Nhìn lại 10 năm cuộc chiến Iraq

Hàng trăm tỷ USD đã được tung ra, gần 4.500 binh sĩ và khoảng 130.000 dân thường đã thiệt mạng - đó là những con số từ cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein với lý do "tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt". Mười năm đã trôi qua song bức tranh của quốc gia vùng Vịnh này vẫn bao phủ một gam màu xám, cả về chính trị, kinh tế, an ninh lẫn xã hội.


 

Các vụ đánh bom như thế này nổ ra như cơm bữa.

 

Sau mười năm, các loại vũ khí giết người hàng loạt chẳng thấy đâu mà chỉ thấy xung đột và bạo lực diễn ra triền miên. Iraq chưa bao giờ có được một nền an ninh trọn vẹn, dù là trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng hay sau khi Mỹ đã rút quân. Ngay cả khi chính phủ Iraq đã có được những phương tiện để thực thi chủ quyền thì các vụ khủng bố liên cộng đồng, liên giáo phái vẫn diễn ra hàng ngày, nhiều và đẫm máu tới mức có thể coi đó là cuộc nội chiến.


Chính quyền Irắc đã không thể bảo đảm được an ninh và không chấm dứt được sự tồn tại của các tổ chức khủng bố al-Qeada trên lãnh thổ của mình trong suốt những năm qua. Tại nhiều địa phương, nhất là thủ đô Baghdad, vẫn xảy ra các vụ đánh bom đẫm máu trong sự bất lực của giới chức an ninh. Vào cao điểm của tình trạng bạo lực năm 2006-2007, mỗi tháng có gần 3.000 người dân Irắc thiệt mạng trong các vụ đánh bom liều chết.


Trong khi đó, xung đột sắc tộc giữa ba cộng đồng người Shiite, người Sunni và người Kurd ngày càng trở nên sâu sắc. Nguyên nhân là do sau khi chế độ của ông Saddam Hussein bị lật đổ, cộng đồng người Sunni quyết không chấp nhận bị mất hết quyền lực vào tay cộng đồng người Shiite và người Kurd. Ngoài ra, trong khi việc thực thi hiến pháp mới vẫn còn bàn cãi, thậm chí nhiều người không chấp nhận nó, thì người Kurd đã tự ý lập ra chế độ liên bang ở phía bắc Iraq , cho phép cộng đồng này được nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn so với người Shiite và Sunni khiến mâu thuẫn giữa các cộng đồng ngày càng nghiêm trọng.


Một nguyên nhân khác khiến tình hình chính trị và an ninh ở Iraq liên tục bất ổn và mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc là sự phân bổ không đồng đều nguồn tài nguyên dầu lửa của quốc gia này. Phần lớn số tài nguyên này nằm ở phía bắc Iraq dưới sự cai quản của người Kurd, trong khi ở miền nam thuộc quyền cai quản của người Shiite, nên người Sunni hầu như không có gì. Vì thế, cộng đồng người Sunni luôn có cảm giác rằng họ đang bị chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki thuộc cộng đồng người Shiite, gạt ra ngoài lề các vấn đề của đất nước.


Cho dù người Sunni đã chấp nhận tham gia cuộc bầu cử vừa qua, song họ vẫn bất bình và không hài lòng với cách thức điều hành của người Shiite với sự "cầm tay chỉ việc” từ bên ngoài. Trong những tháng cuối năm 2012 và đầu 2013, các cuộc biểu tình của người Sunni bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước nhằm phản đối chính phủ của Thủ tướng Maliki. Một số bộ trưởng trong chính phủ đã từ chức để phản đối việc lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình. Trong khi đó, nhiều thành viên trong chính phủ chia sẻ quyền lực liên tục đòi Thủ tướng Maliki từ chức, chỉ trích ông thâu tóm quyền lực và thao túng lực lượng an ninh.


Trong khi đó, nền kinh tế của Irắc vẫn trong tình trạng kiệt quệ với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nạn tham nhũng ngày càng tồi tệ. Trong suốt 10 năm qua, thủ đô Baghdad hầu như không có tòa nhà dân sự nào được xây mới, mà thay vào đó các đồn bốt và trạm gác quân sự tiếp tục mọc lên.


Thực tế cho thấy một nền hòa bình và ổn định như những gì Washington cam kết mang lại cho Irắc khi khai hỏa cuộc chiến 10 năm về trước vẫn còn quá xa vời. Theo nhận định của tờ "Le Monde Diplomatique” (Pháp) thì cuộc chiến tại Irắc là một thất bại, không chỉ với phương Tây mà còn với chính lợi ích của người Irắc. Nó đã khiến hàng trăm nghìn người trở thành nạn nhân đã và đang đẩy quốc gia vùng Vịnh này vào bất ổn triền miên.

 

Thu Thùy

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN