Những bước đi khôn ngoan đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Bị coi thiếu kinh nghiệm chính trị, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có những bước đi khôn ngoan đầu tiên trong đường lối đối ngoại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi ngoại giao đầu tiên và đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của thế giới.

Những “bước đi” đầu tiên của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.

Tạm gác lại những rắc rối của sắc lệnh gây tranh cãi về tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân 7 nước có đa số là người Hồi giáo kéo theo một cuộc chiến pháp lý được dự báo là dai dẳng, các chuyên gia quan tâm nhiều hơn tới những chuyển động ngoại giao của Nhà Trắng tuần qua với nhận định tổng thống tỷ phú dường như đang có những bước đi định hình trong quan hệ với các nước lớn tại châu Á.
         
Những động thái ngoại giao đáng chú ý đầu tiên đã được thể hiện trong quan hệ với các đồng minh Đông Bắc Á. Không phải ngẫu nhiên tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại chọn Hàn Quốc và Nhật Bản làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới. Và cũng không phải ngẫu nhiên chỉ ít ngày sau chuyến công du này, Tổng thống Trump đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng.
        
Theo giới chuyên gia, các động thái này là nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ với hai đồng minh hàng đầu tại Đông Bắc Á nói riêng và châu Á- Thái Bình Dương nói chung sau những tuyên bố có thể "gây hoang mang" của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử, rằng Nhật Bản và Hàn Quốc đã không trả đủ tiền cho sự bảo vệ đồng minh của Mỹ, do đó hai nước này phải tự bảo vệ mình bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó, việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa khiến chính quyền mới tại Mỹ cần nhanh chóng có động thái trấn an các đồng minh trong khu vực.
        
Động thái thứ hai cho thấy có sự điều chỉnh giữa lời nói với hành động của Tổng thống Trump là trong quan hệ với Trung Quốc - cường quốc đối tác - đối thủ của Mỹ cả về kinh tế và chính trị. Trong tuần qua, ông chủ mới của Nhà Trắng đã gửi thư chúc mừng Chủ tịch Tập Cận Bình và người dân Trung Quốc nhân dịp năm mới, trong đó khẳng định mong muốn cùng hợp tác “để phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng”.

Tiếp sau là cuộc điện đàm, trong đó ông Trump khẳng định tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, cam kết tăng cường hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và các vấn đề quốc tế khác. Những tuyên bố này trái ngược với những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Trump cách đây khoảng một tháng khi có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn.

Ông Trump cũng không dưới một lần chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ khiến các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và áp thuế cao đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ vào nước này.

Lý giải cho những động thái ngoại giao nói trên, giới phân tích đánh giá Tổng thống Trump đang thể hiện bản lĩnh của một nhà kinh doanh trong công việc chính trị. Theo giáo sư Karl Thayer, một yếu tố quan trọng hàng đầu phải tính đến trong sự điều chỉnh này của Tổng thống Trump, đó là ông trước tiên là một doanh nhân, một nhà tư bản, vì vậy cần coi đây là xuất phát điểm để đánh giá những chính sách của chính quyền mới.

Trước tiên là với Nhật Bản. Thủ tướng Abe đã là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới gặp ông Trump ngay sau cuộc bầu cử. Ông Trump từng cáo buộc Nhật Bản và Trung Quốc phá giá tiền tệ và “làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn”. Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ trong năm 2016 vào khoảng 60 tỷ USD.

Nhìn vào điều đó, ông Abe quả là người thông minh khi muốn xoa dịu ông Trump bằng cam kết cùng phát triển các chiến lược việc làm và tăng trưởng. Rõ ràng, những vấn đề then chốt ở đây như đầu tư, kinh tế, việc làm là những thứ mà ông Trump muốn từ đồng minh Nhật Bản.

Ngoài ra, cùng với kinh tế, an ninh là lĩnh vực chi phối quan hệ đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á. Tổng thống Trump ít kinh nghiệm về đối ngoại và an ninh nhưng sẽ phải tiếp thu các ý kiến cố vấn của người có nhiều kinh nghiệm, trong đó có tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

 Với Trung Quốc, vấn đề được nhìn ở tầng sâu hơn. Sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, dư luận chung cho rằng những chính sách của Washington dưới thời chính quyền Trump sẽ trở nên thực dụng và hiếu chiến hơn.

Khi vận động tranh cử, ông cũng đã nhiều lần đe dọa "áp thuế 45% đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc". Trong quá trình chuyển giao quyền lực, ông cũng đã tập hợp những nhân vật "diều hâu" chống Trung Quốc đưa vào những vị trí quan trọng trong êkíp ngoại thương.

Tuy nhiên, trước khi tính tới một kịch bản “cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc, Tổng thống Trump không thể bỏ qua các lợi ích Washington có được từ mối bang giao với Bắc Kinh. Trung Quốc đã trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho các sản phẩm của Mỹ.

Các mặt hàng mà Mỹ bán cho Trung Quốc cũng mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế địa phương hơn là so với chiều ngược lại. Một chiếc iPhone “made in China” có thể được bán với giá khoảng 750 USD tại Mỹ nhưng việc lắp ráp chủ yếu diễn ra ở Trung Quốc với giá nhân công là 8 USD/chiếc. Nếu tính toán về giá trị gia tăng trong nước chứ không phải là về tổng giá trị sản phẩm cuối cùng, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm 30%.

Hơn thế, Trung Quốc dường như cũng  sẵn sàng cho một "cuộc chiến thương mại" với Mỹ, với các biện pháp áp đặt thuế quan và hạn chế thương mại để sẵn sàng trả đũa nếu Washington "gây chiến". Bắc Kinh đã đề xuất cho phép tăng cường đầu tư nước ngoài vào một số khu vực cụ thể, song gần như chưa có dấu hiệu cho thấy những kiến nghị này sẽ được thực thi trong tương lai gần, và giới doanh nghiệp Mỹ nói rằng họ cảm thấy không được hoan nghênh tại Trung Quốc như trước đây.

Khi chiến tranh thương mại xảy ra, Trung Quốc sẽ giảm bớt việc nhập khẩu máy bay Boeing và nông sản của Mỹ, chuyển sang các đối tác châu Âu, Australia và Canada.

Cuộc điện đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung mới đây, cùng với cam kết tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” cho thấy chính quyền Trump xem ra đang có những chuyển động uyển chuyển hơn so với những gì ông Trump từng tuyên bố.

Nó thể hiện sự khôn ngoan với những tính toán kỹ lưỡng của nhà lãnh đạo tỷ phú. Giới phân tích đánh giá đây là “một tín hiệu tích cực, được ông Trump gửi đi đúng thời điểm nhằm xoa dịu Bắc Kinh”.

Tuy nhiên, còn quá sớm để cho rằng mối quan hệ Mỹ - Trung đã “tan băng”, bởi quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này còn tồn tại nhiều xung đột, mâu thuẫn phức tạp.

 Khi thực sự trở thành chủ nhân Nhà Trắng với trọng trách chèo lái con thuyền nước Mỹ, Tổng thống Trump buộc phải đối mặt với các vấn đề nan giải trong quan hệ quốc tế, với các mối quan hệ chồng chéo lợi ích, đòi hỏi không thể vội vã, hồ đồ. Làm sao để triển khai chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà vẫn hài hòa lợi ích với các đồng minh chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc?

Làm sao để gia tăng vị thế, ảnh hưởng ở châu Á Thái Bình dương, vừa duy trì mối quan hệ có lợi với Trung Quốc vừa kiềm chế được sự trỗi dậy của Bắc Kinh?

Đây là những bài toán đòi hỏi Tổng thống Donald Trump cùng ê kíp của mình dày công tìm lời giải. Với những động thái ban đầu như vừa qua, giới phân tích cho rằng dù đã có nhiều tuyên bố gây tranh cãi khi tranh cử và bị coi là thiếu kinh nghiệm chính trị, nhưng ông Trump sẽ có những bước đi khôn ngoan và chủ động trong đối ngoại.

Hồ Phương (TTXVN)
Kỹ thuật bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói lên điều gì?
Kỹ thuật bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói lên điều gì?

Với những cái bắt tay lôi và kéo, Tổng thống Mỹ Donald muốn gửi đi thông điệp gì tới người đối diện?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN