với các lợi ích chung rộng lớn hơn ở châu Á - đặc biệt là sự tức giận liên quan đến sự bất cân xứng về sức mạnh hiện nay. Để góp phần vào một trật tự hàng hải công bằng và theo luật trong khu vực, New Delhi sẽ có một lập trường nhằm khôi phục sự cân bằng chiến lược trên biển ở châu Á.

Ngoài ra, các nhà phân tích hàng hải Ấn Độ còn đặt ra mối tương quan giữa giữa các hành đồng tuần tra hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc triển khai hải quân ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương; hay giới chiến lược Ấn Độ nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở Biển Đông như là một bàn đạp nhằm triển khai sức mạnh sang Ấn Độ Dương.

Với việc mở rộng các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, New Delhi lo ngại sự hiện diện ngày càng tăng của các tàu “phi vỏ xám” ở phía Đông Ấn Độ Dương. Trung Quốc hiện đang có đội tàu đánh cá biển xa lớn nhất thế giới, và là một tổ chức thương mại hàng hải được bao cấp lớn.

Trong khi sự gia tăng hiện diện của các tàu này không phải luôn đặt ra một mối đe dọa an ninh, Ấn Độ vẫn cảnh giác với hoạt động hàng hải phi quân sự của Trung Quốc ở Đông Ấn Độ Dương.

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo Ấn Độ không thể nói ra toàn bộ sự quan ngại của họ về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở châu Á. Nhưng bất kể việc có một số nhượng bộ đối với New Delhi, Bắc Kinh phải biết rằng Ấn Độ sẽ không nhất trí về một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Công Thuận (Theo IDSA)
Học giả Pháp: Cần nhiều giải pháp để hạn chế căng thẳng ở Biển Đông
Học giả Pháp: Cần nhiều giải pháp để hạn chế căng thẳng ở Biển Đông

Cần nhiều giải pháp, các đề xuất sáng tạo và táo bạo nhằm giúp các bên có thể thoát khỏi vòng xoáy căng thẳng đang gây nhiều lo ngại vào thời điểm hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN