Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn trong môi trường địa chính trị mới

Ấn Độ luôn coi Nga như một người bạn trung thành, đáng tin cậy và đã được thử thách qua thời gian. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (tháng 10/2000), quan hệ Đối tác đặc biệt và ưu tiên (tháng 12/2010) đến nay, hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, duy trì các cơ chế đối thoại nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Indianexpress.com.


Tuy nhiên, các sự kiện gần đây như việc Nga ký thỏa thuận hợp tác an ninh-quốc phòng với Pakistan hồi tháng 11, theo đó sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không chính thức và xem xét cung cấp máy bay chiến đấu Mig-35 cho Islamabad đã tạo nên những gợn sóng trong quan hệ song phương.

Hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới New Delhi để tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên lần thứ 15 với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi vào ngày 11/12 sẽ xóa hết những gợn sóng đó để quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Nga luôn vững chắc.
      
Theo giới phân tích tại Ấn Độ, hiện là thời điểm chiến lược để Nga-Ấn thắt chặt quan hệ với nhau hơn. Trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt kinh tế liên quan tới vấn đề Ukraine, sự xuống dốc của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới và nguy cơ suy thoái kinh tế, Nga cần thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác năng lượng được xem là động lực mới trong quan hệ song phương.

Trong khi đó, Chính phủ mới tại Ấn Độ đang triển khai thực hiện các dự án đồ sộ như “make in India” (sản xuất tại Ấn Độ), phát triển 100 “thành phố thông minh”, phát triển đường sắt cao tốc và nhiều dự án hạ tầng khác, rất cần vốn và công nghệ của nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế Nga dựa nhiều vào xuất khẩu năng lượng, còn Ấn Độ đang thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, nên việc hợp tác năng lượng Nga - Ấn Độ có ý nghĩa chiến lược và mang lại nhiều lợi ích cho hai nước.
         
Năng lượng là hướng đi mới nhằm thúc đẩy hợp tác


Mặc dù quan hệ hợp tác năng lượng Nga-Ấn đã được triển khai lâu nay, nhưng đây là thời điểm để xác định lĩnh vực này là hướng đi mới nhằm thúc đẩy quan hệ chiến lược đặc biệt và ưu tiên giữa hai nước mạnh mẽ hơn trong tương lai. Cần nhấn mạnh rằng dầu khí là ngành công nghiệp mũi nhọn, nhân tố chính cho sự tăng trưởng cao liên tục của nền kinh tế Nga, chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp gần 50% nguồn thu ngân sách và 30% GDP.

Ông Putin và ông Modi trò chuyện trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: Indianexpress.com.


Nga đứng thứ hai thế giới về trữ lượng than và khí đốt tự nhiên, đứng thứ ba thế giới về sản xuất điện hạt nhân. Trong khi đó, Ấn Độ là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ ba thế giới, đứng thứ 5 thế giới về nhập khẩu dầu, ước tính khoảng 80% nhu cầu. Mặc dù có trữ lượng than đứng thứ ba thế giới nhưng hiện nay nhu cầu nhập khẩu than của Ấn Độ là rất lớn, tăng từ 15-20% mỗi năm.

Nhu cầu năng lượng đang là thách thức đối với nền kinh tế Ấn Độ, khi sản lượng điện hạt nhân chỉ chiếm 3,6%, thủy điện chiếm 15%, các nguồn năng lượng phi truyền thống như năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, khí sinh học…đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu năng lượng. Theo ước tính, đến năm 2030, Ấn Độ sẽ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Ấn Độ đang tăng cường mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo chiến lược an ninh năng lượng quốc gia và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định từ 8-9%.

Trong khuôn khổ hợp tác năng lượng, Ấn Độ và Nga đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng như dự án cung cấp dầu khí từ Nga tới Ấn Độ đi qua các nước Trung Á, dự án nhà máy điện hạt nhân dân sự Kudankulam ở Tamil Nadu, các dự án hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở Nga (bao gồm cả Bắc Cực và Đông Siberia) và tại các nước thứ ba giữa các tập đoàn dầu khí hàng đầu của hai nước, hợp tác trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên hóa lỏng.

Trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin, Ấn Độ và Nga dự kiến sẽ ký hàng loạt các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm dầu khí, năng lượng hạt nhân, than đá, năng lượng phi truyền thống ở cấp địa phương cũng như quốc tế. Đây là cơ hội để hai nước thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược lên một tầm cao mới.

Hai bên cũng dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp triển khai thoả thuận khung về việc Nga giúp Ấn Độ xây dựng tiếp hai lò phản ứng hạt nhân số 3 và số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Kudankulam. Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi dự kiến đề nghị Nga hợp tác xây dựng thêm một nhà máy điện hạt nhân tại Haripur, bang Tây Bengal, cũng như tham gia kế hoạch triển khai xây dựng 19 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2017…

Về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí, bên cạnh thỏa thuận đạt được hồi tháng 5/2014 giữa công ty dầu mỏ Rosneft của Nga và Tập đoàn dầu mỏ và khí tự nhiên (ONGC Videsh Limited - OVL) của Ấn Độ về hợp tác khảo sát địa chất, thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Nga ở bắc Cực và triển vọng thành lập các tập đoàn liên doanh, mới đây Nga đã cho phép OVL tham gia cổ phần tại 9 lô dầu khí ngoài khơi biển Barents và một lô ở biển Đen; góp vốn tới 49% cổ phần tại mỏ dầu Yurubcheno –Tokhomskoye, với trữ lượng dầu khoảng 10 tỷ tấn.

Nga cũng đồng ý để OVL góp 10% vốn vào dự án mỏ dầu Vankor, miền Trung Siberia với trữ lượng dầu khoảng 500 triệu tấn và 182 tỷ m3 khí đốt. OVL và các công ty dầu khí khác của Ấn Độ cũng đang hợp tác với các đối tác Nga tìm kiếm các dự án thăm dò, khai thác dầu khí mới tại Nga và tại nước thứ ba. Dự kiến trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, OVL và Rosneft sẽ ký thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác hai mỏ dầu và khí đốt ở Nga, đồng thời xem xét khả năng Nga cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu tại Ấn Độ.

Nga đang tích cực đàm phán với Ấn Độ về việc xây dựng các đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga vào Ấn Độ thông qua các nước Trung Á hoặc dãy Himalaya. Bên cạnh đó, theo đề nghị của Ấn Độ tại cuộc gặp bên lề hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin tại Brazil hồi tháng 7/2014, Nga đang nghiên cứu khả năng kỹ thuật về việc nối dài đường ống dẫn khí “sức mạnh Siberia”, trị giá 400 tỷ USD từ Yakutia (Nga) sang Trung Quốc và tới biên giới Ấn Độ.

Dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường hợp tác kinh tế giữa Nga với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trước hết là với Trung Quốc. Do đó nếu ý tưởng kéo dài đường ống dẫn khí đốt Nga - Trung Quốc tới Ấn Độ trở thành hiện thực có thể là sự thay đổi chiến lược của Nga hướng tới phía Đông trong bối cảnh các quốc gia phương Tây tiếp tục gia tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva.

Hợp tác kinh tế, quốc phòng vẫn là hướng đi chủ đạo


Mặc dù kim ngạch thương mại Nga-Ấn chưa tương xứng với tiềm năng, chỉ đạt 10 tỷ USD năm 2013, ước đạt 11,4 tỷ USD năm 2014 so với mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2015, song hai nước đang trông chờ vào lĩnh vực này để thúc đẩy quan hệ song phương.

Báo “the Hindu” của Ấn Độ, số ra ngày 8/12 nhận định rằng trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, Nga và Ấn Độ sẽ công bố các văn bản “tầm nhìn chiến lược” về hạt nhân và kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Trước chuyến thăm của Tổng thống Putin, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã tới Ấn Độ để thảo luận cách thức thúc đẩy quan hệ thương mại.

Hai bên đang thương lượng về một hiệp định tự do thương mại với Liên minh hải quan Nga Kazakhstan, Belarus, đồng thời có thể thiết lập các đối tác giữa các công ty sản xuất kim cương của hai nước.
         
Hợp tác quốc phòng luôn được xác định là một trụ cột trong quan hệ song phương, sẽ tiếp tục được thúc đẩy sâu rộng hơn. Hợp tác kỹ thuật quân sự Ấn-Nga đã phát triển từ quan hệ mua - bán sang hợp tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất công nghệ quốc phòng và các vũ khí hiện đại như nghiên cứu phát triển máy bay chiến đầu thế hệ thứ năm, tên lửa siêu thanh BrahMos phiên bản mới…

Nga vẫn là đối tác cung cấp thiết bị quốc phòng lớn nhất cho Ấn Độ, mặc dù trong những năm gần đây New Delhi đã đa dạng hóa nguồn cung bằng cách nghiêng sang hợp tác với Mỹ, Pháp và Israel.

Giới phân tích Ấn Độ nhận định rằng tiềm năng hợp tác Ấn Độ-Nga vẫn rất lớn bởi hai nước không có bất đồng lớn, trong khi có nhiều tương đồng về lợi ích chiến lược; Nga tiếp tục là nguồn cung năng lượng, công nghệ hạt nhân và vũ khí quan trọng cho Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là thị trường lớn, nhiều tiềm năng trong bối cảnh Nga đang tìm cách mở rộng quan hệ với các quốc gia châu Á để giảm thiểu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Chuyến thăm của Tổng thống Putin được kỳ vọng sẽ tạo nên một động lực mới trong quan hệ “ưu tiên và đặc biệt” (special and privileged) Nga-Ấn. Đây là cơ hội để hai nước nâng quan hệ lên tầm cao mới, đồng thời tạo ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành trung tâm quyền lực mới, liên minh năng lượng tại châu Á, góp phần cân bằng quyền lực và lợi ích giữa các nước trong xu thế hình thành một thế giới đa cực.

                  
Minh Lý-Đăng Chính
(P/v TTXVN tại New Delhi)

Nga-Ấn thành lập liên doanh sản xuất đạn xe tăng T-90
Nga-Ấn thành lập liên doanh sản xuất đạn xe tăng T-90

Nga và Ấn Độ đang triển khai liên doanh sản xuất các loại đạn dành cho pháo xe tăng cỡ 125 mm, sẽ được trang bị cho xe tăng T-90 của quân đội Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN