Những kịch bản kế hoạch dài hạn của Israel cho Gaza

Ngay cả khi Israel có thể loại bỏ hoàn toàn Hamas, liệu nước này có kế hoạch dài hạn cho Gaza?

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel chạy nấp sau xe bọc thép gần biên giới Gaza khi có còi báo động tên lửa đang bay tới. Ảnh: AP  

Không tính các cuộc giao tranh xuyên biên giới định kỳ, Israel đã tham gia ba cuộc chiến lớn chống lại Hamas kể từ khi họ rút lực lượng khỏi Gaza vào năm 2005 theo Hiệp định Oslo, đó là vào các năm 2008, 2014 và 2021. Mỗi cuộc chiến đều liên quan đến các cuộc chiến dịch trên bộ, với sự tham gia của binh lính Israel ở Gaza trong khoảng hai tuần.

Trong vài tuần qua, Israel đã tập hợp một lực lượng khổng lồ để tiến hành một chiến dịch trên bộ khác nhằm trả đũa các cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas khiến khoảng 1.400 người Israel thiệt mạng vào ngày 7/10. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã triệu tập toàn bộ quân đoàn thiết giáp của họ. - hơn 1.000 xe tăng. Khoảng 360.000 quân dự bị cũng sẽ gia nhập cùng lực lượng chính thức gồm khoảng 170.000 người.

Chiến dịch này được cho là lớn nhất của Israel kể từ khi nước này đưa quân vào Liban năm 1982, nhằm mục đích đẩy Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra khỏi căn cứ của họ ở đó. Người Israel đã thành công trong mục tiêu đó. Nhưng một hậu quả không thể lường trước của cuộc chiến đó là sự phát triển của nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shia, Hezbollah. Với sự hỗ trợ của Iran, Hezbollah đã trở thành kẻ thù của Israel mạnh hơn nhiều so với PLO trước đây.

Điều đó nói lên một sự thật hiển nhiên rằng chiến tranh có những hậu quả không lường trước được. Và trong cuộc xung đột hiện nay với Hamas, vẫn chưa rõ kết cục sẽ ra sao đối với Israel.

Những rủi ro, thách thức của một cuộc tấn công trên bộ ở Gaza là rõ ràng. Chiến đấu từ đường phố này đến đường phố khác trong một môi trường đô thị hóa cao và chật hẹp sẽ là điều vô cùng khó khăn đối với lực lượng Israel. Hamas cũng có lợi thế về mạng lưới đường hầm rộng lớn ước tính dài tới 500 km, tạo điều kiện cho các chiến binh của tổ chức này tấn công rồi biến mất. Bên canh đó còn là những vấn đề khác như thương vong lớn cho dân thường, và cả số phận của khoảng 200 con tin bị Hamas bắt giữ.

Hiện chưa rõ Israel dự định làm gì nếu/và khi họ giành được nửa phía bắc của Gaza. Theo Liên hợp quốc, dải đất ven biển này đang phải đối mặt với tình hình nhân đạo “thảm khốc”. Và về mặt quản lý lãnh thổ, cũng có rất ít lựa chọn tốt. Sau đây là những kịch bản có thể xảy ra, theo trang Conversation:

1. Tái chiếm Gaza bằng quân sự, như Israel đã làm từ năm 1967 đến năm 2005

Điều này sẽ tạo thành một gánh nặng quân sự to lớn và khiến thành viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phải đối mặt với nạn bạo lực và bắt cóc. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cảnh báo việc tái chiếm Gaza sẽ là một sai lầm lớn.

Chú thích ảnh
Nhà cửa đổ nát ở Gaza sau các trận không kích của Israel. Ảnh: EPA

2. Loại bỏ lãnh đạo cấp cao của Hamas, tuyên bố chiến thắng rồi rút lui

Một chiến thắng như vậy gần như chắc chắn sẽ chỉ mang tính ngắn hạn. Các thành viên cấp thấp khác của Hamas sẽ tự hào khi đứng ra tái lập nhóm. Hoặc một nhóm khác, chẳng hạn như Islamic Jihad , có thể lấp đầy khoảng trống. Israel sẽ không thể kiểm soát được thực thể đó là ai hoặc là cái gì.

3. Kêu gọi đảng Fatah thế tục hiện đang kiểm soát Chính quyền Palestine ở Bờ Tây lên nắm quyền kiểm soát ở Gaza

Điều đó khó có thể thực hiện được. Fatah đã thua trong cuộc nội chiến trước Hamas vào năm 2007 và không có dấu hiệu nào cho thấy sự trở lại của Chính quyền Palestine sẽ được người Palestine ở đó chấp nhận. Hơn nữa, người đứng đầu chính quyền, Mahmoud Abbas, đã được bầu vào nhiệm kỳ 4 năm vào năm 2005 – và vẫn đang nắm quyền. Như vậy, ông thiếu tính hợp pháp, ngay cả ở Bờ Tây.

4. Quản lý Gaza bởi các nhà lãnh đạo địa phương không liên kết

Đây là một "giấc mơ hoa". Ngay cả khi những nhân vật như vậy có thể được tìm thấy, người dân Gaza gần như chắc chắn sẽ coi họ là tay sai của người Israel, vì vai trò của họ là kiểm soát những người theo đường lối cứng rắn ở dải đất này.

5. Quản lý Gaza bởi một lực lượng Arab nhưng không phải người Palestine

Một lần nữa, điều này là không khả thi. Các nhà lãnh đạo của những quốc gia Arab tiềm năng đóng góp cho một lực lượng như vậy, như Ai Cập, Jordan hay Saudi Arabia, sẽ không muốn bị coi là đang giám sát người Palestine thay mặt cho Israel.

Chú thích ảnh
Ảnh của những người Israel bị bắt làm con tin ở Gaza được dán trên một bức tường ở Tel Aviv. Ảnh: AP

6. Quản lý Gaza bởi lực lượng phi Arab hoặc Liên hợp quốc

Với những rủi ro to lớn, rất khó để thấy bất kỳ quốc gia ngoài khối Arab nào áp dụng ý tưởng này. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc không chỉ cần có sự chấp thuận của Israel mà còn cần có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh mà Nga và Trung Quốc hiếm khi đồng ý với ba thành viên thường trực phương Tây.

Israel cũng cho rằng Hezbollah đã cản trở lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Liban thực hiện nhiệm vụ của mình, ngăn chặn lực lượng này ngăn chặn các cuộc tấn công của phiến quân. Sau các cuộc tấn công của Hamas, Israel khó có thể giao phó an ninh của mình cho lực lượng gìn giữ hòa bình vốn không có nhiều động lực để mạo hiểm mạng sống vì lợi ích của họ.

Từ lâu, Israel đã tin rằng tình trạng hỗn loạn ở Gaza có thể được ngăn chặn. Tuy nhiên, dân số đã tăng quá lớn nên điều này không còn đúng nữa.

Với tốc độ tăng trưởng dân số chỉ hơn 2% mỗi năm, dân số Dải Gaza dự kiến sẽ đạt 3 triệu người vào năm 2030. Dân cư Gaza cũng thuộc loại cực kỳ trẻ, với độ tuổi trung bình là 19,6, so với mức trung bình toàn cầu là 30,5. Gần một nửa dân số trưởng thành thất nghiệp và người Palestine ở Gaza có nguy cơ sống trong cảnh nghèo đói cao gấp 4 lần so với người dân ở Bờ Tây. Đây là công thức dẫn đến sự biến động và cực đoan hóa xã hội.

Hai nhà báo Israel, Efraim Inbar và Eitan Shamir, từng lưu ý trong một phân tích sâu sắc về cuộc chiến tranh Gaza năm 2014 rằng, quân đội Israel mô tả các cuộc tấn công của họ vào Gaza là “cắt cỏ” - hành động trừng phạt nghiêm khắc Hamas vì quá khích và làm suy yếu năng lực quân sự của họ.

Mục đích "cắt cỏ" là để đạt được các mục tiêu thực tế và do đó gặp giới hạn về chính trị và quân sự. Đó là một phần của chiến lược tiêu hao lâu dài, có tác dụng răn đe tạm thời nhằm tạo ra những khoảng thời gian yên tĩnh dọc biên giới.

Các tác giả cho biết, việc loại bỏ hoàn toàn Hamas không phải là một “mục tiêu quân sự có thể đạt được”. Ngay cả khi sự cai trị của Hamas có thể bị chấm dứt thì các lựa chọn thay thế cũng không tốt hơn, như sự cai trị của Israel, sự cai trị của các nhóm cực đoan hơn hoặc sự hỗn loạn.

Trước một kẻ thù phi nhà nước, cố thủ và cứng rắn như Hamas, Israel chỉ cần thỉnh thoảng “cắt cỏ” để làm suy yếu khả năng của kẻ thù.

Tuy nhiên, từ góc độ nhân đạo, hành động đó là đáng phản đối. Câu hỏi bây giờ là liệu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thử áp dụng một chiến lược khác trong lần này hay không. Chúng ta sẽ biết được điều đó trong những tuần tới.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Conservation)
Những lý do sâu xa khiến Israel vẫn trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza
Những lý do sâu xa khiến Israel vẫn trì hoãn chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza

Ném bom trên không hoàn toàn có thể mở đường cho một cuộc tấn công trên bộ sớm hơn, nhưng không loại bỏ được rủi ro hoặc tổn thất về lực lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN