Nhật Bản sẽ trả giá đắt nếu đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân

Theo nhật báo "Yomiuri", Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, năm nay, nước này sẽ phải tăng cường sản xuất thêm điện từ khí đốt, dầu và các loại nhiên liệu khác, với chi phí tăng thêm khoảng 2.400 tỷ yên. Chi phí tăng thêm này chủ yếu xuất phát từ việc sản lượng điện hạt nhân giảm trong bối cảnh nhiều nhà máy điện hạt nhân đã phải tạm ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ hoặc do các quan ngại khẩn cấp. Tuy nhiên, cái giá mà Nhật Bản phải trả sẽ lớn hơn rất nhiều nếu tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở nước này ngừng hoạt động vào cuối tài khóa này.

Phát biểu trong cuộc họp gần đây của hội đồng xây dựng chiến lược tăng trưởng mới, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda nói: “Các chi phí đang tăng sẽ dẫn tới việc làm tăng gánh nặng của người dân… Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự cảm thông của người dân đối với các nhà máy điện hạt nhân và chúng tôi muốn tái khởi động (các nhà máy điện hạt nhân đang tạm ngừng hoạt động) và sử dụng mọi phương tiện có thể để cung cấp điện”.
Nhật Bản có 54 lò phản ứng hạt nhân, với tổng công suất khoảng 49.110 MW. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, chỉ có 19 lò phản ứng đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 16.550 MW, chỉ bằng 1/3 công suất phát điện tối đa của nước này. Điều này đang đẩy Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu điện. Tình hình có thể nghiêm trọng hơn nếu tất cả các lò phản ứng ở Nhật Bản phải tạm ngừng hoạt động vào cuối tài khóa này do sự phản đối của chính quyền và người dân ở các địa phương nơi có các nhà máy điện hạt nhân. METI ước tính từ năm 2012, chi phí tăng thêm vào khoảng 3.000 tỷ yên/năm.

Nếu các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, điều này không chỉ dẫn tới việc chi phí sản xuất điện tăng mà còn khiến Nhật Bản không thể thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bộ trưởng Kaieda cho biết METI vẫn chưa tính toán lượng khí thải CO2 của Nhật Bản sẽ tăng thêm bao nhiêu nếu tất cả các nhà máy điện hạt nhân phải ngừng hoạt động và được thay thế bằng nhiệt điện.

Tuy nhiên, trong báo cáo công bố hôm 1/6, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cho biết nếu toàn bộ điện hạt nhân được thay thế bằng các loại nhiên liệu hóa thạch, lượng khí thải CO2 của Nhật Bản sẽ tăng thêm 7,5 triệu tấn/năm, tương đương với 6% tổng lượng khí thải của nước này mỗi năm.
Có 16 nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động để kiểm tra định kỳ khi động đất tàn phá vùng Đông Bắc Nhật Bản. Theo Bộ Môi trường, nếu các nhà máy này không thể hoạt động trở lại và được thay thế bằng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, lượng khí CO2 thải ra từ các nhà máy điện sẽ là 190 triệu tấn. Con số này cao hơn 15% so với tổng lượng khí thải CO2 từ các nhà máy điện ở Nhật Bản vào năm 1990.

Việc thay thế điện hạt nhân bằng các nguồn năng lượng khác sẽ là một thách thức đáng kể. Các vấn đề có thể phát sinh bao gồm nhập khẩu khí tự nhiên và dầu, tái khởi động các nhà máy nhiệt điện hiện đang không sử dụng và tăng số lượng các nhà máy nhiệt điện. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản ước tính Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Nhật Bản sẽ giảm 1,4% trong tài khóa 2011 cho dù tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy hết công suất. Nếu tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản ngừng hoạt động vào năm tới, GDP của nước này còn giảm thêm 2,2%.

Ông Tatsuo Kobayashi, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, kết luận: “Cuộc khủng hoảng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 đang có ảnh hưởng lớn hơn chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề năng lượng. Đây là một vấn đề trung và dài hạn đối với nền kinh tế này”.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN