Quân đội Ukraine sắp nhận được loại vũ khí kỳ vọng thay đổi cục diện ở tiền tuyến

Ưu thế trên không đã góp phần quan trọng giúp các lực lượng Nga đánh chiếm Avdiivka. Với Ukraine, việc nhận được số lượng lớn tiêm kích F-16 có thể giúp nước này giành lại ưu thế trên không để bảo vệ quân đội ở tiền tuyến.

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: MILITARY.COM

Ukraine nhận tin vui về F-16

Ngày 18/2, tạp chí Foreign Police dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anušauskas cho biết những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên sẽ có mặt trên bầu trời Ukraine vào tháng 6/2024. Theo Foreign Police, một quan chức châu Âu khác có mặt ở Hội nghị An ninh Munich cũng đề cập tới khung thời gian tương tự cho sự có mặt ở Ukraine của những chiếc chiến đấu cơ mà Kiev mong chờ kể từ khi xung đột với Moskva bắt đầu vào gần 2 năm trước.

Đây có thể là lần đầu tiên một mốc thời gian cụ thể cho sự xuất hiện của F-16 ở Ukraine được đưa ra. Trước đó, vào giữa tháng 10/2023, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ nói rằng F-16 có thể đến vào nửa đầu năm 2024 và cuối tháng 12/2023, không quân Ukraine cũng đưa ra tuyên bố với khoảng thời gian tương tự.

Ukraine được cho là sẽ nhận được hàng chục chiến đấu cơ F-16, bao gồm 19 chiếc từ Đan Mạch, bàn giao trong quý II/2024, như thông báo của Bộ Quốc phòng Đan Mạch ngày 6/1. Còn vào tháng 12/2023, Hà Lan quyết định sẽ chuyển giao 18 chiếc F-16 cho Ukraine và gần đây nâng lên thành 24 chiếc. Trong khi đó, Canada cam kết sẽ cung cấp khoảng 44 triệu USD để bảo trì các máy bay F-16 được bàn giao cho Ukraine.

Lý do Ukraine mong muốn có F-16

F-16 là loại vũ khí mà Ukraine mong mỏi có được từ sau khi xung đột với Nga bùng nổ. Giao tranh càng kéo dài, ước mong có F-16 của Ukraine càng lớn.

Thứ nhất là sau gần 2 năm xung đột, số lượng máy bay chiến đấu của Ukraine, vốn chỉ bằng một phần nhỏ của Nga, đã giảm mạnh, cần có thêm lực lượng hỗ trợ. Đó là chưa nói tới các chiến đấu cơ của Nga thường hiện đại hơn, trang bị radar có tầm quét rộng hơn, tên lửa có tầm bắn xa hơn, bay ở độ cao lớn hơn, khiến các chiến đấu cơ của Ukraine thường bị lép vế trong không chiến.

Thứ hai là Ukraine cần một loại máy bay chiến đấu có thể mang những loại tên lửa đã được phương Tây cung cấp như tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và biến thể SCALP-EG. Trong khi đó, việc việc hoán cải để có thể lắp được trên F-16 sẽ dễ dàng hơn so với việc lắp lên các máy bay chiến đấu kiểu Liên Xô cũ.

Thứ ba là thực tế Avdiivka cho thấy ưu thế trên không đã góp phần quan trọng giúp các lực lượng Nga đánh chiếm thành trì quan trọng ở tỉnh Donetsk này. Trong báo cáo đưa ra hôm 18/2, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết lực lượng Nga đã tận dụng ưu thế trên không để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chiếm giữ phần lớn Avdiivka. Cụ thể là trước thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng các lực lượng Nga đã thiết lập "quyền kiểm soát hoàn toàn" đối với Avdiivka, không quân Nga đã sử dụng bom lượn với quy mô lớn để hỗ trợ cho hoạt động tác chiến trên mặt đất. Người phát ngôn không quân Ukraine Yuriy Ihnat đã không ít lần thừa nhận rằng "ưu thế trên không là chìa khóa thành công trên mặt đất”, chỉ có điều Nga lại đang nắm trong tay ưu thế ấy.

Xem clip về hậu quả chiến tranh đối với các thành trì chiến lược Bakhmut và Avdiivka ở Ukraine. Nguồn: Reuters

Thứ tư là với F-16, Ukraine có thể ngăn chặn máy bay và trực thăng của Nga tấn công lực lượng mặt đất. Đây là điều cực kỳ quan trọng bởi trên mặt đất, các lực lượng của Ukraine phải đối mặt với hàng loạt cản trở như bãi mìn, hệ thống “răng rồng” hay gần đây là cả hệ thống phòng thủ tạo nên bởi các toa tàu hoả cũ… Trong hình huống gặp phải những cản trở như vậy, các lực lượng của Ukraine rất dễ bị phơi ra trước các cuộc tấn công đường không và chịu tổn thất nặng. Ngay từ đầu năm 2023, trong một bình luận với hãng tin AP của Mỹ, ông George Barros, nhà phân tích về Nga của ISW cho rằng: “Ukraine không kiểm soát được không phận nơi họ tấn công. Tiến hành các hoạt động tấn công trong điều kiện như vậy là cực kỳ khó khăn”. Thực tế sau đó cho thấy do thiếu hụt sức mạnh không quân, Ukraine đã gặp bất lợi nhiều bất lợi trong cuộc phản công mùa hè năm 2023 khi các máy bay trực thăng tấn công của Nga tấn công phá huỷ nhiều xe tăng và xe bọc thép của Ukraine.

F-16 có phải “cây đũa thần vạn năng” cho Ukraine?

Vào ngày 21/8/2023, khi đến thăm Đan Mạch, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát biểu trước hàng nghìn người tập trung ngoài Quốc hội Đan Mạch rằng Nga sẽ thua vì Ukraine có F-16. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng F-16 khó có thể trở thành “cây đũa thần vạn năng” cho Ukraine để lật ngược thế cờ.

Chú thích ảnh
Tiêm kích F-16 có tốc độ tối đa lên tới khoảng 2.530 km/h được phía Ukraine đặt nhiều kỳ vọng trong việc xoay chuyển cục diện chiến trường. Ảnh: Lockheed Martin.

Một là Nga sở hữu nhiều hệ thống phòng không S-400 đáng gờm và trong thời gian Ukraine chờ đợi có được những chiếc F-16 đầu tiên, theo cựu Tổng tư lệnh ác lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny, Nga đã tăng gấp đôi lực lượng phòng không, cho nên những chiếc tiêm kích do phương Tây sản xuất hiện giờ ít hữu ích hơn cho Ukraine.

Hai là để phát huy được đầy đủ tính năng, những chiếc tiêm kích F-16 cần đi kèm với một loạt cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới. Trong khi đó, Ukraine cần phải có thời gian để tích hợp các nền tảng mới vào hoạt động tác chiến liên hợp và phi công Ukraine cũng cần phải được huấn luyện chuyển đổi từ sử dụng máy bay chiến đấu kiểu Liên Xô cugx sang sử dụng máy bay chiến đấu phương Tây. Chỉ có thuần thục kĩ năng, họ mới có thể thoải mái trong buồng lái và tự tin không chiến với đối thủ dày dạn kinh nghiệm phía Nga.

Ba là xung đột Nga – Ukraine giờ đây đã mang tính lâu dài, trở thành cuộc chiến tiêu hao. Trong cuộc chiến tiêu hao ấy sẽ không có loại vũ khí nào có thể thay đổi đột ngột được cục diện của chiến trường, mà phải là tác động từ tổ hợp của tất cả các yếu tố chính trị, tinh thần, khả năng huy động thời chiến…, kết hợp với quân số và vũ khí, trang bị. Quân đội Nga hiện nay “đã thích nghi được với những gì đang xảy ra”, đã có những điều chỉnh cả về chiến lược và chiến thuật, cho nên đã đạt được những thành tựu cụ thể. Vì vậy, theo cựu Cố vấn Truyền thông Chiến lược của Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là ông Alexey Arestovich, việc đặt trọn niềm tin vào F-16 là một sai lầm lớn.

Có lẽ vì thế, nhà phân tích Frederik Mertens tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague cho rằng F-16 không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi ngay lập tức. Việc nhận được hàng chục chiếc F-16 chủ yếu cho phép Ukraine tiến hành các cuộc không kích có chọn lọc kỹ lưỡng, có thể ảnh hưởng đến diễn biến của cuộc xung đột. Trong khi đó, Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cảnh báo, dù F-16 có thể mang đến năng lực lớn hơn cho Ukraine, nhưng lưới phòng không của Nga sẽ buộc chúng phải bay thấp khi yểm trợ mặt đất và hạn chế hiệu quả tác chiến.

Thành Nam/Báo Tin tức (The AP, Time, Reuters, Newsweek)
Tin nóng thế giới sáng 19/2
Tin nóng thế giới sáng 19/2

Bản tin nóng thế giới sáng 19/2 có những nội dung sau đây:
- Thảm sát ở Papua New Guinea khiến ít nhất 53 người thiệt mạng;
- Tàu chở hàng bị tấn công ở Eo biển Bab al-Mandab;

- Hamas tìm người thay thế thủ lĩnh Yahya Sinwar;
- Tỷ lệ đói nghèo tại Argentina lên tới mức cao nhất trong 20 năm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN