Những hoài nghi về tiến trình hòa giải ở Palextin

Ngày 6/2, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas và người đứng đầu Phong trào Hamas là Khaled Meshaal đã đạt được một thỏa thuận tại Đôha (Cata) sau ba vòng đàm phán căng thẳng. Theo đó, ông Abbas sẽ đứng đầu chính phủ đoàn kết lâm thời Palextin cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức trong năm nay.

Cảnh tàn phá tại một cửa hàng sau một vụ không kích tại thị trấn Beit Lahiya, phía bắc Dải Gada. THX-TTXVN


Theo kế hoạch, chính phủ lâm thời sẽ được thành lập vào ngày 18/2 tới tại Cairô (Ai Cập). Các bộ trưởng trong chính phủ sẽ là những nhân vật độc lập, nhưng Fatah, Hamas và tất cả các phe phái Palextin khác sẽ tham gia đề cử những nhân vật này. Chính phủ này có nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp trong vùng lãnh thổ do Palextin kiểm soát và tái thiết Dải Gaza.

Thỏa thuận này đánh dấu một bước đột phá được chờ đợi từ lâu nhằm thành lập một chính phủ Palextin đoàn kết, đồng thời giúp chấm dứt những bất đồng giữa hai phái đối địch là Fatah và Hamas trong thành lập một chính phủ đoàn kết lâm thời (nội dung chủ yếu trong hiệp ước hòa giải được ký tại Cairô hồi tháng 5/2011). Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ khi đặt câu hỏi liệu đảng Fatah của ông Abbas và phong trào Hamas có thực thi đầy đủ thỏa thuận này hay không?

Một số nhà quan sát Palextin cho rằng thỏa thuận (được biết đến với tên gọi "Tuyên bố Đôha") không ấn định thời gian cụ thể cho việc thành lập chính phủ lâm thời và tổ chức tổng tuyển cử, cũng không yêu cầu chính phủ lâm thời đạt được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trong tiến trình hòa giải.

Khalil Shahin, một nhà phân tích chính trị ở Bờ Tây, nói với Tân Hoa Xã rằng, "Tuyên bố Đôha" vi phạm sự đồng thuận dân tộc về việc thực thi thỏa thuận đạt được tại Cairô tháng 12/2011. Thỏa thuận này đạt được không chỉ giữa Phong trào Hamas và Fatah mà còn cả với các đảng phái Palextin khác. Shahin nói: "Việc chỉ định Tổng thống Abbas thành lập chính phủ đoàn kết là vi phạm luật pháp cơ bản của Palextin, được sửa đổi năm 2003 và tách biệt hai chức vụ tổng thống và thủ tướng".
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Palextin, tổng thống được chỉ định thành lập chính phủ và đảm nhận cả hai chức vụ tổng thống và thủ tướng. Năm 2003, ông Abbas được chỉ định là Thủ tướng Palextin đầu tiên bởi nhà lãnh đạo Palextin khi đó là Yasser Arafat. Quyết định thành lập chính phủ thống nhất do ông Abbas đứng đầu cũng đã khiến một số lãnh đạo của Fatah tức giận vì họ cho rằng nếu ông Abbas lãnh đạo chính phủ mới, ông sẽ không thể ra tranh chức tổng thống Chính quyền Dân tộc Palextin (PNA) trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Tuyên bố Đôha lần này không được chào đón rầm rộ như khi ông Abbas và ông Meshaal ký hiệp ước hòa giải do Ai Cập làm trung gian hồi tháng 5/2011. Các nhà phân tích cho rằng nhìn chung, người Palextin rất vui mừng nhưng họ cần được thưởng thức "hương vị" của sự hòa giải. Mekhemer Abu Se'da, chuyên gia về khoa học chính trị tại trường Đại học al-Azhar ở Gaza, nói với Tân Hoa Xã rằng, người Palextin vẫn nghi ngờ về thỏa thuận vừa đạt được "vì thỏa thuận này giống với nhiều thỏa thuận, tuyên bố, hiệp định đã được ký kết trước đây. Các thỏa thuận đó hầu như không được thực thi đầy đủ". Ông Abu nhấn mạnh: "Tuyên bố của ngày hôm nay lặp lại những tuyên bố trước đây. Dân chúng thờ ơ vì tuyên bố này không đưa ra được thời điểm cụ thể cho việc thành lập chính phủ, tổ chức bầu cử cũng như tái thiết Dải Gaza".

Mặc dù Ismail Haneya - Thủ tướng của chính quyền Hamas bị phế truất nắm quyền điều hành Dải Gaza - lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận trên, song một số nhà lập pháp Hamas lại chỉ trích tuyên bố này. Ismail al-Ashqar, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật của Hamas, kêu gọi thực thi đầy đủ thỏa thuận Cairô. Al-Ashqar nói: "Tuyên bố Đôha và việc chỉ định ông Abbas thành lập chính phủ trái với tinh thần thỏa thuận hòa giải Cairô. Tất cả các nội dung hòa giải phải được thực thi đầy đủ theo thời gian biểu đã được thống nhất".

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN