Những điểm chính trong phát biểu của Bộ trưởng Chuck Hagel tại Shangri-La

Trong bài phát biểu ngày 1/6 tại Đối thoại Quốc phòng Shangri-La lần thứ 12 được tổ chức tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố quân đội Mỹ sẽ triển khai thêm lực lượng không quân, bộ binh cùng các loại vũ khí công nghệ cao tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh cường quốc này đẩy mạnh chiến lược tái cân bằng tại khu vực.
 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (giữa), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (trái) gặp bên lề Diễn đàn Đối thoại Shangri-La ngày 1/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Qua những lời phát biểu thể hiện tầm nhìn về an ninh khu vực, người đứng đầu Lầu Năm Góc đã lên tiếng trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ hết sức nỗ lực thúc đẩy chính sách chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương, bất chấp những hạn chế liên quan đến vấn đề ngân sách mà họ đang gặp phải. Bộ trưởng Hagel cũng nhấn mạnh rằng ngân sách quốc phòng Mỹ chiếm tới 40% ngân sách quốc phòng toàn cầu.


Bộ trưởng Hagel cũng liệt kê một số vấn đề an ninh nổi cộm nhất trong khu vực, như nỗ lực của CHDCND Triều Tiên nhằm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, các tranh chấp chủ quyền lãnh hải xung quanh Trung Quốc, cũng như các hoạt động tấn công ngoài vũ trụ và an ninh mạng. Ông đề cập tới quan ngại của Mỹ trước các vụ tấn công mạng máy tính có liên quan tới chính phủ và quân đội Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng việc giải quyết nhiều vấn đề an ninh khu vực cần tới hợp tác sâu rộng giữa Washington và Bắc Kinh. Bộ trưởng Hagel nói: "Việc thiết lập một mối quan hệ tích cực và có tính xây dựng với Trung Quốc... là một phần quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc vẫn có những bất đồng, song điều mấu chốt để giải quyết các bất đồng này là dựa trên nền tảng đối thoại liên tục và tôn trọng lẫn nhau". Trước đó ngày 31/5, ông Hagel đã nói rằng các đe dọa an ninh khiến Mỹ và các quốc gia khác phải đối mặt với những hiểm họa "khó lường và âm thầm", đồng thời kêu gọi đề ra "các luật lệ và lộ trình thực hiện" để làm kim chỉ nam và tránh xung đột trong các mạng lưới máy tính toàn cầu.


Trong phiên chất vấn sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thiếu tướng Trung Quốc Diêu Vân Húc, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung - Mỹ, đã đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có thể làm gì để trấn an Trung Quốc rằng Mỹ thực sự muốn xây dựng một quan hệ tích cực trước thực tế là Oasinhtơn đang quá tập trung vào các nguồn lực quân sự trong khu vực. Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Hagel nói: "Đó (xây dựng một quan hệ tích cực) thực sự là mục đích mấu chốt đằng sau nỗ lực xây dựng quan hệ quân sự song phương gần gũi hơn. Chúng tôi không muốn giữa các bên xảy ra các tính toán sai và hiểu lầm. Cách duy nhất là đối thoại và thẳng thắn. Và tôi cho rằng Mỹ đang đi đúng hướng". Bộ trưởng Hagel chỉ ra nhiều cuộc tiếp xúc quân sự mà hai nước đã thực hiện trong năm qua, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ khích lệ sự nổi lên có trách nhiệm của Trung Quốc và các cường quốc khác bởi họ đóng vai trò tất yếu trong việc ổn định khu vực.


Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh các nỗ lực của Mỹ trong việc củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác khu vực thông qua các cam kết song phương và đa phương. Bộ trưởng cũng cho hay ông đã ngỏ lời mời Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tới tham dự cuộc gặp do Mỹ lần đầu tiên tổ chức tại Hawaii vào năm 2014. Ông nói: "Các mối quan hệ, lòng tin và sự tin cậy là những nhân tố quan trọng nhất trong khu vực".


Ông Hagel đã thông qua bài phát biểu đầu tiên tại Shangri-La với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ để nhấn mạnh các kinh nghiệm liên quan tới châu Á mà ông đã thu được trong quá khứ - từ giai đoạn tham chiến tại Việt Nam, hay thời kỳ ông hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc trên cương vị giám đốc điều hành một hãng điện thoại di động, cho tới các chuyến thăm trước đây tới khu vực khi còn là Thượng nghị sỹ Mỹ. Ông nói: "Điều tôi rút ra được từ các kinh nghiệm này là một niềm tin vững chắc rằng thế kỷ 21 sẽ được định hình bằng các sự kiện diễn ra tại khu vực châu Á này". Ông cũng nói thêm rằng rõ ràng Mỹ cần phải tái cân bằng các nguồn lực tại khu vực sau khi họ chấm dứt hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Theo kế hoạch mà người tiền nhiệm Leon Panetta đã công bố trong Đối thoại Shangri-La lần thứ 11, Bộ trưởng Hagel cho biết 60% số máy bay và phi công ở nước ngoài của lực lượng không quân Mỹ sẽ đồn trú tại khu vực - tương đương với mức hiện hành - trong khi quân đội và hải quân Mỹ sẽ quay trở lại thực hiện vai trò của họ tại châu Á - Thái Bình Dương sau khi được rút khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan.


Ông Hagel cũng cho biết trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ "ưu tiên triển khai" các hệ thống vũ khí tiên tiến nhất tại Thái Bình Dương, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor, máy bay do thám F-35 và tàu ngầm lớp tấn công Virginia. Bộ trưởng Hagel cũng tiết lộ Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các hệ thống vũ khí tân tiến khác trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch trang bị vũ khí laser trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce vào năm 2014, và tháng trước Mỹ đã thành công trong việc lần đầu tiên thử nghiệm máy bay không người lái cất cánh từ tàu sân bay. Ông nói: "Cùng với các quan điểm, học thuyết và kế hoạch mới giúp kết hợp các công nghệ mới với những khả năng 'làm thay đổi cuộc chơi', Mỹ sẽ có thể đảm bảo triển khai một cách thông suốt các chiến lược tại khu vực trong tương lai".



TTK

Đối thoại Shangri-La cởi mở, thẳng thắn và minh bạch
Đối thoại Shangri-La cởi mở, thẳng thắn và minh bạch

Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 đảm bảo tính cởi mở và rất thẳng thắn trong trao đổi các vấn đề an ninh; các quan điểm được trình bày tại diễn đàn một cách đầy đủ, minh bạch, tạo nên không khí cởi mở, có trách nhiệm.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN