Những điều căn bản và phức tạp về cuộc điều tra luận tội Tổng thống Biden

Cuộc điều tra có ít ý nghĩa về mặt pháp lý, nhưng nó có thể gây ra những tác động lớn về mặt chính trị đối với ông Biden trước cuộc "tái đấu" tiềm tàng với đối thủ cũ Donald Trump.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ tám phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội. Ảnh: Reuters

Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát ngày 13/12 đã bỏ phiếu thông qua cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm xem xét liệu ông chủ Nhà Trắng có hưởng lợi bất chính từ các giao dịch kinh doanh của các thành viên trong gia đình ông hay không.

Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu ngày 13/12 của Hạ viện bị đánh giá là mang tính đảng phái vì cơ quan này phát động cuộc điều tra mà không công bố bất kỳ bằng chứng phạm tội nào của ông Biden và kết quả bỏ phiếu hôm có sự chia rẽ rõ rệt, tất cả 221 phiếu đồng ý điều tra đều từ đảng viên đảng Cộng hòa và tất cả 212 phiếu chống đều đến từ đảng Dân chủ.

Theo các nhà phân tích, mặc dù cuộc điều tra có ít ý nghĩa về mặt pháp lý nhưng nó sẽ gây ra những tác động về mặt chính trị đối với ông Biden, nhất là khi nhà lãnh đạo Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, nhiều khả năng đối mặt với đối thủ cũ Donald Trump.

Một cuộc điều tra luận tội là gì?

Cuộc điều tra luận tội là cuộc điều tra chính thức về hành vi sai trái có thể xảy ra của một quan chức liên bang, như tổng thống, các quan chức nội các hoặc thẩm phán.

Quá trình này được quy định trong Hiến pháp Mỹ và là sự kiểm tra mạnh mẽ nhất mà Quốc hội có đối với nhánh hành pháp. Đây là bước đầu tiên hướng tới một cuộc luận tội có thể xảy ra, về cơ bản đồng nghĩa với các cáo buộc được đưa ra nhằm vào một quan chức.

Các nhà lập quốc Mỹ đã đưa việc luận tội vào Hiến pháp như một phương án loại bỏ các tổng thống, phó tổng thống và quan chức dân sự. Theo hiến pháp, họ có thể bị cách chức vì “tội phản quốc, hối lộ hoặc các tội trọng và tội nhẹ khác”.

Trong khi Hạ viện có quyền luận tội một quan chức thì chỉ có Thượng viện mới có khả năng kết tội và cách chức một cá nhân. Điều này diễn ra gần đây khi cựu Tổng thống Donald Trump bị Hạ viện luận tội hai lần nhưng được Thượng viện tuyên trắng án.

Cho đến nay, chưa có tổng thống nào bị buộc rời khỏi Nhà Trắng do bị luận tội, nhưng Joe Biden là tổng thống thứ tám phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội. Chỉ có ba tổng thống khác bị luận tội sau một cuộc điều tra, gồm: Andrew Johnson, Bill Clinton và Donald Trump.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bill Clinton và Andrew Johnson. Ảnh: AP

Quốc hội Mỹ có thường bỏ phiếu để chính thức hóa các cuộc điều tra luận tội không?

Quốc hội Mỹ có quyền hạn rất rộng trong việc đưa ra các lựa chọn điều tra. Cuộc bỏ phiếu của Hạ viện để chính thức hóa một cuộc điều tra luận tội đã củng cố quyền lực pháp lý của cuộc điều tra khi các ủy ban của Hạ viện đưa ra trát đòi hầu tòa và yêu cầu các tài liệu.

Hạ viện trước đây đã tiến hành luận tội một tổng thống mà không cần bỏ phiếu để bật đèn xanh cho một cuộc điều tra. Ví dụ, cuộc luận tội lần thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump đã chứng kiến các cáo buộc được đưa ra chỉ 5 ngày sau vụ tấn công vào Điện Capitol ngày 6/1/2020.

Nhưng ở một vụ việc khác, cuộc luận tội cựu Tổng thống Bill Clinton, các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã không chỉ bỏ phiếu khởi động một cuộc điều tra mà vài tháng sau đó còn mở rộng phạm vi cuộc điều tra ra ngoài những gì đã có trong nghị quyết ban đầu.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cuối cùng đã làm theo mô hình chính thức hóa đó vào năm 2019 cho cuộc luận tội đầu tiên nhằm vào ông Trump. Sau nhiều tháng điều tra không chính thức, bà đã chính thức đưa cuộc bỏ phiếu ra Hạ viện nhằm phát động động cuộc điều tra với ông Trump.

Tổng thống Biden bị điều tra với cáo buộc gì, có bằng chứng không?

Vào tháng 9 năm nay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là ông Kevin McCarthy đã chỉ đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống Biden. Và cuộc bỏ phiếu ngày 13/12 vừa qua nhằm mục đích chính thức hóa cuộc điều tra này, trao cho Hạ viện quyền tiếp cận mạnh mẽ hơn với các tài liệu, lời khai và buộc Nhà Trắng phải hợp tác.

Cuộc điều tra của đảng Cộng hòa với Tổng thống Biden nhắm vào ba cáo buộc: nhận hối lộ, có hành vi sai trái khi đang đương nhiệm và can thiệp chính trị. Cả ba cáo buộc này đều liên quan đến con trai ông Biden là Hunter Biden.

Chú thích ảnh
Ông Hunter Biden, con trai Tổng thống Mỹ Joe Biden, phát biểu tại cuộc họp báo bên ngoài Điện Capitol ngày 13/12/2023. Ảnh: Reuters

Với hai cáo buộc đầu tiên, đảng Cộng hòa nghi ngờ ông Biden hưởng lợi từ các giao dịch kinh doanh nước ngoài của ông Hunter Biden. Cụ thể, theo đảng Cộng hòa, khi ông Biden giữ chức phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Hunter Biden đã lợi dụng chức vụ của cha mình để thu lợi hàng triệu USD từ các giao dịch kinh doanh ở Ukraine, Trung Quốc và các quốc gia khác.

Để chứng minh hai cáo buộc này, đảng Cộng hòa đang tìm bằng chứng cho thấy rằng ông Biden đã nhận tiền hối lộ từ các đối tác kinh doanh của con trai ông và thay đổi chính sách của Mỹ để mang lại lợi ích cho các đối tác này. Tuy nhiên, đến nay phía Cộng hòa vẫn chưa công bố bằng chứng về nghi ngờ này.

Trước đó, các nhà điều tra của Quốc hội Mỹ đã thu thập gần 40.000 trang hồ sơ ngân hàng và lời khai từ các nhân chứng liên quan đến hoạt động kinh doanh của ông Hunter Biden nhưng không có bằng chứng nào cho thấy chủ nhân Nhà Trắng đã tham nhũng hoặc nhận hối lộ trong vai trò tổng thống hiện tại cũng như vai trò phó tổng thống (thời chính quyền Tổng thống Obama) trước đây.

Đối với cáo buộc can thiệp chính trị, đảng Cộng hòa cho rằng ông Biden đã sử dụng ảnh hưởng của mình, trước và trong khi làm Tổng thống Mỹ, để cản trở quá trình điều tra của Bộ Tư pháp đối với con trai ông. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho các buộc này. Các cuộc điều tra đến thời điểm hiện tại chỉ tập trung vào các quan chức của Bộ Tư pháp, chứ không phải bản thân Tổng thống Biden.

Hôm 14/12, ông Hunter Biden nói với các phóng viên bên ngoài Điện Capitol: “Không có bằng chứng nào chứng minh cho những cáo buộc rằng cha tôi có liên quan về mặt tài chính đến công việc kinh doanh của tôi vì điều đó đã không xảy ra”.

Từ khi Hạ viện bắt đầu điều tra đến khi bỏ phiếu luận tội thường mất bao lâu?

Bất chấp sự hỗn loạn trong 4 năm qua, việc luận tội một Tổng thống Mỹ vẫn là cực kỳ hiếm. Và không vụ nào mất quá vài tháng kể từ khi bắt đầu cuộc điều tra đến khi bỏ phiếu luận tội.

Hai trong số bốn cuộc luận tội trong lịch sử Mỹ đã diễn ra tại Hạ viện khoảng ba tháng kể từ khi công bố cuộc điều tra cho đến cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện: Ở cuộc luận tội đầu tiên với ông Trump, bà Pelosi thông báo rằng sáu ủy ban Hạ viện sẽ bắt đầu cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Trump vào ngày 24/9/2019. Hạ viện đã bỏ phiếu vào ngày 18/12 cùng năm để luận tội ông Trump về hai tội danh: lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.

Với vụ luận tội Tổng thống Bill Clinton, vào ngày 24/9/1998, Ủy ban Tư pháp Hạ viện công bố nghị quyết bắt đầu cuộc điều tra luận tội. Ngày 19/12 cùng năm, Hạ viện đã bỏ phiếu luận tội ông Clinton về hai cáo buộc: khai man trước đại bồi thẩm đoàn và cản trở công lý.

Hai cuộc luận tội khác diễn ra nhanh chóng hơn trong đó có cuộc luận tội thứ hai nhằm vào Tổng thống Trump, diễn ra gần như ngay lập tức, và cuộc luận tội cựu Tổng thống Andrew Johnson vào năm 1868.

Cuộc điều tra nhằm vào ông Biden đang trên đà diễn ra lâu hơn một chút. Các nhà điều tra chủ chốt cho biết họ đang nhắm đến việc quyết định xem có nên soạn thảo các điều khoản luận tội vào giữa tháng 1/2024 hay không.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ James Comer (bên trái hàng đầu) sau cuộc bỏ phiếu thành công nhằm chính thức hóa cuộc điều tra luận tội Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tác động của vụ việc đến Tổng thống Biden

Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực của đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ thất bại trong việc loại bỏ Tổng thống Joe Biden khỏi chức vụ. Ngay cả khi Hạ viện đạt được đa số quá bán cần thiết để luận tội tổng thống, Thượng viện khi đó sẽ phải bỏ phiếu để kết tội ông về các tội danh với tỷ lệ 2/3 phiếu bầu –  điều gần như không thể xảy ra tại một viện mà đảng Dân chủ chiếm đa số 51-49.

Theo các nhà phân tích, mặc dù cuộc điều tra có ít ý nghĩa về mặt pháp lý nhưng nó sẽ đem lại những tác động về mặt chính trị đối với ông Biden, nhất là khi nhà lãnh đạo Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Họ cho rằng điều mà đảng Cộng hòa thực sự quan tâm khi khởi động điều tra không phải là việc ông Biden bị luận tội mà nhằm gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của ông, cũng như đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi các rắc rối pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong cuộc đua tổng thống sắp tới.

“Việc mở điều tra luận tội không chỉ nhằm đánh lạc hướng khỏi ông Donald Trump, mà còn cố tạo ra bê bối cho ông Biden trước thềm bầu cử” - Matthew Lebo, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Western (Canada), nhận xét.

Quá trình điều tra luận tội có thể giúp đảng Cộng hòa làm nổi bật những cáo buộc tham nhũng nhằm phe Dân chủ trong phần lớn chiến dịch bầu cử năm 2024, mà Tổng thống Biden đang tham gia tái tranh cử. 

Phản ứng trước quyết định hôm 13/12, Tổng thống Biden nói: “Thay vì làm bất cứ điều gì để giúp cuộc sống của người Mỹ tốt hơn, họ lại tập trung tấn công tôi bằng những lời dối trá. Thay vì thực hiện công việc cấp bách cần phải hoàn thành, họ lại chọn cách lãng phí thời gian vào trò đóng thế chính trị vô căn cứ này mà ngay cả các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội cũng thừa nhận là không có bằng chứng thực tế chứng minh.”

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico, New York Times)
Điều gì đã thay đổi trong lập trường của Tổng thống Biden về việc ủng hộ cho Ukraine?
Điều gì đã thay đổi trong lập trường của Tổng thống Biden về việc ủng hộ cho Ukraine?

Ukraine phải đối mặt với một mùa đông khó khăn sau khi Tổng thống Zelensky không thể thuyết phục đảng Cộng hòa nhanh chóng triển khai viện trợ mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN