Nước Mỹ đối mặt với thách thức an ninh mới

Các cuộc không kích tại Iraq, vụ hai nhà báo Mỹ bị hành quyết một cách tàn bạo và dã man… đã phủ bóng đen lên lễ tưởng niệm 13 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

Sự trỗi dậy và không ngừng lớn mạnh của lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã khiến nước Mỹ phải đối diện với một thách thức an ninh mới, nguy hiểm nhất kể từ sau thảm kịch hơn một thập kỷ về trước.

13 năm sau vụ tấn công khủng bố 11/9, lẽ ra hiện là lúc nước Mỹ được “thảnh thơi” trong bối cảnh Iraq đang dần tự lo liệu công việc của nước này và phần lớn những binh lính Mỹ cuối cùng cũng chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan.

Lễ tưởng niệm các nạn nhân khủng bố 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Ảnh: AFP-TTXVN


Tuy nhiên, thay vào đó, người Mỹ lại đang chuẩn bị cho một cam kết quân sự bất ngờ khác tại Trung Đông - khu vực mà các cuộc chiến cứ nối tiếp nhau xảy ra và dường như không có hồi kết.

Từ một quốc gia tưởng chừng như là pháo đài bất khả xâm phạm, người Mỹ hiểu rằng họ không hoàn toàn “miễn nhiễm” với các vụ tấn công khủng bố. Ngày 11/9 đen tối đã làm thay đổi nước Mỹ, buộc quốc gia này phải trở nên cảnh giác hơn bao giờ hết.

Từ một quốc gia không coi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là một nguy cơ an ninh nghiêm trọng, thảm kịch 11/9 đã khiến nước Mỹ phải đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Mỹ đã chi hàng triệu USD để truy lùng Osama Bin Laden, chỉ huy của mạng lưới khủng bố Al Qaeda.

Tuy nhiên, sau cái chết của Bin Laden, sự xuất hiện của lực lượng Hồi giáo cực đoan IS đã làm người Mỹ nhận ra rằng cuộc chiến chống khủng bố của quốc gia này vẫn chưa có hồi kết, thậm chí Washington sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến cam go hơn nhiều so với cuộc chiến tiêu diệt mạng lưới Al Qaeda bởi tính chất tàn bạo, sự lớn mạnh không ngừng và có tổ chức của IS. Lực lượng Hồi giáo cực đoan này đã trở thành mối đe dọa không chỉ đối với nước Mỹ mà cả các đồng minh của quốc gia này.

IS được giới tình báo Mỹ đánh giá là hoạt động tinh vi, có nguồn tài chính dồi dào, kỹ năng chiến đấu thành thục và chiến lược truyền thông bài bản, không chỉ thu hút được các tín đồ cực đoan ở các nước Hồi giáo mà còn lôi kéo được nhiều đối tượng đến từ các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Australia… Chỉ sau khoảng 10 năm, IS đã trở thành một tổ chức khủng bố lớn mạnh và nguy hiểm hơn cả Al Qaeda.

Chớp thời cơ quân đội Mỹ rút đi để lại một đất nước Iraq kiệt quệ và hỗn loạn sau cuộc chiến lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, chỉ trong vòng hai năm, nhánh Al Qaeda tại Iraq – tiền thân của lực lượng “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq” (ISI)- đã kích động cuộc nội chiến chống lại cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số ở quốc gia vùng Vịnh này.

Phiến quân thuộc ISIL tại một vị trí ở tỉnh Salaheddin, Iraq ngày 14/6. Ảnh: AFP-TTXVN


Nội chiến bùng nổ tại Syria đã đem đến “cơ hội vàng” thứ hai cho ISI. Lợi dụng việc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al Assad bận đối phó với các nhóm đối lập trong nước được phương Tây hậu thuẫn, lực lượng này liên tục tấn công để mở rộng lãnh thổ.

Những thắng lợi liên tiếp tại Syria trong bối cảnh các phe phái đang tranh giành quyền lực đã đặt nền móng cho lực lượng này vượt khỏi sự kiểm soát của Al Qaeda. Sau khi sáp nhập với nhóm phiến quân Mặt trận al-Nusra, ISI đã đổi tên thành “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (ISIL).

Tiếp đó, ISIL đẩy mạnh hoạt động mở rộng vùng kiểm soát tại cả Iraq và Syria. Sau khi chiếm tới 1/3 lãnh thổ của hai quốc gia Trung Đông này, ISIL đổi tên thành “Nhà nước Hồi giáo” (IS) để thể hiện tham vọng thành lập vương quốc Hồi giáo vượt ra ngoài phạm vi Trung Đông.

Để hiểu được IS, cần phải nắm rõ hệ tư tưởng mà chúng theo đuổi chứ không nên chỉ nhìn hiện tượng bên ngoài. IS không đơn giản là tổ chức của một nhóm người "lầm đường lạc lối". Giải pháp tách từng thành viên ra khỏi IS là hoàn toàn sai lầm và sẽ không tiêu diệt được tổ chức này mà phải giải quyết nguồn gốc hệ tư tưởng của IS, phải giải thích cho thanh niên về hình thức tôn giáo lệch lạc.

IS hiểu sai kinh Koran, dựa trên các nguồn ngoài kinh Koran đầy vô nghĩa, sử dụng chính sách đàn áp khắc nghiệt dựa trên một triết lý sai lầm. Càng rời xa bản chất Hồi giáo, IS càng vô nhân đạo, đàn áp, độc tài và bạo lực. IS ngày càng trở nên mạnh mẽ, thu hút hàng nghìn người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau tham gia với lời hứa hẹn về quyền lực.

Phiến quân ISIL trên một đường phố ở Baiji, tỉnh Salaheddin, Iraq ngày 17/6. Ảnh: AFP-TTXVN


Những hành động tàn bạo và sự lớn mạnh của IS thậm chí được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhận định là “vượt qua mọi giới hạn”. IS đã buộc Tổng thống Obama phải giở lại “trang sử Iraq” mà ông đã từng khép lại.

Trước thách thức an ninh mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến dịch toàn diện nhằm chống lại IS, tiêu diệt tận gốc lực lượng Hồi giáo cực đoan này. Mỹ sẽ mở rộng các cuộc không kích và nhiều khả năng sẽ phải triển khai thêm các lực lượng đặc biệt để hỗ trợ quân đội địa phương.

Theo nhận định của các chuyên gia, Mỹ sẽ gia tăng các cuộc không kích IS ở Iraq, trong khi các cuộc truy quét tại Syria sẽ tập trung vào các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát ở phía Đông Syria, giống như những cuộc không kích mà ông Obama từng tiến hành nhằm triệt tiêu các mục tiêu của al-Qaeda tại Pakistan, Yemen và Somalia.

Việc mở rộng chiến dịch không kích đồng nghĩa với việc Tổng thống Obama sẽ triển khai các lực lượng đặc biệt theo từng nhóm nhỏ, có thể là cả các nhân viên CIA, để hỗ trợ các cuộc truy quét và huấn luyện quân đội Iraq cùng lực lượng vũ trang của người Kurd ở miền Bắc Iraq.

Các lực lượng dân sự có thể cũng sẽ được huy động để cung cấp hậu cần hoặc các hỗ trợ khác tại cả Iraq và các căn cứ trong khu vực. Bên cạnh các cuộc không kích, chính quyền Mỹ cũng đang nỗ lực xây dựng một lực lượng địa phương đủ khả năng đánh bật các phần tử thánh chiến. Mỹ và các chính phủ khác sẽ đầu tư vũ khí và cung cấp thêm nhân lực cho chính quyền Iraq và lực lượng vũ trang của người Kurd.

Kế hoạch của Tổng thống Obama, mở rộng sứ mệnh chiến đấu chống IS sẽ không có hoạt động triển khai quân đội trên mặt đất với quy mô lớn, mà Mỹ sẽ dựa vào các nước đồng minh. Wathiq al-Hashimi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược al-Nahrein tại Baghdad, nói rằng các nước Trung Đông sẽ đóng vai trò nòng cốt trong liên minh quốc tế chống IS.

Mặc dù vậy, các chuyên gia về khu vực Trung Đông cho rằng thật khó để có thể dự đoán được rằng Mỹ và các đồng minh sẽ sớm giành được chiến thắng hoàn toàn. Hilal Khashan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Beirut, nhấn mạnh: “Rõ ràng là người Mỹ đã quyết định cần phải can dự vào một cuộc chiến dường như không có hồi kết. Người Mỹ thường biết cách bắt đầu một cuộc chiến, song không biết cách kết thúc”.


Cẩm Tuyến


Vì sao IS đe dọa khai tử giải pháp 2 nhà nước?
Vì sao IS đe dọa khai tử giải pháp 2 nhà nước?

Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng lớn mạnh sẽ trở thành rào cản trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Triển vọng về giải pháp hai nhà nước dường như không còn tươi sáng một khi IS trỗi dậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN