Những toan tính từ 'Hội nghị Negev'

Ngoại trưởng 6 nước Israel, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Maroc và Ai Cập trong 2 ngày 27 và 28/3 đã gặp nhau tại thị trấn Sde Boker nằm ở sa mạc Negev, miền Nam Israel.

Sự kiện này được cho là “lịch sử”, bởi đây là hội nghị quan chức cấp cao đầu tiên giữa các nước Trung Đông tham gia ký Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ với Israel.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed al-Nahyan chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao Negev ở Israel, ngày 28/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước khi Hiệp định Abraham ra đời, khu vực Trung Đông chỉ có Ai Cập và Jordan thiết lập quan hệ với Israel, tương ứng trong các năm 1980 và 1994, nhưng chủ yếu mang tính hình thức do các bên có chung đường biên giới nên cần sự ổn định về an ninh.

Sudan cũng đã ký thỏa thuận với Israel, nhưng chưa phê chuẩn chính thức. Riêng Mỹ ở ngoài khu vực nhưng lại là nước trung gian quyết định để Hiệp định Abraham có thể được ký kết. Đó là lý do tại sao Hội nghị Negev còn được gọi với cái tên “Hội nghị ngoại trưởng các nước ký Hiệp định Abraham”

Chủ đề chính của Hội nghị Negev là vấn đề hạt nhân Iran, mối quan tâm chung của các nước trong khu vực và cũng là mục đích chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, bên cạnh thúc đẩy hợp tác giữa các nước tham gia Hiệp định Abraham. Hiện cuộc đàm phán hạt nhân Iran đang ở giai đoạn then chốt, các nước phương Tây và Tehran đang tiến gần tới thỏa thuận cuối cùng.

Bên cạnh đó, dù không chính thức, các ngoại trưởng cũng thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, một nội dung chưa bao giờ hết nóng trong khu vực. Cũng trong ngày 28/3, Nhà vua Abdullah II của Jordan đã có chuyến thăm tới lãnh thổ Bờ Tây của Palestine và hội kiến Tổng thống Mahmoud Abbas. Trong khi đó, Ramallah cũng là một trong những chặng dừng chân trong chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, trước khi ông rời đi Maroc và Algieria.

Kết thúc hội nghị, các ngoại trưởng đã tổ chức họp báo chung, trong đó lên án vụ tấn công khủng bố đẫm máu mới nhất do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành tối 27/3 tại thành phố Hadera của Israel, khiến 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Ngoài các nội dung quan tâm chung đã đề cập, mỗi ngoại trưởng nhấn mạnh tới vấn đề quan trọng theo lập trường và mối quan tâm của từng quốc gia.

Ngoại trưởng Israel Yair Lapid cho biết các bộ trưởng đã thảo luận việc thúc đẩy hợp tác an ninh, kinh tế và đã nhất trí đưa Hội nghị Negev thành một diễn đàn thường xuyên, với hàm ý đã hình thành một liên minh ở Trung Đông nhằm đối phó với Iran và các lực lượng ủy nhiệm. Ông Lapid nêu rõ: “Cuộc gặp này là đầu tiên và không phải là cuối cùng. Chúng tôi quyết định biến cuộc gặp này thành một diễn đàn riêng. Những việc chúng tôi đang làm tại đây đang tạo ra lịch sử, xây dựng một kiến trúc khu vực mới dựa trên tiến bộ, công nghệ, lòng vị tha tôn giáo, hợp tác an ninh và tình báo”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng việc các nước tham gia ký Hiệp định Abraham đã biến “điều không thể thành có thể”, sau khi các bên chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác về kinh tế, giúp đời sống người dân các nước được cải thiện. Ông Blinken khẳng định Mỹ “đang và sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tiến trình (Hiệp định Abraham) vốn đang góp phần thay đổi khu vực”. Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh Hiệp định Abraham không phải là “giải pháp thay thế” cho cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Palestine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Bahrain, Abdullatif bin Rashid Al Zayan, cho rằng Hội nghị Negev là sự kiện quan trọng trong bối cảnh các bên đang nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, cũng như liên tiếp xảy ra các vụ tấn công của Houthi và Hezbollah - các lực lượng được cho là do Iran hậu thuẫn. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh diễn đàn này là cơ hội để các bên thảo luận những vấn đề như tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, nhất là vấn đề “giải pháp hai nhà nước” và quy chế của Jerusalem.

Hội nghị Negev được Ngoại trưởng nước chủ nhà Yair Lapid lên kế hoạch nhằm tranh thủ chuyến công du của người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tới Trung Đông. Mục đích chủ yếu chuyến công du này là tạo niềm tin cho Israel cũng như các nước trong khu vực về quan điểm của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Coi Iran là “đối thủ chung", các nước trong khu vực, đặc biệt là Israel, cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran được khôi phục sẽ không giúp kiềm chế, ngược lại còn có lợi cho tham vọng hạt nhân của Tehran. Hơn nữa, các nước khu vực cũng đang lo lắng trước việc đồng minh chủ chốt Mỹ theo đuổi chính sách giảm can dự tại Trung Đông.

Mới đây, Mỹ đã loại Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran khỏi danh sách các tổ chức bị Washington coi là khủng bố. Vì vậy, nhận lời tham gia Hội nghị Negev, Mỹ muốn gửi thông điệp trấn an sẽ tiếp tục có mặt và ủng hộ các đồng minh trong khu vực; từ vấn đề cụ thể như việc Washington mới đây thông qua gói tài trợ khẩn cấp 1 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ Vòm sắt của Israel, tới những vấn đề chiến lược liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.  

Về Hiệp định Abraham, Hội nghị Negev cho thấy cách tiếp cận của chính quyền của Tổng thống Joe Biden đối với một trong những dấu ấn nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump. Mặc dù tỏ ra khó chịu đối với nhiều vấn đề do chính quyền trước để lại, nhưng trên thực tế, ông Biden chưa bao giờ phản đối hiệp định này, thậm chí còn tiếp tục thực hiện một số cam kết đi kèm của Mỹ, chẳng hạn việc bán các máy bay chiến đấu F-35 cho UAE.

Về phía Israel, chính quyền của Thủ tướng Bennett và Ngoại trưởng Lapid (tới đây cũng sẽ là thủ tướng luân phiên) đang rất nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Abraham nhằm chứng tỏ không hề thua kém chính phủ tiền nhiệm trong quan hệ với thế giới Arab. Cùng với hàng loạt chuyến công du cấp cao sang các nước láng giềng, Hội nghị Negev - một cuộc gặp cấp cao diễn ra trên lãnh thổ Israel - là sự kiện có ý nghĩa nhất nhằm chứng tỏ điều này.

Chính phủ Israel qua đây cũng muốn đặt tiền lệ cho các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các bên ký kết Abraham, biến Israel thành trung tâm của các sự kiện tương tự. Cụ thể hơn, thị trấn Sde Boker sẽ trở thành một “Trại David của Israel”, nơi sẽ diễn ra các cuộc gặp không mang tính lễ tân cao nhưng sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Nhìn từ góc độ này, Hội nghị Negev còn nhằm xây dựng hình ảnh Israel như một cường quốc chính trị trong khu vực, sau khi Nhà nước Do Thái đã rất chủ động và nỗ lực tìm cách làm trung gian giữa Nga và Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay.

Tuy nhiên, việc các quốc gia thiết lập quan hệ với Israel cùng gặp nhau tại một sự kiện cũng tạo ra tác động tiêu cực nhất định. Hiệp định Abraham ra đời cách đây 2 năm được cho là sự “phản bội” và “quay lưng” của thế giới Arab trước cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine. Hội nghị Negev diễn ra gần 1 năm sau cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza, có nguy cơ kích động thêm bạo lực giữa người Israel và người Palestine. Đặc biệt, tình hình càng rất nhạy cảm trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và dịp lễ Quá hải của người Do Thái.

Ngay trong tuần qua đã xảy ra hai vụ khủng bố đẫm máu tại Israel khiến hàng chục người thương vong, trong đó vụ mới nhất xảy ra ngay tại thời điểm diễn ra Hội nghị Negev tối 27/3 do IS gây ra. Các vụ tấn công của các tay súng Houthi tại Yemen tăng mạnh trong tuần qua. Tại các cuộc gặp với giới lãnh đạo Israel, bao gồm tổng thống và thủ tướng của nước chủ nhà, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhắc lại đề nghị Israel cần có các biện pháp ngăn chặn bạo lực leo thang, hạn chế mở rộng các khu định cư và tránh các biện pháp trục xuất người Palestine khỏi nơi cư trú. Điều này cho thấy dù muốn hay không, các bên tham gia Hiệp định Abraham không thể né tránh vấn đề Palestine.

Hội nghị Negev được tổ chức dựa trên ý tưởng khá chóng vánh của Ngoại trưởng Israel Yair Lapid. Các bên gặp nhau mà không có mục tiêu rõ ràng ngay cả với vấn đề nóng cùng quan tâm. Vì vậy hội nghị chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng về một liên minh có chung mối bận tâm là Iran và được sự ủng hộ của Mỹ. Trên thực tế, liên minh này còn quá khác biệt để có thể trở thành một mặt trận thống nhất. Với riêng Israel, xét ở mức độ nào đó, Hội nghị Negev cho thấy hình ảnh của một cường quốc khu vực mới nổi sau những nỗ lực đối ngoại liên tục trong suốt 2 năm qua.

Vũ Hội (Pv TTXVN tại Israel)
Trung Đông chuyển mình trong rối ren
Trung Đông chuyển mình trong rối ren

Bức tranh địa chính trị Trung Đông năm 2021 có thể ví là tổng hòa của sự rối ren và phức tạp vốn có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN