“Nữ giới hóa” chủ nghĩa cực đoan

Chủ nghĩa khủng bố, cực đoan dường như không còn xa lạ gì trên thế giới, song thực tế ngày càng nhiều những tên khủng bố là nữ giới cho thấy tính chất ngày càng nan giải của vấn đề.

Báo Độc lập (Nga) ngày 23/11 đã ghi nhận tình trạng chủ nghĩa cực đoan tại Kyrgyzstan đang dần dần bị... nữ giới hóa.

Tờ báo nêu rõ tại Kyrgyzstan, một quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô trước đây, mối đe dọa khủng bố đang ngày một gia tăng. Trong bảng xếp hạng "toàn cầu về các chỉ số khủng bố năm 2016" do Viện Kinh tế và Hòa bình công bố mới đây cho thấy Kyzgystan đã "vượt" 2 bậc từ vị trí 86 xuống vị trí 84 về những quốc gia chịu nhiều thiệt hại từ chủ nghĩa khủng bố.

Trong thời gian qua nữ giới tham gia chủ nghĩa cực đoan đã theo chiều hướng tăng.

Theo bảng xếp hạng trên, Kyrgyzstan tuy vẫn nằm trong nhóm các nước ít phải chịu ảnh hưởng từ các hành động khủng bố, cực đoan, song điều này đã gióng lên hồi chuông báo động ngay tại quốc gia Trung Á này, cũng như khiến giới chức Kyrgyzstan không khỏi lo ngại.

Sự kiện mới đây, khi nhà chức trách St Petersburg (Nga) bắt giữ 7 công dân Kyrgyzstan và Uzbekistan, với cáo buộc chuẩn bị tiến hành khủng bố, một lần nữa thu hút sự quan tâm không nhỏ.

Đây cũng là lý do để giới chức và giới chuyên môn mới đây đã tập hợp tại thủ đô Bishkek, trong một hội thảo mang tên "Những định dạng mới của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan", với chủ đề thảo luận chính là tình hình an ninh tại Kyrgyzstan và các giải pháp phòng ngừa.

Theo các chuyên gia, chân dung điển hình mà những kẻ đầu sỏ cực đoan ưa tuyển dụng nhất chính là những nam giới nghèo khổ hoặc những cô gái trong độ tuổi 22-25, chủ yếu sống ở miền Nam hoặc các vùng phụ cận thủ đô Bishkek, những nơi vốn là các khu vực tái định cư với rất nhiều phức tạp trong công tác quản lý nhân khẩu.

Ngoài ra, nhà chức trách Kyrgyzstan ghi nhận nhóm tiềm ẩn cao chủ nghĩa cực đoan còn thuộc về giới chức tôn giáo, nơi tỷ lệ tội phạm khủng bố ngày một gia tăng trong vài năm gần đây. Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồi giáo, nhà nghiên cứu Mametbek Myrzabaev, cho biết nhà tù và các trại cải tạo hầu như không giải quyết được vấn đề, thậm chí ngược lại "còn là môi trường lý tưởng truyền bá các tư tưởng cực đoan".

Thống kê cho thấy trong 10 năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia các vụ tội phạm cực đoan gia tăng đáng kể từ 1,1% lên tới 23%. Đầu quân vào "đội quân khủng bố tóc dài" này trước hết là thân nhân của những kẻ khủng bố nam giới.

Và các chuyên gia cho rằng các nữ khủng bố dường như còn dữ dằn hơn bởi trong lòng họ luôn thiêu đốt mối căm hận, do có chồng con hoặc anh em bị tiêu diệt trong các chiến dịch trấn áp tội phạm mà Nga tiến hành trong suốt nhiều năm qua.

Việc đầu quân vào các nhóm tội phạm khủng bố nhiều khi không phụ thuộc yếu tố kinh tế, mà đóng vai trò quan trọng hơn chính là yếu tố tư tưởng, bắt nguồn từ sau khi Liên Xô sụp đổ kéo theo những khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn về tư tưởng cũng như các giá trị xã hội.

Sự sụp đổ của các giá trị liên quan lĩnh vực giáo dục, tư tưởng, văn hóa, đã dẫn tới thực trạng hiện nay trong không gian Liên Xô cũ. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Nga, từ năm 1991 đến nay, số lượng các nhà thờ Hồi giáo ở Kyrgyzstan đã tăng gấp 70 lần (từ 39 lên thành 2743 nhà thờ Hồi giáo).

Thậm chí số lượng các nhà thờ Hồi giáo tại Kyrgyzstan còn nhiều hơn trường học. Tại thời điểm hiện nay, con số này cũng chưa dừng lại, mà còn tiếp tục mọc lên như "nấm sau mưa", bằng vào nguồn tài trợ đến từ Qatar, Saudi Arabia...

Chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan rõ ràng đang ngày càng là một bài toán khó không chỉ đối với Kyrgyzsatn, khi mà "đội quân khủng bố" đang dần thu hút nhiều hơn các phần tử nữ.

Gia Linh (Theo Báo Độc lập)
Khoảnh khắc nữ khủng bố cho nổ bom tự sát
Khoảnh khắc nữ khủng bố cho nổ bom tự sát

Mới đây, trang tin ABC News đăng tải một đoạn video trong đó ghi lại giây phút nữ nghi phạm khủng bố cho nổ bom liều chết trong vụ bố ráp tại Saint Denis ngày 18/11 vừa qua. (xem video).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN