Những câu hỏi lớn trong cuộc tranh luận của Quốc hội Mỹ về viện trợ cho Ukraine

Dự luật chi tiêu tạm thời được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 30/9 đã loại bỏ mọi viện trợ cho Ukraine, do sự kiên quyết của một số đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn.

Chú thích ảnh
Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn tấn công Sơn cước độc lập số 10 'Edelveis' của Lực lượng vũ trang Ukraine bắn pháo tự hành 2S1 Gvozdika về phía quân đội Nga, tại một vị trí ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 26/9/2023. Ảnh: Reuters

Quốc hội Mỹ đã không đưa khoản tiền mới nào cho Ukraine vào dự luật chi tiêu tạm thời của chính phủ được thông qua hôm 30/9 để giữ cho chính phủ liên bang không bị đóng cửa ngay trước hạn chót. Điều này đã nêu bật tâm lý miễn cưỡng ngày càng tăng của một số đảng viên Cộng hòa trong việc cung cấp viện trợ cho Kiev.

Chính phủ Mỹ còn bao nhiêu tiền cho Ukraine?

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, cơ quan lập pháp nước này đã phê duyệt 113 tỷ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022.

Một quan chức Mỹ cho biết, tính đến ngày 2/10, Bộ Quốc phòng còn lại 1,6 tỷ USD để thay thế lượng vũ khí gửi đến Ukraine, và không còn quỹ nào theo Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) cũng như từ quỹ Quyền Giải ngân của Tổng thống (PDA) trị giá 5,4 tỷ USD, cho phép Tổng thống Joe Biden rót tiền vào kho dự trữ quốc phòng của Mỹ để trang bị cho Ukraine.

Vì sao Quốc hội Mỹ tranh luận có nên tiếp tục viện trợ Ukraine hay không?

Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ vẫn ủng hộ viện trợ cho Ukraine, nhưng sự ủng hộ đó đang dần sụt giảm.

Một nhóm đảng viên Cộng hòa tương đối nhỏ nhưng có tiếng nói, vốn chỉ trích sự hỗ trợ của Ukraine ngay từ đầu, đã cáo buộc chính phủ ở Kiev không chống tham nhũng hiệu quả, điều mà các quan chức Ukraine và Mỹ phủ nhận. Họ cũng lập luận rằng khi nước Mỹ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, chính phủ liên bang nên chi tiền trong nước hoặc để tăng cường khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhiều người trong số những đảng viên Đảng Cộng hòa này có mối quan hệ chặt chẽ với cựu Tổng thống Donald Trump, gương mặt hàng đầu để trở thành ứng cử viên của đảng này trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ông Trump, người từng bị Quốc hội luận tội vào năm 2019 vì cáo buộc gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải giúp đỡ mình về mặt chính trị, gần đây tuyên bố rằng ông sẽ kết thúc cuộc xung đột Ukraine sau 24 giờ nếu ông thắng cử tổng thống, và rằng cuộc chiến này quan trọng đối với châu Âu hơn là Mỹ.

Làm thế nào để giải quyết vấn đề viện trợ cho Ukraine?

Có một số cách để viện trợ bổ sung cho Ukraine có thể trở thành luật.

Viện trợ bổ sung cho Kiev có thể được đưa vào một dự luật chi tiêu lớn hơn mà Quốc hội Mỹ phải thông qua vào cuối năm nay để tránh việc đóng cửa. Biện pháp được thông qua hôm 30/9 chỉ cung cấp chi tiêu cho đến giữa tháng 11. Hoặc nó có thể được cung cấp dưới dạng một dự luật chi tiêu riêng biệt hoặc kết hợp với dự luật chi lớn hơn cho an ninh biên giới.

Nước Mỹ liệu có khả năng tiếp tục hỗ trợ Ukraine như mức độ hiện tại?

Đảng Dân chủ, những người ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho Ukraine, nhấn mạnh rằng Quốc hội sẽ tiếp tục hỗ trợ. Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, bao gồm cả những nhân vật có ảnh hưởng như lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell, cũng nói như vậy.

Nhưng bức tranh lại kém rõ ràng hơn nhiều ở Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số và nơi một số thành viên cực hữu vừa thành công lật đổ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, với lý do ông sẵn sàng thỏa hiệp với đảng Dân chủ về các dự luật chi tiêu, bao gồm cả viện trợ cho Ukraine.

Vấn đề viện trợ cho Ukraine đang khó khăn đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/10 tuyên bố: "Tôi không thể tin được những người đã bỏ phiếu cho quý vị, ủng hộ Ukraine, đại đa số Hạ viện và Thượng viện, đảng viên Dân chủ và Cộng hòa, vì những lý do chính trị thuần túy, lại để thêm nhiều người chết một cách vô ích ở Ukraine".

Ông Biden kêu gọi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ cùng thông qua dự luật cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine, đồng thời khẳng định, dòng viện trợ của Washington cho Kiev vẫn sẽ được duy trì.  “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn”, Tổng thống Biden phát biểu hôm 1/10, “Chúng ta không còn nhiều thời gian”.

Nhà lãnh đạo Mỹ trấn an Ukraine: “Tôi muốn đảm bảo với các đồng minh Mỹ của chúng tôi, người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng các bạn có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Những lần Chủ tịch Hạ viện giữ chức ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ
Những lần Chủ tịch Hạ viện giữ chức ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ

Khi bị phế truất vào ngày 3/10 sau 269 ngày tại vị, ông Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ giữ chức trong thời gian ngắn nhất trong hơn 140 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN