Quan hệ Mỹ - Pakixtan: Căng thẳng nhưng không thể đoạn tuyệt

Trong bài viết đăng trên mạng Bình luận Trung Quốc (Hồng Công) ngày 20/7, chuyên gia phân tích Đỗ Băng cho biết vừa qua Mỹ đã tuyên bố tạm ngừng chuyển giao cho Pakixtan khoản viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD, và Pakixtan ngay lập tức đã có thái độ phản ứng cứng rắn, không chấp nhận bất cứ điều kiện gì Mỹ đặt ra trong vấn đề viện trợ, khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ người ta sẽ thấy, Mỹ và Pakixtan đều không thể chịu nổi hậu quả của sự đoạn tuyệt, và trong khoảng thời gian nhất định, quan hệ giữa hai nước sẽ không có sự thay đổi về căn bản.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề thực thi pháp luật và phòng chống ma tuý quốc tế William Brownfield (phải) và Bộ trưởng Nội vụ Pakixtan Rehman Malik trước cuộc đối thoại ở Islamabad ngày 5/7. THX/ TTXVN


Theo tác giả, 800 triệu USD mà Mỹ tạm ngừng cung cấp cho Pakixtan chiếm khoảng 1/3 viện trợ hàng năm của Mỹ dành cho quân đội Pakixtan. Cái cớ mà Mỹ đưa ra biện hộ cho quyết định trên là do quân đội Pakixtan chưa cung cấp chương trình tài chính chi tiết, cắt giảm các hạng mục huấn luyện quân sự (do cố vấn quân sự Mỹ tiến hành), và từ chối cấp thị thực cho một số cố vấn quân sự Mỹ.

Trên thực tế, sự kiện trên chỉ là bằng chứng mới nhất cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Pakixtan trở nên xấu đi trong thời gian gần đây mà nguyên nhân cốt lõi không ngoài việc Mỹ cử đội đặc nhiệm đột nhập vào lãnh thổ Pakixtan tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden hôm 2/5. Vì hành động này, Mỹ bị Pakixtan phản đối quyết liệt, cho là đã xâm phạm chủ quyền nước này. Quân đội Pakixan cũng cảm thấy bị sỉ nhục bởi hành động của Mỹ.
Một mặt, Pakixtan lên tiếng phản đối việc máy bay không người lái của Mỹ tiến hành không kích nhằm vào khu vực bộ lạc của nước này. Mặt khác, Pakixtan yêu cầu Mỹ giảm số lượng sĩ quan huấn luyện và nhân viên tình báo. Trên thực tế, Pakixtan đã buộc hơn 100 cố vấn quân sự Mỹ về nước và gây nhiều khó khăn trong việc cấp thị thực cho các nhân viên tình báo quân sự Mỹ. Phía Pakixtan còn bắt giữ 5 công dân nước này bị tình nghi đã cung cấp manh mối về Bin Laden cho phía Mỹ.

Về phần mình, Mỹ liên tục chỉ trích rằng trong nội bộ chính phủ và quân đội Pakixtan tồn tại thế lực ủng hộ Bin Laden. Thậm chí, Mỹ còn nghi ngờ cơ quan tình báo Pakixtan có quan hệ với tổ chức cực đoan Hồi giáo.

Xem xét ở khía cạnh Mỹ, nước này cần tới sự giúp đỡ của Pakixtan trong lĩnh vực chống khủng bố. Mỹ cho rằng các tổ chức cực đoan như al-Qaeda vẫn lấy khu vực bộ lạc ở Pakixtan làm đại bản doanh, vì thế việc tiêu diệt tận gốc al-Qaeda không thể thiếu được sự giúp đỡ của Pakixtan. Mỹ còn cần Pakixtan trong việc giải quyết vấn đề Ápganixtan. Tình hình Ápganixtan sau khi quân Mỹ rút hết có phát triển theo mong muốn của người Mỹ hay không, thành quả chống khủng bố của Mỹ nhiều năm có giữ được hay không chắc chắn không thể tách khỏi ảnh hưởng to lớn của Pakixtan đối với Ápganixtan. Đồng thời, hoạt động cung cấp hậu cần của quân Mỹ đóng ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất cho Ápganixtan chủ yếu phải thông qua lãnh thổ Pakixtan.

Quan hệ với Pakixtan xấu đi buộc Mỹ phải tìm kiếm tuyến vận chuyển mới. Từ đầu năm tới nay, gần 40% hàng quân nhu cung cấp cho lực lượng mặt đất ở chiến trường Ápganixtan là thông qua “Mạng lưới cung cấp quân sự phương Bắc”, theo đường sắt và đường bộ từ Trung Á, qua miền bắc Ápganixtan tới chiến trường. Tuy nhiên, tuyến vận tải của Pakixtan vẫn không thể thiếu được đối với Mỹ.

Hơn nữa, vấn đề vũ khí hạt nhân của Pakixtan cũng làm Mỹ lo lắng. Mỹ lo ngại về khả năng vũ khí hạt nhân của Pakixtan lọt vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Có thông tin nói rằng phía Mỹ đã đề ra kế hoạch bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Pakixtan, “nhằm tránh để Pakixtan bị Taliban, al-Qaeda và các phần tử cực đoan khác khống chế”.

Pakixtan cũng không thể tách khỏi Mỹ. Viện trợ của Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Pakixtan. Tình hình an ninh không tốt đã ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế Pakixtan, dự trữ ngoại tệ của nước này hiện không đủ để nhập khẩu nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Pakixtan đã phải nhiều lần vay tiền từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tạm thời vượt qua khó khăn. Về mặt an ninh, Mỹ vẫn là nước giữ vai trò chủ đạo trong khu vực. Pakixtan cần Mỹ ủng hộ để ổn định môi trường xung quanh. Nhưng quan trọng nhất là thực lực khoa học kĩ thuật quân sự siêu cường của Mỹ khiến Pakixtan không thể chống lại được. Mỹ đã nhiều lần có hành vi xâm phạm chủ quyền Pakixtan một cách trắng trợn, nhưng phía Pakixtan vẫn đành phải cam chịu. Tham mưu trưởng lục quân nước này từng ngầm thừa nhận rằng Pakixtan không biết làm sao đối với việc này.

Căn cứ vào các phân tích nêu trên, tác giả cho rằng trong thời gian nhất định, quan hệ giữa Mỹ và Pakixtan sẽ khó có thể có sự thay đổi mang tính thực chất, hai nước sẽ vẫn tiếp tục hợp tác và thậm chí hợp tác còn có thể được thúc đẩy. Trên thực tế, quyết định tạm dừng viện trợ quân sự của Mỹ không ảnh hưởng tới khoản viện trợ dân sự trị giá 1,5 tỉ USD mỗi năm của Mỹ dành cho Pakixtan. Mỹ cũng tuyên bố “chỉ tạm thời giữ lại một phần viện trợ quân sự chứ không phải ngừng cung cấp viện trợ”.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN