Sự thỏa hiệp cần thiết

Tròn 100 ngày kể từ sau cuộc tổng tuyển cử 14/5, Quốc hội Thái Lan đã bầu được vị thủ tướng thứ 30 cho đất nước là ông Srettha Thavisin, một nhà tài phiệt bất động sản mới chuyển sang hoạt động chính trị và là ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái).

Chú thích ảnh
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc ông Srettha đắc cử thủ tướng với số phiếu ủng hộ vượt xa ngưỡng cần thiết đã giúp tháo gỡ tình trạng bế tắc chính trị kéo dài suốt thời gian qua, đồng thời báo hiệu một chương mới trong nền chính trị đất nước Chùa Vàng, khi sự chia rẽ chính trị “áo đỏ” - “áo vàng” vốn đã phân cực đất nước trong nhiều năm dự kiến sẽ chấm dứt.

Ông Sreththa sinh ngày 15/2/1963 trong một gia đình giàu có ở thủ đô Bangkok, tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học Massachusetts và nhận bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) về tài chính tại Đại học Claremont Graduate (Mỹ). Ông Srettha có nhiều năm gắn bó với Công ty Sansiri Plc trước khi từ bỏ chức vụ chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ hai Thái Lan này hồi tháng 4 năm nay để chính thức gia nhập đảng Pheu Thai, bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông là một trong 3 ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai và đã cùng với các thành viên cấp cao của đảng này đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử, với những cam kết cải thiện đời sống cho toàn bộ nhân dân. Ông từng là cố vấn cho nhóm kinh tế của đảng Pheu Thai và giúp thúc đẩy các chính sách của đảng này, bao gồm kế hoạch tặng 10.000 baht (290 USD) tiền kỹ thuật số cho tất cả người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên. Điều này tạo thêm dấu ấn cho Pheu Thai khi tranh cử.

Cơ hội trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan đã đến với ông Srettha sau khi đảng Move Forward (Tiến bước – MFP), chính đảng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, không vượt qua được vòng bỏ phiếu bầu thủ tướng và phải nhường cơ hội dẫn dắt tiến trình thành lập chính phủ mới cho đảng Pheu Thai đứng thứ hai. Để đảm bảo cơ hội có chân trong chính phủ cầm quyền và cho ứng cử viên thủ tướng của mình, đảng Pheu Thai đã đi tới quyết định lập liên minh mới không có đảng MFP, đồng thời bắt tay với các đảng mà họ từng tuyên bố sẽ không bao giờ làm việc cùng. Động thái thỏa hiệp này của đảng Pheu Thai mặc dù có thể bị chỉ trích là “bội ước” khiến những người ủng hộ trung thành của đảng thất vọng, nhưng là cần thiết trong bối cảnh chính trị hiện nay. Theo một số nhà quan sát, việc đảng Pheu Thai liên minh với các đảng United Thai Nation (Quốc gia Thái Lan thống nhất - UTN) và đảng Palang Pracharath (Quyền lực Nhà nước Nhân dân - PPRP) để thành lập chính phủ mới gửi đi thông điệp rằng sự chia rẽ chính trị giữa hai khối đối lập vốn phân cực đất nước Thái Lan nhiều năm qua rốt cuộc sắp đi tới hồi kết.

Giờ đây, với chức danh thủ tướng mới đã được Nhà vua phê chuẩn, ông Srettha sẽ cùng liên minh do đảng Pheu Thai dẫn đầu nhanh chóng bắt tay vào việc thành lập chính phủ mới và thực hiện các cam kết mà đảng Pheu Thai cũng như các đảng khác trong liên minh đã hứa hẹn trước bầu cử.

Cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan kỳ vọng tân Thủ tướng Srettha sẽ đẩy nhanh quá trình thành lập chính phủ để kịp thời giải quyết một loạt khó khăn đang thách thức quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Ông Srettha vốn được cộng đồng doanh nghiệp nước này rất yêu mến, với khoảng 66% trong số 100 CEO được báo Krungthep Turakij khảo sát nói rằng, họ muốn ông trở thành thủ tướng.

Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), nhận định sau khi nội các mới nhậm chức, chính quyền của ông Srettha sẽ phải đối mặt với một số nhiệm vụ trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, từ lập kế hoạch ngân sách cho năm tài chính mới đến giải quyết tình trạng nợ hộ gia đình đang ở mức rất cao hiện nay cũng như tháo gỡ khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Ông Chaichan Chareonsuk, Chủ tịch Hội đồng Chủ hàng quốc gia Thái Lan, cho biết một khi thủ tướng mới được bầu, khu vực tư nhân muốn một chính phủ mới được thành lập kịp thời để có thể tìm ra điểm chung cho sự hợp tác giữa các đảng liên minh. Theo ông, điều mà khu vực tư nhân mong muốn lúc này là ổn định chính trị để chính phủ mới tập trung vào các giải pháp tháo gỡ tình trạng xuất khẩu giảm sút, khủng hoảng hạn hán và điều kiện kinh tế không đồng đều.

Trong khi đó, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, đánh giá các nhà điều hành du lịch rất quan tâm đến ngân sách chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là các cuộc họp cấp nhà nước và các ưu đãi đã bị hoãn lại khi quốc gia chờ đợi chính phủ mới. Bà Marisa cho biết, vì chi tiêu của chính phủ thường chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nên nếu ngân sách này được mở khóa sẽ ngay lập tức giúp kích thích nền kinh tế ở một mức độ nào đó.

Ông Somchai Lertsutiwong, giám đốc điều hành của nhà cung cấp mạng viễn thông lớn nhất Thái Lan Advanced Info Service (AIS), nhận định việc thành lập chính phủ do đảng Pheu Thai lãnh đạo là một dấu hiệu tốt để thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan. Theo ông, ít nhất trong ngắn hạn (1 - 2 năm), nền kinh tế và người dân Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ cả các dự án vật chất thông qua hoạt động và đầu tư của chính phủ mới.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được bầu, ông Srettha cam kết sẽ sớm đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong bối cảnh triển vọng kinh tế của nước này được dự báo khá ảm đạm. Nền kinh tế Thái Lan trong quý II/2023 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo, trong khi số doanh nghiệp phải đóng cửa trong tháng 7 đã tăng 18,70% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giới phân tích, một loạt những khó khăn kinh tế “đang ở phía trước" đòi hỏi chính phủ mới của Thái Lan phải nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ.

Về chính sách đối ngoại, nhiều chuyên gia nhận định sẽ không có những thay đổi lớn. Thái Lan sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao đa chiều, duy trì trạng thái cân bằng chiến lược giữa các cường quốc khác nhau trên cơ sở lợi ích quốc gia sẽ được bảo đảm. Lập trường này có nghĩa là không quốc gia nào chiếm giữ vị trí trung tâm ngoại giao của Thái Lan khi nước này liên tục xoay trục và tái cân bằng. Bên cạnh quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Thái Lan sẽ thúc đẩy mối quan hệ và hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, tiếp tục đa dạng hóa và tăng cường quan hệ với các nước Trung Đông. Là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chính sách của Thái Lan luôn rõ ràng - ủng hộ mạnh mẽ và hợp tác đầy đủ với khối.

Giới chuyên gia nhận định rằng hoàn cảnh chính trị thay đổi khiến các chính đảng Thái Lan lựa chọn thỏa hiệp để cùng tồn tại, và điều này đã giúp Quốc hội Thái Lan bầu được thủ tướng mới sau 3 tháng bế tắc. Đây là một dấu hiệu tích cực, tạo điều kiện để ổn định tình hình Thái Lan.

Đỗ Sinh (TTXVN)
Bầu cử Thái Lan: Đảng Chatthaipattana gia nhập liên minh với đảng Vì nước Thái
Bầu cử Thái Lan: Đảng Chatthaipattana gia nhập liên minh với đảng Vì nước Thái

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 10/8, đảng Chatthaipattana với 10 hạ nghị sĩ đã chính thức tham gia liên minh do đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) lãnh đạo nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử thủ tướng mới của Thái Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN