Syria: Vết xe đổ của Nga ở Afghanistan năm 1979?

Việc Nga tiến hành các cuộc không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã xuất hiện những lời cảnh báo cho rằng Syria có thể là vết xe đổ của Moskva như những gì mà Liên Xô đã trải qua ở Afghanistan năm 1979.

 

Quân đội Syria trong một chiến dịch tiêu diệt IS tại ngoại ô Al-Hasakah, miền đông Syria. Ảnh: RIA Novosti

Vào ngày cuối cùng của tháng 9/2015, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga nhất trí thông qua đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin triển khai các lực lượng vũ trang Nga ở nước ngoài. Ngay sau đó, không quân Nga bắt đầu tấn công các mục tiêu của IS tại Syria. Theo lời của ông Putin, cuộc chiến chống khủng bố phải được được tiến hành một cách chủ động - nếu không “chúng chắc chắn sẽ tràn vào Nga".

 

Điều này đã khơi mào cho các cuộc tranh luận mới. Một số nhà khoa học chính trị đã nhanh chóng tuyên bố rằng Syria sẽ là cái nôi của Thế chiến III. Chuyện gì đang diễn ra? Mục tiêu của Moskva ở Trung Đông là gì và sự viện trợ quân sự của Nga có thể đảo ngược tình hình ở Syria? Thậm chí liệu nó có dẫn đến một cuộc xung đột mở giữa Nga và phương Tây? Nhưng ngay cả những nhà chỉ trích mạnh mẽ nhất quyết định của người đứng đầu Điện Kremlin cũng phải thừa nhận rằng, từ lâu trước khi Nga can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria, IS đã tràn đến khu vực Bắc Caucasus - và Nga nói chung - cũng là một mục tiêu. Đó là điều mà Al-Qaeda và các nhóm thánh chiến khác chưa từng làm trước đây.


Những nguy cơ của Nga


Không giống như liên minh chống IS của phương Tây, trong đó hoạt động trong không phận Syria mà không cần sự đồng ý của Damascus, các cuộc không kích của Nga được thực hiện theo lời đề nghị của một chính quyền hợp pháp. Nga cũng đã có một căn cứ quân sự ở Syria. Theo một số báo cáo, tính đến tháng 9/2015 có khoảng 1.700 nhân viên Nga phục vụ tại cảng Tartus. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Nga vào đầu tháng 9 vừa qua cũng đã cho phép các máy bay đồn trú tại căn cứ không quân Hmeimim, hiện đang được Không quân sử dụng như là trung tâm điều phối hoạt động. Giữa tháng trước cũng có báo cáo cho rằng đã có sự đụng độ giữa một nhóm tay súng IS và thủy quân lục chiến Nga bảo vệ căn cứ không quân trên. Đó là những cơ sở nền tảng để sau đó Điện Kremlin quyết định can thiệp quân sự vào Syria.


Trong cuộc chiến này, Điện Kremlin tuyên bố rằng hoạt động của họ là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, trong khi lực lượng chính phủ Syria có thể tiến hành các hoạt động quân sự chống lại tất cả các phiến quân, quân đội Nga phải tính đến những quan điểm có ảnh hưởng của phương Tây và Saudi Arabia, vốn đang tài trợ cho một số nhóm đối lập "ôn hòa" trong bất kỳ cuộc không kích nào. Chưa kể, Moskva phải đối mặt với một cuộc chiến tranh thông tin khi phương Tây không ngừng đưa ra những báo cáo cho rằng tên lửa của Nga tấn công vào khu vực dân cư trong khu vực kiểm soát của phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn.


Một điều quan trọng nữa là phải làm sao để chấm dứt sự mở rộng quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của IS. Tuy nhiên, IS từ lâu đã là một tổ chức xuyên quốc gia, kiểm soát cả một phần của lãnh thổ Iraq. Nếu không có sự lựa chọn tiêu diệt các căn cứ IS ở bên ngoài Syria, chiến dịch của Nga sẽ là không trọn vẹn. Hiện nay, Không quân Nga không có thỏa thuận để hoạt động trong không phận Iraq.


Mặt khác, Điện Kremlin có nguy cơ lặp lại những sai lầm của liên minh phương Tây với những chiến dịch mà từ lâu vẫn chưa mang lại một kết quả cụ thể nào. Thực tế là những tay súng Hồi giáo cực đoan đã áp dụng các chiến thuật phá hoại và chiến tranh du kích. Chúng có vài cơ sở và trung tâm hỗ trợ. Hoạt động với các nhóm nhỏ, chúng "thâm nhập" vào vùng lãnh thổ do chính phủ kiểm soát và tấn công các mục tiêu. Nguồn tài chính của các nhóm này có thể là buôn bán dầu mỏ bất hợp pháp, nhưng cho đến nay phương Tây, Baghdad và Damascus đã bất lực trong việc ngăn chặn điều này.

 

Máy bay Su-34 của Nga tại căn cứ không quân Latakia ở Syria. Ảnh: RIA Novosti.

Lịch sử có lặp lại?


Tuy nhiên, những nguy cơ trên không có nghĩa rằng Syria 2015 sẽ là một sự lặp lại trường hợp của Afghanistan năm 1979 đối với Điện Kremlin. Theo Giáo sư Sergey Markedonov tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Nga có trụ sở ở Moskva, có 3 lý do tại sao sự so sánh trên là quá sớm.


Thứ nhất, mức độ can thiệp của Nga trong cuộc xung đột Syria là hoàn toàn được xác định rõ ranh giới. Moskva chỉ tiến hành các cuộc không kích mà không có sự tham gia của bộ binh. Thứ hai, Afghanistan năm 1979 là một mặt trận trên chiến trường Chiến tranh Lạnh, nơi không chỉ có các lợi ích và liên minh khác nhau xung đột, mà còn có sự khác biệt cả về ý thức hệ chính trị-xã hội. Thứ ba, không giống như Liên Xô, Nga hiện nay thiếu nguồn lực để cạnh tranh với Mỹ trên đấu trường toàn cầu trải dài từ Cuba và Nicaragua đến Afghanistan. Lợi ích của Moskva bị giới hạn chủ yếu xung quanh "những nước ngoài ở gần" (các nước thuộc khối SNG). Bất kỳ sự can dự ra xa hơn (ví dụ ở Syria) được quyết định chủ yếu bởi các yếu tố an ninh, cả ở trong nước và các vùng lân cận.


Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hiện đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng ở Trung Á, đặc biệt là Tajikistan, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ những biến động ở Afghanistan. Nguy cơ tương tự tồn tại trong vùng Greater Caucasus, bao gồm cả các khu vực Bắc Caucasus của Nga.


Tóm lại, các cuộc không kích chống IS của Nga có ý nghĩa về mặt chính trị nhiều hơn là quân sự. Không giống như liên minh của phương Tây, điện Kremlin đã hoạt động theo luật quốc tế. Các chiến dịch của Nga được thực hiện theo yêu cầu của một chính phủ hợp pháp tại Syria và mục tiêu là chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, điều mà phương Tây cũng đang tiến hành.


Theo logic trên, Washington và các đồng minh không thể làm gì, nhưng cũng nên nhận ra sự khôn ngoan trong các hành động của Nga và đồng ý chia sẻ thông tin tình báo để tiêu diệt IS. Về cơ bản, phương Tây đang ở thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc có thể thừa nhận đã sai lầm về Syria và miễn cưỡng hợp tác với chính quyền của ông Assad, hoặc có thể áp dụng vũ lực để đối phó với sự hỗ trợ của Nga cho Damascus. Kịch bản thứ hai có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh không tuyên bố trên bầu trời Syria, trong đó máy bay Nga bị bắn hạ bởi hệ thống phòng không của phương Tây cố ý cung cấp cho quân nổi dậy chống ông Assad, và tên lửa Mỹ được khai hỏa một cách nguy hiểm gần quân đội Nga.


Liệu Nga sẽ bị sa lầy ở Syria, như Mỹ từng trải qua ở Iraq và Afghanistan? Đây vẫn là một câu hỏi tu từ. Nhưng các mối đe dọa chung do những phần tử thánh chiến cực đoan gây ra, cùng với sự hỗn loạn gia tăng ở khu vực chiến lược quan trọng này, có thể thu hẹp những khác biệt giữa Nga và phương Tây. Có một điều chắc chắn là: Chỉ thông qua các nỗ lực chung mới có thể đánh bại được IS và mang lại sự ổn định cho khu vực.


Công Thuận (tổng hợp)
Lý do thế giới Arập im lặng trước can thiệp quân sự của Nga tại Syria
Lý do thế giới Arập im lặng trước can thiệp quân sự của Nga tại Syria

Do bất đồng về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad nên các nước Arập đến nay vẫn giữ im lặng trước chiến dịch không kích của Nga nhằm vào các cơ sở của khủng bố IS tại Syria, ngoại trừ Ai Cập, quốc gia vừa công khai ủng hộ Moskva cuối tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN