'Phát súng' cảnh báo từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez

Siêu tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez đã được giải cứu. Nhưng đó vẫn là “phát súng” cảnh báo những sự cố tương tự có thể dễ dàng tái lặp trên những tuyến đường thủy gần Iran, kênh đào Panama hay eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Tàu Ever Given sau khi được giải cứu khỏi vị trí mắc kẹt trên kênh Suez. Ảnh: Reuters

Theo NBC News, chỉ trong vòng 1 tuần, sự cố tàu container gây tắc nghẽn kênh đào Suez đã khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất ước tính 10 tỷ USD. Đó là một thảm họa đã chực chờ xảy ra, và có thể dễ dàng tái lặp, đâu đó trên những tuyến đường thủy gần Iran, kênh đào Panama hay eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày nay, những gã khổng lồ thương mại điện tử như Amazon, Walmart đã biến ngành vận tải đường thủy toàn cầu thành một ngành công nghiệp trị giá 4 ngàn tỷ USD mỗi năm. Nói một cách đơn giản thì ngày càng có nhiều tàu hơn, và các con tàu ngày càng lớn hơn. 

Điều không may là các tuyến đường thủy không theo kịp với lưu lượng giao thông. Giới chuyên gia cho rằng, có nhiều tuyến đường hàng hải cũng như các cảng trên thế giới, và để giảm bớt tắc nghẽn, ta có thể xây dựng các làn đường mới hoặc tìm ra các tuyến mới. Nước Mỹ nên làm cả hai điều đó.

Ngày 31/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố chi tiết kế hoạch cơ sở hạ tầng mới của mình. Tất nhiên, kế hoạch này sẽ tập trung vào hệ thống đường xá, hầm, cầu và đường sắt của Mỹ. Nhưng nếu muốn tránh tái lặp một cuộc khủng hoảng Suez, thì nước Mỹ cũng cần phải có tiền dành cho các cơ sở hạ tầng toàn cầu. Đó là cách duy nhất để theo kịp các đối thủ cạnh tranh và đảm bảo rằng doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động thương mại an toàn và nhanh chóng với phần còn lại của thế giới.

Chú thích ảnh
Những con tàu neo đậu đông đúc ngoài Biển Đỏ, chờ thông kênh đào Suez. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc đã đi trước

Lúc này, Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc chơi. Trong một thập kỷ qua, Bắc Kinh đã theo đuổi nhiều sáng kiến tốn kém để không phải lệ thuộc vào eo biển Malacca nhỏ hẹp nằm giữa Indonesia và Singapore. 

Từ lâu Trung Quốc đã lo sợ rằng eo biển Malacca có thể trở thành một điểm tắc nghẽn, tước đi của nước này nguồn cung dầu thiết yếu cho phát triển.

Đó là lý do tại sao Bắc Kinh đã đầu tư xây dựng cảng Gwadar của Pakistan để tiếp nhận dầu từ Trung Đông và sau đó vận chuyển qua châu Á. Trung Quốc cũng đã xây dựng các tuyến đường dẫn dầu và khí đốt ngang qua Myanmar; xây dựng "cảng cạn" Khorgos tại quốc gia nằm gọn trong lục địa Kazakhstan; và có lẽ sáng tạo nhất, là đề xuất đào ngang qua dẻo đất hẹp nhất ở phía nam Thái Lan để tạo ra một con kênh hoàn toàn mới.

Chú thích ảnh
Kênh đào Suez bị tàu container khổng lồ chắn ngang từ ngày 23/3 đến 29/3/2021. Ảnh vệ tinh

Mặc dù không phải tất cả những nỗ lực nói trên đều thành công, nhưng một số đã được đền đáp. Trên 60 quốc gia đang tham gia hoặc quan tâm theo đuổi một thỏa thuận cơ sở hạ tầng với Trung Quốc.

Rõ ràng Trung Quốc đang đa dạng hóa danh mục đầu tư, trong khi Mỹ và phần còn lại của thế giới thì dồn hết vốn vào một số ít tài sản.

Tuần này, một trong những tài sản đó, kênh đào Suez đã bị “đóng băng”. Tình trạng tắc nghẽn kênh Suez đã có nguy cơ khiến giá cả mọi thứ, từ khí đốt cho đến giấy vệ sinh, đều tăng vọt. Việc chỉ ngồi đó hy vọng điều đó sẽ không xảy ra nữa quả là một chiến lược đầu tư tồi tệ.

Câu hỏi là, Mỹ có thể rót tiền vào đâu? 

Các tuyến đường bộ ở Trung và Đông Nam Á được đánh giá là không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Câu trả lời là hãy nhìn về phía Bắc, như nước Nga đã làm. 

Trong tuần này, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất Bắc cực là một lựa chọn mới dành cho những con tàu đang tìm cách né các "nút cổ chai" hiện tại ở Trung Đông và thận trọng khi đi qua Mũi Hảo vọng vì sợ cướp biển.

Ông Putin đang thực hiện một chiến lược nào đó. Băng tan ở Bắc Cực đã mở ra những tuyến đường biển bị che khuất trước đây. Tình trạng ấm lên toàn cầu cho thấy, trong vài tháng mùa Hè, khu vực này có thể không có băng, mở ra những tuyến và kênh vận chuyển mới, rút ngắn các tuyến đường tới gần 20 ngày so với kênh đào Suez.

Nga đang nắm bắt cơ hội và triển khai các tàu phá băng hạt nhân tham gia giải phóng một con đường. Trung Quốc cũng vậy, đã bắt đầu triển khai kế hoạch “Con đường Tơ lụa Bắc cực”. Trong khi đó, Mỹ hầu như vẫn chỉ đứng bên lề.

Chú thích ảnh
Tàu Ever Given đã xuôi dòng kênh Suez, nhưng sự cố là một "phát súng" cảnh báo về những thảm họa tắc nghẽn tuyến đường biển chiến lược. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ để các nước khác vạch ra những tuyến đường thương mại quốc tế mới, nền kinh tế nước này có thể bị “bắt làm con tin” ngay lập tức.

Trên thực tế không phải Washington không nhìn ra vấn đề. Năm 2016, lực lượng Công binh Lục quân Mỹ đã cân nhắc xây dựng một cảng nước sâu ở phía bắc Alaska, nhưng sau đó dừng lại vì cho rằng chi phí quá cao. 

Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn xây dựng một cảng mới ở Bắc  Cực vì mục đích quân sự, nhưng không rõ liệu có công trình nào có thể hỗ trợ các tàu thương mại lớn như siêu tàu mắc kẹt ở kênh Suez.

Tin tốt là Mỹ đang không làm việc đó đơn độc. Các đồng minh của họ ở châu Âu, châu Á cũng đang nóng lòng tìm cách tiếp cận đa phương cho hoạt động thương mại qua Bắc Cực.

Mặc dù các cuộc đàm phán đã đình trệ trước đây, bây giờ là thời điểm hoàn hảo để chính quyền Tổng thống Biden tiếp động lực cho Hội đồng Bắc cực – tổ chức quốc tế gồm 8 quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Sau những sự kiện xảy ra gần đây, sẽ là thông minh nếu Mỹ đề xuất một cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ngay trong mùa Xuân này.

Tại cuộc họp, Mỹ có thể báo hiệu ý định phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một hiệp ước đưa ra qui định về cách các quốc gia sử dụng các đại dương trên thế giới, mà đến nay Washington vẫn chưa tham gia. Việc tham gia UNCLOS có thể mang lại cho Mỹ một vị trí trên bàn đàm phán về các quy tắc mới cho thương mại quốc tế.

Một sự thay đổi chiến lược từ chính quyền Biden sẽ báo hiệu cho thế giới rằng Mỹ sẽ có cách tiếp cận hợp tác trong những vấn đề phức tạp liên quan đến các tuyến hàng hải quốc tế.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Chiến dịch chiếm Kênh đào Suez, cuộc phiêu lưu cuối cùng của đế quốc Anh
Chiến dịch chiếm Kênh đào Suez, cuộc phiêu lưu cuối cùng của đế quốc Anh

Cuộc chiến đánh chiếm Kênh đào Suez thành công về mặt quân sự nhưng lại mang lại quá nhiều hệ lụy về chính trị, đặt dấu chấm hết cho thời đại của đế quốc Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN