“Quỹ kền kền”, nỗi ám ảnh không chỉ của Argentine

Sự kiện Argentine bị “vỡ nợ” đã khiến nuớc này trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử vẫn có khả năng chi trả nhưng bị xem là “tạm thời phá sản”. Đây là hậu quả của cuộc chiến pháp lý với các “quỹ kền kền” mà nạn nhân không chỉ dừng lại ở Argentine, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa buông tha nhiều nước.

 

Tây Ban Nha - Mục tiêu tiếp theo?


Sau khi Argentine bị đẩy vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật, Tây Ban Nha có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của các “quỹ kền kền” do tỷ phú Paul Singer đứng đầu. Lợi dụng khó khăn tài chính của các “con mồi”, Elliott Management, quỹ đầu cơ của Paul Singer đã bỏ túi hàng tỷ euro của Bankia và 300 triệu euro của Santander, một trong 2 ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha. Theo ước tính của trang Auraree.com, quỹ đầu cơ trên chỉ chi ra khoảng 50 triệu euro cho cả hai món đầu cơ này.

 

Paul Singer - tỷ phú Mỹ gốc Do Thái, chủ nhân quỹ đầu cơ Elliott.


Trở lại hồi tháng 3/2013, báo chí tài chính Tây Ban Nha đưa tin Elliot đã mua lại món nợ của tập đoàn Santander trị giá 300 triệu euro khoản nợ của Santander Consumer Finance với giá chiết khấu lên tới 96%. Giá mua khoản nợ trên là không thể tin nổi: khoảng 12 triệu euro.


Tới tháng 8 năm đó, Bankia cũng thông báo 3 danh mục đầu tư tín dụng xấu với tổng giá trị lên tới hơn 1,35 tỷ euro đã được bán. Cần nhớ rằng, Bankia là ngân hàng lớn thứ tư ở Tây Ban Nha và là biểu tượng của cuộc khủng hoảng tài chính của Tây Ban Nha khi ngân hàng này thua lỗ 19,2 tỷ euro (26 tỷ USD) trong năm 2012. Ngân hàng trên mới được thành lập vào cuối năm 2010 trên cơ sở hợp nhất một số ngân hàng khu vực và được niêm yết trên sàn chứng khoán Madrid tháng 7/2011, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, vào tháng 5/2012, Bankia đã buộc phải quốc hữu hóa để tránh bị sụp đổ do các khoản nợ xấu và mất giá liên tục.


Trở lại với khoản nợ của Bankia, Ủy ban chứng khoán quốc gia (CNMV) của Tây Ban Nha không tiết lộ đã bán các khoản nợ này cho ai cũng như giá bán của chúng. Tuy nhiên, các tờ báo tài chính của Tây Ban Nha cho rằng tổ chức tài chính mua lại khoản nợ xấu đó “có thể đã được chiết khấu tới 95%”. Những đối tác mua lại 3 danh mục đầu tư của Bankia là “quỹ kền kền” Cerberus, được José Maria Aznar Jr, con trai của cựu Chủ tịch Elliott và công ty tài chính Lindorff của Na Uy tư vấn. Phản hồi về thông tin liên quan tới thương vụ này, phía Bankia tuyên bố để bảo đảm “tính chất bí mật” sẽ không bao giờ công bố số tiền và “người mua cũng không muốn tiết lộ danh tính”.


Tuy nhiên, Elliott không chỉ dừng lại ở đó. Vài tháng sau, Elliott mua lại tập đoàn Gesif, công ty chuyên cung cấp dịch vụ đòi nợ cho các ngân hàng của Tây Ban Nha, để biến công ty này một cơ sở hoạt động tại thị trường Tây Ban Nha. Tổng giám đốc Melania Sebastián của Gesif, người chịu từng trách nhiệm về việc quản lý thông tin tại Banca Comercial de Caja Madrid, sẽ tiếp tục làm việc với những kẻ cho vay nặng lãi của Gesif. Một điều rất đáng chú ý là làm thế nào mà một cựu giám đốc của Caja Madrid lại trở thành người môi giới giữa ngân hàng quốc doanh Bankia và “quỹ kền kền” Elliot.


Ông trùm của “quỹ kền kền”


Các “quỹ kền kền” kiếm tiền bằng cách mua lại từ chủ nợ với giá rẻ mạt những khoản nợ công của các nền kinh tế đang gặp khó khăn, giống như trường hợp của Argentine trong cuộc khủng hoảng năm 2001, sau đó tìm cách thu lại từ con nợ càng nhiều càng tốt bằng cách sử dụng các thủ đoạn pháp lý.
Tỷ phú người Mỹ gốc Do Thái Paul Singer, 70 tuổi, chủ nhân của quỹ đầu cơ Elliott Management, mà quỹ NML là một chi nhánh, là người đi tiên phong trong lĩnh vực này.


Quỹ đầu cơ Elliott chính thức được thành lập năm 1977 và 10 năm sau đó, ông trùm tài chính Singer định hướng cho các hoạt động của mình: Elliott chỉ chuyên săn lùng những chủ nợ đang có trong tay những khoản nợ khó đòi của những con nợ không có khả năng thanh toán. Elliott mua lại những khoản nợ xấu đó với giá rẻ mạt, rồi lợi dụng những kẽ hở pháp lý để lấy lại vốn mà không quên nhân lên gấp bội số tiền đã chi ra ban đầu.


Giống như nhiều nhà tài phiệt khác tại Mỹ, năm 2004, Singer tham gia sân chơi chính trị với tư cách là một nhà tài trợ chính cho chiến dịch tranh cử tổng thống của George W. Bush (Bush con). Đến năm 2012, ông tiếp tục đóng góp cho chiến dịch vận động tranh cử của nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney và thị trưởng New York Rudolph Giuliani. Ngoài ra, ông cũng là nhà tài trợ hàng đầu cho cảnh sát thành phố New York. Như vậy, với cương vị là một nhà tài trợ lớn cho Đảng Cộng hòa, Paul Singer là một phần quan trọng trong các chính sách của Mỹ và các chính sách ở tầm quốc tế. Ông được chính quỹ mang tên mình Paul E. Singer Foundation ca ngợi về lòng từ thiện, vai trò lãnh đạo của ông này trong việc thúc đẩy tự do thương mại, đóng góp cho an ninh quốc gia Mỹ và cho “tương lai của Israel”. Singer còn được biết tới là Chủ tịch của Viện nghiên cứu chính sách Mahattan.


Tuy nhiên, trên thương trường, hình ảnh của Paul Singer không “hiền từ” như vậy. Là một luật sư, Paul Singer đã dùng luật pháp như một công cụ để thu hồi vốn và kiếm lời. NML Capital là một chi nhánh của quỹ Elliott Management Corporation, đăng ký kinh doanh tại thiên đường thuế: quần đảo Cayman. Công ty này nằm trong đế chế của Paul Singer. Công ty Elliott chuyên xử lý các khoản nợ công và cùng nhiều hoạt động khác vi phạm chủ quyền của các quốc gia và người dân. Elliott cũng mua bán các khoản nợ của các công ty tư nhân, như sở hữu 2 triệu USD của ngân hàng Lehman Brothers.


Liên quan tới trường hợp vừa qua của Argentine, NML là một nhà tài trợ chính của tổ chức Lực lượng chuyên trách Mỹ về Argentine (AFTA), một tổ chức vận động hành lang có ảnh hưởng lên Quốc hội và ngành tư pháp Mỹ, gây hại cho Argentine. Quyền lực của các quỹ kền kền như NML lớn đến mức có thể tác động tới Ghana để nước này giam tàu chiến Liberty của Argentine hồi năm 2012 hòng yêu cầu Buenos Aires trả khoản nợ trái phiếu trị giá 370 triệu USD.


Argentine không phải là nạn nhân duy nhất của các quỹ kền kền, bởi những gì đang xảy ra với nước này cũng đang lặp lại tại Hy Lạp, nơi cũng đang có những trải nghiệm cay đắng với quỹ kền kền Dart Management – một tổ chức có trụ sở tại quần đảo Cayman và cũng đang có các thương vụ “bẩn” ở các quốc gia Mỹ Latinh. Trước Argentina, Peru, Zambia hay Cộng hòa Dân chủ Congo đã từng là những nạn nhân của luật sư chuyên về tài chính Singer. Năm 1999, NML đã tung 11 triệu USD, để mua các khoản nợ khó đòi của Peru và sau đó cương quyết không tham gia vào chương trình tái cơ cấu nợ của nước này.

Kiên nhẫn một chút, nhờ một phán quyết của tòa án Mỹ, vài năm sau ông trùm Singer thu về 58 triệu USD. Lãi đến 47 triệu USD. Cung cách làm ăn đó của nhà tỷ phú người Mỹ Paul Singer bị coi là vô đạo đức nhưng không bất hợp pháp. Sau gần 40 năm hoạt động theo trong ngành tài chính ông đứng đầu một quỹ đầu cơ quản lý 24 tỷ USD và theo thẩm định của tạp chí Forbes, tài sản cá nhân của Paul Singer là 1,5 tỷ.

 

Thái Nguyễn

Argentina vật lộn với cuộc chiến chống 'quỹ kền kền'
Argentina vật lộn với cuộc chiến chống 'quỹ kền kền'

Nỗ lực trở lại thị trường tài chính của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh - Argentina - tiếp tục vấp phải khó khăn trước sự gây khó dễ của “quỹ kền kền” thông qua bàn tay của tòa án Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN