Những điều giới khoa học biết về biến thể mới 'Omicron BA.2'

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron bắt đầu qua giai đoạn đỉnh và giảm dần ở một số khu vực tại Mỹ, các nhà khoa học giờ đây dành sự quan tâm đến một biến thể virus SARS-CoV-2 mới đang lây lan nhanh chóng ở châu Á và châu Âu. Hiện biến thể này chính thức được gọi là “Omicron BA.2” và đã được ghi nhận tại nhiều bang ở Mỹ như California, Texas, New Mexico, Utah và Washington.

Chú thích ảnh
Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới về biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, có tên Omicron, trên một màn hình điện thoại thông minh. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Dù số ca mắc biến thể BA.2 hiện còn tương đối ít tại Mỹ, nhưng nhiều nhà khoa học nhận định biến thể mới có thể sẽ lây lan ra khắp cả nước vào tháng sau. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy biến thể mới thậm chí còn dễ lây lan hơn biến thể Omicron đầu tiên, còn được gọi là “Omicron BA.1”. Theo chuyên gia dịch tễ học Emma Hodcorft thuộc Đại học Bern, biến thể BA.2 có thể còn dễ lây hơn biến thể BA.1 từ 1 - 3%. Câu hỏi đặt ra hiện nay là với sự khác biệt nhỏ như vậy, liệu biến thể BA.2 khiến tình hình dịch bệnh hiện nay trở nên trầm trọng hay không.
       
Biến thể BA.2 là gì?

Theo các nhà nghiên cứu, biến thể BA.2 có thể được coi là anh chị em ruột với BA.1. Cả hai biến thể có chung nhiều đột biến, khoảng 30 hoặc hơn, nhưng cũng có những đột biến riêng có. Tháng 11/2021, khi các nhà khoa học ở Nam Phi và Botswana phát hiện ra biến thể Omicron, họ không chỉ ghi nhận duy nhất một phiên bản. Trên thực tế, có tới 3 biến thể, được gọi là BA.1, BA.2 và BA.3. Khi BA.1 bắt đầu lan rộng và phát tán toàn cầu,  thì BA.2 và BA.3 dường như phát triển yếu hơn, khiến giới khoa học nhận định 2 biến thể sau có thể sẽ sớm “biến mất”. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn không như vậy.

Omicron BA.2 dễ lây nhiễm hơn Omicron BA.1?

Trong vài tuần qua, biến thể BA.2 đã khiến giới khoa học kinh ngạc, khi bắt đầu có thể “cạnh tranh” với người anh em BA.1 như bất kì loại biến thể nào khác. Tháng 12/2021, biến thể Omicron BA.1 gây ra làn sóng dịch lớn tại Đan Mạch và khi số ca mắc bắt đầu giảm xuống thì BA.2 lại lây lan nhanh chóng ở quốc  gia Bắc Âu. Chỉ trong vài tuần, BA.2 đã là biến thể lây nhiễm chủ đạo và kéo dài làn sóng dịch ở Đan Mạch, với trên 40.000 ca mắc mới mỗi ngày.  Theo Viện huyết thanh Statens ở Copenhagen, kể từ ngày 8/1 đến nay, BA.2  đang chiếm hơn 50% số ca mắc ở Đan Mạch.

Số ca mắc Omicron BA.2 cũng tăng theo cấp số nhân ở vùng England của Anh và tại Đức, với khoảng 5% số ca mắc mới ở mỗi nước.  Hiện giới khoa học lo ngại biến thể này có thể kéo dài hơn làn sóng dịch bệnh tại Anh và Đức cũng như có thể là cả ở Mỹ. Đến nay, các số liệu cho thấy BA.2 không phải người anh em “yếu ớt” của BA.1 mà thậm chí còn khỏe và có thể dễ lây hơn.

Biển thể BA.2 có thể “tàng hình”?

Biến thể BA.2 không phải khó phát hiện đến mức được gọi là “tàng hình”, mà trên thực tế xuất phát từ lối tắt các nhà khoa học sử dụng để nhanh chóng xác định biến thể Omicron trong các kết quả xét nghiệm PCR. Do sai sót trong trình tự di truyền của Omicron BA.1, kết quả xét nghiệm PCR những ca mắc biến thể này sẽ trông khác với những kết quả xét nghiệm dương tính điển hình khác, qua đó về cơ bản giúp các nhà nghiên cứu xác định dễ dàng biến thể này mà không cần giải trình tự mẫu nghiệm. Tuy nhiên, một trong những đột biến của BA.2 đã loại bỏ được lỗi di truyền đó, đồng nghĩa lối tắt không còn tác dụng. 

Tuy nhiên, với việc BA.1 hiện chiếm tới hơn 99% số ca mắc mới tại Mỹ, sự khác biệt đó không phải vấn đề lớn và không ảnh hưởng đến quá trình điều trị tại các cơ sở y tế. Tháng trước, các nhà khoa học Mỹ đã ghi nhận các kháng thể đơn bào ít hiệu quả trong điều trị những ca mắc biến thể Omicron hơn so với những ca mắc biến thể Delta.

BA.2 nguy hiểm hơn BA.1?

Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy  biến thể Omicron BA.1 ít gây nguy cơ bệnh nặng so với biến thể Delta. Theo Tiến sĩ Peter Chin-Hong, Đại học California San Francisco, những bằng chứng ban đầu ở Đan Mạch cho thấy biến thể BA.2 cũng sẽ tương tự. Tuy nhiên, ông Chin-Hong cũng thận trọng khi cho rằng điều này có thể biến đổi.

Hiện cũng có sự lạc quan thận trọng về hiệu quả của các loại vaccine  ngừa COVID-19 hiện tại trước biến thể mới. Dữ liệu ban đầu từ Anh cho thấy mũi vaccine thứ 3 có hiệu quả với  biến thể BA.2 cũng như BA.1. Đối với cả hai biến thể này, vaccine làm giảm nguy cơ lây nhiễm có triệu chứng khoảng 60 - 70%.

Ngoài ra, có nhiều điểm tương đồng giữa các protein đột biến của BA.1 và BA.2, mục tiêu mà nhiều loại kháng thể nhắm đến. Do vậy, Tiến sĩ Chin-Hong nhận định vaccine sẽ tiếp tục là biện pháp bảo vệ hữu hiệu,  ngăn ngừa các ca bệnh nặng. Theo ông, sự phân biệt này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của COVD-19, khi mà các cộng đồng giờ đây cần chuyển trọng tâm từ việc ngăn chặn lây nhiễm sang giúp ngăn chặn các ca trở nặng và phải nhập viện.

Lan Phương (TTXVN)
Biến thể Omicron chiếm gần 96% số ca mắc COVID-19 tại Italy
Biến thể Omicron chiếm gần 96% số ca mắc COVID-19 tại Italy

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 28/1, Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) cho biết biến thể Omicron rất dễ lây lan hiện chiếm 95,8% số ca nhiễm COVID-19 mới tại Italy, với biến thể Delta từng chiếm đa số giảm xuống còn 4,2%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN