Sự nổi lên của Đức trong khủng hoảng Ukraine và Hy Lạp

Thủ tướng Đức Angela Merkel, cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 6/2. Sau đó, bà Merkel đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9/2. Chủ đề thảo luận chủ yếu của hai cuộc gặp trên là về cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng vấn đề đầu tiên được thảo luận tại cuộc họp báo sau buổi hội đàm với ông Obama lại về Hy Lạp. Hy Lạp và Ukraine là không có mối liên hệ trong suy nghĩ của người Mỹ, nhưng hai quốc gia này lại có sự liên hệ trong suy nghĩ của người Đức, bởi vì cả hai đều biểu thị vai trò mới của Đức trên thế giới và sự "bất an" của Berlin với Kiev và Athens.

Sẽ là rất lý thú khi xem xét Đức đã đi được bao xa trong một thời gian khá ngắn. Khi bà Merkel trở thành thủ tướng Đức năm 2005, Liên minh châu Âu (EU) lúc đó đang ở trong giai đoạn hòa bình và thống nhất, một nỗi sợ hãi về người Đức ở châu Âu đã giảm đi trong khi Liên Xô đã sụp đổ và Nga đang trong quá trình nỗ lực phục hồi từ những hậu quả nặng nề của sự sụp đổ đó. Vấn đề chính trong EU lúc đó là vượt qua những rào cản của mỗi quốc gia để gia nhập vào ngôi nhà EU chung.

Thủ tướng Đức Merkel (trái).


Nhưng thế giới mà Đức phải đối mặt hiện hay là hoàn toàn khác. EU đang chìm sâu vào khủng hoảng. Nhiều nước đang đổ lỗi cho Đức về cuộc khủng hoảng này, lập luận rằng những chính sách xuất khẩu mạnh mẽ và những đòi hỏi về chương trình khắc khổ đã gieo mầm cho khủng hoảng. Đức cũng bị cáo buộc rằng đang sử dụng đồng euro để duy trì lợi ích của riêng mình và đang định hình nên chính sách EU để bảo vệ các công ty của họ. Ở nhiều nơi, hình ảnh về một nước Đức cũ lại nổi lên. Trong thực tế, Đức đã trở thành một quốc gia mà các nước châu Âu khác lo sợ. Một số quốc gia hiện đang phản đối mạnh mẽ tư cách thành viên EU. Và những thành viên mới thì có rất ít mong muốn mở rộng biên giới của khối này.

Bên cạnh đó, nền hòa bình mà Đức từng “khao khát” lại đang lâm vào thế nguy hiểm. Các sự kiện ở Ukraine đã là “thức tỉnh” nỗi sợ hãi của người Nga đối với phương Tây, nhưng các hành động của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine lại “kích hoạt” sự lo ngại của người Mỹ về sự trỗi dậy của một “đế chế Nga”. Hiện Mỹ đang thảo luận về việc viện trợ vũ khí cho Ukraine và triển khai vũ khí cho các binh sĩ Mỹ ở các nước vùng Baltic, Ba Lan, Romania và Hulgary. Nga đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc từ những hành động trên của Mỹ, nhưng một số nghị sĩ Mỹ vẫn muốn vũ trang cho Ukraine.

Sẽ hơi quá khi nói rằng thế giới của bà Merkel đang sụp đổ, nhưng không quá để nói rằng thế giới của Đức đã được định hình lại theo những cách mà có lẽ là không thể tưởng tượng được so với năm 2005. Hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc. Mục tiêu của Đức là tránh phải giữ vai trò hàng đầu về chính trị hoặc quân sự ở châu Âu. Nhưng tình hình hiện nay cho thấy nhiệm vụ này của Đức là bất khả thi. Cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu, đến thời điểm này đã kéo dài 7 năm, từ lâu không chỉ còn là vấn đề kinh tế chủ yếu mà đã lan sang vấn đề chính trị. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Đức rơi vào thế cực kỳ bất lợi với vai trò hàng đầu trong việc tránh biến một vấn đề chính trị chuyển sang một vấn đề quân sự.

Điều quan trọng là phải hiểu thách thức kép mà Đức đang phải đối mặt. Một mặt, Đức đang phải tìm cách duy trì sự thống nhất trong EU. Mặt khác, nước này chắc chắn không muốn chia sẻ gánh nặng để duy trì sự thống nhất đó. Ở Ukraine, Đức từng là nước đầu tiên ủng hộ các cuộc biểu tình Maidan mà kết quả là sự ra đời của chính phủ tại Kiev hiện nay. Có lẽ Đức không mong đợi sự phản ứng của Nga và Mỹ, và rõ ràng là họ không muốn tham dự vào bất kỳ một hành động quân sự chống Nga, nhưng cũng không muốn từ bỏ sự ủng hộ đối với chính phủ tại Kiev hiện nay.

Đó có lẽ là mâu thuẫn chung cố hữu trong chiến lược của Đức. Người Đức không muốn vượt qua cái ngưỡng của sự quyết đoán hoặc đe dọa, mà lại muốn đứng ở giữa hai vị trí này. Trong cuộc khủng hoảng tại EU, Đức hầu như rất cứng rắn không chỉ về vấn đề Hy Lạp mà còn cả về vấn đề Nam Âu cũng như tình trạng thất nghiệp thê thảm. Ở Ukraine, Berlin ủng hộ Kiev và do đó phản đối Nga nhưng lại không muốn đưa ra bất cứ kết luận rõ ràng nào. Các cuộc khủng hoảng trong EU và Ukraine phản chiếu hai hình ảnh trái ngược về Đức. Trong EU, Đức đang đóng một vai trò hàng đầu nhưng cứng rắn; ở Ukraine, Đức cũng đóng vai trò hàng đầu nhưng hòa giải. Điều quan trọng trong cả hai trường hợp này là Đức đã bị hoàn cảnh lôi cuốn thay vì bởi chính sách để đóng vai trò hàng đầu. Đây không phải là vị trí “thoải mái” đối với Đức và chắc chắn cũng không dễ chịu đối với phần còn lại của châu Âu.


Công Thuận (Còn tiếp)



Thủ tướng Đức với 7 ngày và 20.000 km
Thủ tướng Đức với 7 ngày và 20.000 km

Berlin–Kiev–Berlin–Moskva–München–Berlin–Washington–Ottawa–Berlin-Minsk là lịch trình di chuyển 20.000 km của bà Merkel chỉ trong 7 ngày. Chủ đề chi phối các điểm thảo luận trên hành trình này là về Ukraine, về chiến tranh, hòa bình và nhiều chủ đề nóng khác của thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN