Romania - Biên giới chiến lược tiếp theo của NATO và Nga

Lộ toan tính chiến lược đằng sau việc NATO tăng cường hiện diện ở Romania khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

JD Fuller, một sĩ quan đang phục vụ trong NATO với nhiều kinh nghiệm hoạt động ở Đông Âu bình luận trên trang web Smallwarsjournal.com mới đây cho rằng, đến nay, việc Moskva tăng cường binh sĩ ở biên giới giáp với Ukraine đã gây ra tác động ngược so với mong đợi của Tổng thống Nga Putin.

Chú thích ảnh
Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận ở Romania. Ảnh: NATO.int

Cụ thể, yêu cầu của ông Putin rằng NATO cần giảm quy mô hiện diện ở Đông Âu đã khiến Liên minh này có động lực mới để hồi sinh và tăng cường triển khai quân ở Estonia, Litva, Latvia và Ba Lan. 

NATO đã không chỉ bổ sung nguồn lực tới các quốc gia trên, nơi các nhóm chiến đấu thường trực đã được thành lập như ở Estonia và Ba Lan, mà còn mở rộng sang một số địa điểm khác trong những tháng tới. Ngày 11/2, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg đã công bố kế hoạch triển khai thêm lực lượng thường trực với một nhóm chiến đấu do Pháp dẫn đầu tới Romania, cùng với các cam kết ở Bulgaria, CH Séc và Hungary.

Thông báo này có thể gây ngạc nhiên với một số người. Romania không có chung đường biên giới với Nga cũng như không phải là thành viên cũ của Liên Xô, nghĩa là ông Putin không coi nước này nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của Moskva, không giống như Ukraine hay các nước Baltic.

Tuy nhiên, nhìn qua các nước láng giềng của Romania cho thấy lý do tại sao phương Tây lại muốn thiết lập sự hiện diện lâu dài ở nước này. Với đường biên giới dài chung với Ukraine, Serbia và Moldova - ba trong số các quốc gia bất ổn nhất châu Âu - Romania tạo ra một vùng đệm quan trọng chống lại sự bất ổn, cũng như là một phần trung tâm trong thế trận an ninh châu Âu.

Ở Serbia, nước láng giềng phía Tây của Romania đã gây ra cảnh báo trong những tháng gần đây khi hỗ trợ các nỗ lực của Republika Srpska, thành phần Serbia ở Bosnia, nhằm ly khai khỏi Hiệp định Hòa bình Dayton năm 1995. Đáp lại, Nghị viện châu Âu gần đây đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo của Republika Srpska, Milorad Dodik, người thường xuyên kích động dân tộc chủ nghĩa trên mạng xã hội trong khi chỉ trích thỏa thuận hòa bình lâu dài là vô hiệu.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Serbia và Nga ngày càng phát triển mạnh mẽ với việc Điện Kremlin cung cấp cho quốc gia Balkan này 60 xe bọc thép vào tháng trước và cam kết hỗ trợ quân sự nhiều hơn trong tương lai.

Với Moldova, các khu vực ly khai Transnistria và Gagauzia đã là những vùng đất thân Nga trong 20 năm, cho phép Moskva triển khai các tài sản quân sự trên khắp lãnh thổ của họ để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính và ngoại giao. 

Cuối cùng, với 245 km đường bờ biển Biển Đen, Romania có vai trò quan trọng trong khu vực đang nhanh chóng trở thành không gian ven biển được quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Biển Đen đã chứng kiến ​​sự phát triển theo cấp số nhân với các cuộc diễn tập hải quân, đặc biệt là của các hạm đội NATO và Nga.

Mặc dù Romania có lực lượng hải quân tương đối nhỏ, với tàu chiến lớn nhất là khinh hạm Type-56, nhưng cảng khổng lồ của nước này tại Constanta thường xuyên được các lực lượng đồng minh NATO sử dụng như một trung tâm chiến lược để tiến hành các hoạt động ở Biển Đen và xa hơn nữa.

Ngoài đường bờ biển, Romania còn có tuyến đường chiến lược để tiếp cận sông Danube, sông lớn nhất ở châu Âu, và là huyết mạch quan trọng được sử dụng từ thời La Mã để vận chuyển binh sĩ và thiết bị quân sự. Việc triển khai lực lượng đồn trú thường trực của NATO tới Romania có thể dẫn đến việc tăng cường đầu tư vào hành lang cơ động này, khuyến khích nhiều hoạt động thương mại và liên lạc dọc theo con sông.

Như vậy, ngay cả khi các bên liên quan đạt được một thỏa thuận ngoại giao về Ukraine và Nga ra lệnh rút quân, cấu trúc an ninh của châu Âu chắc chắn đã bị thay đổi. Cùng với thách thức và cơ hội, căng thẳng Nga-Ukraine đã vô tình củng cố sự đoàn kết của NATO cũng như đẩy nhanh việc triển khai quân thường trực tới Romania; điều có thể góp phần củng cố an ninh trong khu vực và củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa hai nửa phía Tây và phía Đông của châu Âu.

Công Thuận/Báo Tin tức
Căng thẳng Nga-Ukraine bộc lộ rạn nứt trong nội bộ NATO
Căng thẳng Nga-Ukraine bộc lộ rạn nứt trong nội bộ NATO

Căng thẳng Nga-Ukraine đang làm bộc lộ những mâu thuẫn bên trong các nước thành viên NATO ở châu Âu liên quan đến các ưu tiên an ninh và kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN