Sự trỗi dậy của SCO

Tại Hội nghị cấp cao thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa diễn ra tại Tajikistan trong hai ngày 11 - 12/9 vừa qua với sự tham dự của các nhà lãnh đạo khu vực như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rowhani, SCO đã đưa ra một số đề xuất đáng lưu ý.

Các nhà lãnh đạo SCO tại lễ bế mạc hội nghị ngày 12/9. Ảnh: THX-TTXVN


Trong một bước tiến lớn hướng tới mở rộng ảnh hưởng khu vực, SCO đã hoàn tất thủ tục kết nạp các thành viên mới đối với Ấn Độ, Pakistan và Iran.

Rõ ràng việc mở rộng SCO là có lý do. Theo các nhà phân tích, để có sức mạnh thực sự trên trường quốc tế và trở thành một tổ chức uy tín, có thể cạnh tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), SCO cần kết nạp thêm thành viên.

Nếu Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ đều trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức này, khi đó SCO sẽ kiểm soát 20% trữ lượng dầu mỏ và gần một nửa trữ lượng khí đốt toàn cầu, đồng thời "chiếm" một nửa dân số thế giới. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn gia nhập SCO. Điều này sẽ tăng cường uy tín của SCO như một tổ chức chi phối.
 
Mặc dù cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề an ninh khu vực, nhất là tại Afghanistan, vẫn là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của SCO, nhưng các sự kiện đang diễn ra tại Ukraine cũng có tác động ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia thành viên của tổ chức này.

Bản chất hung hăng trong các hành động của phương Tây đối với Nga khiến các thành viên SCO đoàn kết hơn. Điều gắn kết các thành viên SCO (thành viên chính thức hay quan sát viên) là việc bác bỏ các thể chế mà phương Tây chi phối như: Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). SCO, cũng giống như Nhóm các nước đang nổi BRICs (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đang tự coi mình là một diễn đàn chống lại trật tự quốc tế do phương Tây chi phối.

Tại cuộc gặp Nga - Trung trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh lần này, ông Putin đã nói với ông Tập Cận Bình rằng "Nga coi trọng và đánh giá cao quan điểm và các đề xuất của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine", rằng Moskva muốn tiếp tục trao đổi với Bắc Kinh về vấn đề Ukraine, rằng hai nước nên "tăng cường sự hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực".

Việc thúc đẩy SCO phù hợp với mục tiêu chung của Nga và Trung Quốc hướng tới thành lập một cấu trúc khung an ninh châu Á độc lập với Mỹ và các đồng minh.

Mặc dù trọng tâm chính là các quan ngại an ninh, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh SCO mới đây cũng khuyến khích tăng cường hợp tác kinh tế trong nội bộ các nước thành viên. Sự liên kết kinh tế đang trở thành một phần ngày càng quan trọng trong chương trình nghị sự của SCO, nhất là khi Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng thành lập Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa, bao gồm các nước thành viên và quan sát viên của SCO.

Bắc Kinh cũng đã xác nhận việc dành khoản tín dụng trị giá 5 tỷ USD để các nước thành viên SCO thực hiện các dự án chung. Nga và Trung Quốc, hai thành viên chủ chốt của SCO, cũng đã đề cập đến một quan hệ đối tác năng lượng lớn.

Mới đây, Nga đã bắt đầu thực hiện dự án Tuyến đường phía đông, xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nga - Trung.
Cả Trung Quốc và Nga đều mong muốn SCO trở thành một tổ chức mạnh hơn, có thể bảo đảm ổn định và phát triển của tất cả các nước thành viên.

Nói chung, tương lai của SCO rất hứa hẹn. Sự kết hợp các thành viên mới và quyết tâm biến tổ chức này thành một khối thực sự quan trọng và có ảnh hưởng dường như có thể bảo đảm rằng SCO sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng.

Tham vọng đưa SCO trở thành một tổ chức thực sự có tiếng nói, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của phương Tây, có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.


Dương Hoa(Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu")
Nga đề xuất thành lập ngân hàng phát triển SCO

Nga đang xem xét chương trình thành lập Ngân hàng Phát triển SCO dựa trên cơ sở hoạt động hiệu quả của Ngân hàng Phát triển Á-Âu trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN