Những đặc điểm mới trong chiến tranh thế kỷ 21

Phản ánh một số đặc điểm mới trong chiến tranh thế kỷ 21, mạng tin trực tuyến "Policymic" (Mỹ) ngày 3/11 cho biết, cuộc chiến tranh Irắc chuẩn bị chấm dứt. Osama bin Laden và hàng chục thủ lĩnh al-Qaeda khác đã bị giết. NATO thành công trong việc can thiệp quân sự để hỗ trợ lực lượng nổi dậy lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi ở Libi. Đó là hàng loạt thành công mà cựu Tổng thống George W.Bush và các nhân vật bảo thủ kiểu mới ở Mỹ chỉ có thể "nằm mơ".

Nguyên nhân dẫn đến những thành công quân sự gần đây là do Mỹ và các nước đồng minh lần đầu tiên phát hiện một chiến lược hiệu quả để phát động cuộc chiến tranh thế kỷ 21 chống lại các mối đe dọa thế kỷ 21. Công nghệ hiện đại và hoạt động tình báo tốt hơn là công cụ chủ lực, chứ không áp dụng các biện pháp triển khai lực lượng lớn và sức mạnh vượt trội như trong các cuộc chiến tranh Irắc và Ápganixtan. Các cuộc chiến tranh hiện nay sẽ giành thắng lợi bằng các cuộc tiến công chiến lược, nỗ lực đa phương và can dự hạn chế. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật trong các cuộc chiến tranh hiện đại của thế kỷ 21.

Thứ nhất là mở các cuộc không kích vào các mục tiêu được chuẩn bị trước sẽ có lợi hơn việc triển khai lực lượng lớn trên chiến trường. Tất cả các cuộc xung đột lớn vừa qua ở Irắc, Ápganixtan và Libi cho thấy chất lượng có ý nghĩa hơn số lượng, độ chính xác có ý nghĩa quan trọng hơn sức mạnh ồ ạt. Khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Irắc và Ápganixtan, các chính quyền Mỹ đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ. Nhưng rốt cuộc, sau đó các cuộc xung đột vẫn kéo dài gần một thập kỷ. Trước đây, chính quyền Bush đã sai lầm khi nghĩ rằng họ có thể đạt được các mục tiêu thế kỷ 21 như chống chủ nghĩa khủng bố, xây dựng các nhà nước "dân chủ" và ngăn chặn các thảm họa nhân đạo bằng những biện pháp lỗi thời trong thế kỷ 20, chủ yếu dựa trên quy mô quân sự. Tuy nhiên, các phần tử khủng bố rất xảo quyệt, luôn thay đổi chiến thuật cũng như vượt qua các đường biên giới bằng nhiều cách mà quân đội và lực lượng an ninh các nước không thể phát hiện và ngăn chặn. Các chiến binh trà trộn trong dân chúng. Do đó, các cuộc xung đột không thể giành thắng lợi chỉ bằng lực lượng bên ngoài.

Chính quyền Obama nhận thấy thành công trong một cuộc chiến tranh chính xác bằng cách sử dụng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái để tiêu diệt các cá nhân, các mục tiêu cụ thể và gây thiệt hại hạn chế. Mặc dù dư luận tranh cãi rất nhiều về việc Mỹ sử dụng lực lượng máy bay không người lái để giết hại đối phương, song thực tế chương trình này đã đem lại hiệu quả lớn trong cuộc chiến chống các cá nhân phi chính phủ. Trong chiến dịch ném bom Libi, NATO đã tiến hành 26.000 chuyến bay và phát động hơn 10.000 cuộc tiến công trong hơn 7 tháng mà không một binh sĩ nào của lực lượng NATO bị thương vong. Đây là một hình thức có thể tiếp tục được sử dụng trong các cuộc xung đột tương lai. 

Thứ hai là chủ nghĩa đa phương. Các nỗ lực đa phương sẽ hợp pháp hóa hành động quân sự nhiều hơn trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như trường hợp Libi. Chủ nghĩa đa phương giúp bảo đảm chi phí và rủi ro của can thiệp quân sự được chia sẻ cho các nước tham gia.

Những bài học của chiến tranh hiện đại và chiến lược thành công hiện đang được sử dụng cho thấy quân đội phải từ bỏ phương thức tiến hành chiến tranh đã lỗi thời lạc hậu và nhanh chóng tiếp thu phương thức mới. Thực tế, các chiến dịch quân sự hiện nay có thể giành thắng lợi bằng lực lượng ít hơn, tin tức tình báo tốt hơn và chi phí tiền bạc ít hơn các cuộc xung đột trước đây. Mạng tin trên cho rằng, bài học chủ yếu cho cuộc chiến tranh thế kỷ 21 là Mỹ và các nước đồng minh có thể thành công trong việc thực hiện các mục tiêu ngoại giao và quân sự bằng cách triển khai lực lượng tối thiểu, đánh bom chính xác và can thiệp yểm trợ. Việc áp dụng hình thức chiến tranh của thế kỷ 20 sẽ đạt được rất ít thành công trong các cuộc xung đột tương lai.

Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN