Quân đội nắm 'chìa khóa' giải quyết khủng hoảng Thái Lan

Theo giới phân tích, trọng trách xử lý cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan hiện đang đè lên vai giới quân đội nước này sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra và người lãnh đạo các cuộc biểu tình chống chính phủ - cựu Phó Thủ tướng Đảng Dân chủ đối lập - Suthep Thaugsuban không thể thỏa hiệp với nhau.

Người biểu tình chống chính phủ tại Thái Lan. Ảnh: CNN


Học giả nổi tiếng Pavin Chachavalpongpun, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto, cho rằng mặc dù Tư lệnh Lục quân là Tướng Prayuth Chan-ocha và các nhà lãnh đạo quân sự khác chưa hề hé lộ ý định giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thái Lan, song dù sớm hay muộn, lực lượng này cũng sẽ có các hành động cụ thể hoặc đóng vai trò hòa giải giữa các bên đối lập. Theo ông, người ta cũng không nên loại trừ khả năng xảy ra đảo chính quân sự nếu giới lãnh đạo quân đội cho rằng chính phủ dân sự không đủ khả năng chấm dứt các diễn biến bạo lực xuất phát từ những cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố ở thủ đô Bangkok. Học giả này cho rằng Thái Lan đã quá quen với các cuộc đảo chính quân sự bởi trong suốt 80 năm qua, đất nước này đã trải qua tổng cộng 18 diễn biến tương tự. Cuộc đảo chính quân sự gần đây nhất là vào năm 2006 khi giới quân đội hoàng gia lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - anh trai Thủ tướng Yingluck đương nhiệm.

Từ nhiều ngày qua, những người biểu tình tại Thái Lan đã không ngừng kêu gọi quân đội can thiệp để giúp lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dù không mấy ưa thích chính quyền đương nhiệm, song giới lãnh đạo quân đội Thái Lan lần này tỏ ra dè dặt, và có vẻ không muốn tái diễn cuộc đảo chính năm 2006 vốn dẫn đến hệ quả là tình trạng bất ổn dai dẳng cho đến ngày nay.

Trước khả năng tình hình có thể vuột khỏi tầm kiểm soát, quân đội Thái Lan đã buộc phải hành động, nhưng một cách rất chừng mực. Trên hiện trường, họ đã phái hàng trăm binh sĩ không vũ trang đến hỗ trợ lực lượng cảnh sát để bảo vệ trật tự an ninh. Trên bình diện chính trị, họ đã tạo điều kiện cho một cuộc họp giữa nữ Thủ tướng Yingluck và lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban hôm 1/12. Có thông tin cho rằng Tư lệnh Hải quân Admiral Narong Pipatanasai, Tư lệnh Không quân Prajin Juntong và Tướng Prayuth đã tham gia cuộc họp không chính thức này. Ngoài những biện pháp kể trên, giới tướng lĩnh Thái Lan cho đến nay gần như không can thiệp vào cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra căng thẳng. Ngày 3/12, Tướng Prayut Chan-O-Cha cho biết quân đội sẽ "để cho vấn đề này được giải quyết bằng các biện pháp chính trị".

Một nguồn tin quân đội cấp cao biết rõ về cuộc họp hôm 1/12 đã tiết lộ cho hãng tin AFP rằng các tướng lĩnh quân đội, lực lượng hải quân và không quân đã từ chối hậu thuẫn Thủ tướng Yingluck. Vị quan chức yêu cầu giấu tên này tiết lộ: "Không ai trong số ba nhà chỉ huy quân đội đứng về phía chính phủ. Họ cho biết nếu chính phủ sử dụng vũ lực, họ sẽ đứng về phía người dân".

Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak của trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định rằng các tướng quân đội - những người tự coi mình là người bảo vệ nền quân chủ Thái Lan - đã cảm thấy buộc phải ra chỉ thị trước buổi lễ kỷ niệm trọng thể sinh nhật lần thứ 86 của Nhà Vua Bhumibol Adulyadej sẽ diễn ra vào ngày 5/12 tới. Phát biểu với hãng tin AFP, ông nói: "Cho tới thời điểm gần đây, quân đội vẫn đứng ngoài lề cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng tôi cho rằng họ đang có xu hướng can dự sâu hơn vào cuộc xung đột để giúp phá vỡ thế bế tắc. Và đó chính là điều mà các nhà lãnh đạo biểu tình mong muốn. Tuy nhiên, quân đội ý thức được rằng sự can thiệp của họ có thể sẽ gây rối loạn xã hội về lâu dài".

Giáo sư Andrew Walker thuộc Đại học Quốc gia Australia lưu ý bằng cuộc tập hợp lực lượng quy mô lớn tại một sân vận động ở thủ đô Bangkok quy tụ hàng chục nghìn người ủng hộ chính quyền, những người "Áo đỏ" đã chứng tỏ được rằng họ có đủ khả năng "đáp trả một cách mạnh mẽ một cuộc đảo chính tương tự. Bởi vậy, quân đội sẽ không mạo hiểm".

Theo Thida Thavornset - người đứng đầu Mặt trận Dân tộc vì Dân chủ chống chế độ độc tài, thường được biết đến với tên gọi phong trào "Áo đỏ" ủng hộ chính quyền - tuy quân đội Thái Lan nằm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Yingluck, song giới lãnh đạo quân đội nhiều quyền lực tại Thái Lan có vẻ như đã kín đáo gây các áp lực không nhỏ buộc chính quyền dân sự phải giải quyết thế bế tắc hiện nay.


TTK
 Khủng hoảng chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?
Khủng hoảng chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?

Sau nhiều ngày căng thẳng leo thang, bầu không khí tại Bangkok đã hạ nhiệt đáng kể. Các bên đã thỏa thuận nghỉ một vài ngày trong dịp lễ quốc gia – ngày sinh nhật Quốc vương Bhumibol Adulyadej.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN