Nhật Bản cân nhắc tạo lập các thủ đô "dự phòng"

Nhật Bản đang xem xét khả năng tạo lập một số thủ đô “dự phòng” để trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên tai, có thể khẩn cấp di chuyển chính phủ, quốc hội, và các cơ quan đầu não quan trọng khác tới “thủ đô dự bị”.

Tháp Tokyo Sky Tree- đang xây dựng ở trung tâm Tokyo. Ảnh: Internet

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Chính trị Basil Molovikov chuyên nghiên cứu về Nhật Bản, nêu ý kiến: “Những biện pháp phòng ngừa như vậy là hợp lý và chính đáng. Quả thật, ở đây chỉ nói về việc di chuyển các cơ cấu hành chính chức năng”.

Ông Basil Molovikov, người từng sống 16 năm ở Tôkyô và như một người dân thủ đô Nhật Bản thực thụ, cho rằng tạo lập một cơ sở hạ tầng tổ chức tốt như đang có ở Tôkyô là chuyện quá tốn kém và mất thời gian. Ông nhận định: “Trong đời sống nước Nhật tất cả đều gắn với Tôkyô, nơi mà mọi việc được tổ chức rất chuẩn, là nơi bố trí cả các cơ quan chính phủ cũng như trụ sở những tập đoàn công nghiệp lớn. Do đó, nếu có bất kỳ thay đổi nào trên bình diện này cũng sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn. Nhưng mặt trái là giả sử xảy ra trận động đất kèm với sóng thần ở Tôkyô, thì sẽ giáng đòn mạnh vào đầu não quản lý đất nước. Vì thế không cần phải di chuyển toàn bộ thủ đô, nhưng chuẩn bị địa điểm dự phòng cũng là có ý nghĩa. Tôi tin chắc rằng người Nhật sẽ có thể nhanh chóng thu xếp chuyện này, với trình độ công nghệ cao và cách làm việc cần mẫn của con người. Có lẽ, việc thực thi sẽ còn nhanh hơn so với quá trình thông qua quyết định này ở cấp cao nhất. Đắn đo cân nhắc là phải, bởi đây là quyết sách đòi hỏi đầu tư khổng lồ, trong khi nước Nhật hiện đang hết sức cần kinh phí tái thiết sau thiên tai. Đáng chú ý là trong nhóm các nghị sĩ đưa ra đề xuất lập thủ đô dự bị, có cả đại diện của đảng cầm quyền và của phái đối lập. Như thế có nghĩa đây là vấn đề rất nghiêm túc”.

Trong những năm gần đây, một số nhà khoa học và nghị sĩ Nga cũng nói ngày càng nhiều hơn về sự cần thiết phải di chuyển thủ đô Nga đi chỗ khác. Theo họ, thủ đô của Nga nên đặt ở Xibêri hay là vùng Viễn Đông. Thứ nhất, khu vực này liền kề với các trung tâm chính của kinh tế thế giới đương đại như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thứ hai, Mátxcơva hiện tại đã trở thành đô thị quá đông đúc, thành phố cần được giải thoát khỏi một số chức năng quá tải. Các danh lam di tích kiến trúc cổ thường rất khó “chung sống” với những trung tâm kinh doanh. Kinh doanh và kinh tế thị trường chắc chắn sẽ lấn át và chiếm chỗ của di tích, cho dù quý giá đến đâu chăng nữa.

Một trong những nhà tư tưởng của phương án di dời thủ đô Nga, nhà nghiên cứu chính trị và nhân khẩu học, ông Yuri Krupnov phân tích: “Thủ đô cần được đặt gần trọng điểm hoạt động kinh tế và dồi dào tiềm năng, dưới góc độ phát triển khu vực.

Trong dự án của chúng tôi, thủ đô mới cần được bố trí ở trung tâm vùng Amur. Thành phố sẽ được xây dựng trên cơ sở 3 đô thị hiện tại - đã tích hợp được thế chân vạc như vậy. Tại địa điểm này có những khả năng tuyệt diệu về cơ sở hạ tầng: Có tuyến đường sắt xuyên Xibêri, có xa lộ cao tốc liên bang, có địa bàn thích hợp để xây dựng các sân bay hiện đại và có nguồn năng lượng dự phòng dồi dào với các nhà máy thủy điện mạnh”.

Trong thời đại chúng ta, đã có điển hình di dời thủ đô cũng với lý do như thế. Đó là chuyện ở quốc gia láng giềng của Nga. Thủ đô cũ Alma - Ata của nước Cộng hòa Cadắcxtan bị vây kín bởi những ngọn núi xung quanh, và suốt những năm 1990, thành phố này hầu như không thể mở mang phát triển thêm. Ngoài ra, hệ sinh thái ở đây bị mất dần. Khi đó, chính quyền đã quyết định dời thủ đô đến khu vực thuận lợi hơn. Thủ đô mới Axtana nhanh chóng trở thành một đô thị kinh doanh hiện đại. Còn thủ đô cũ thì thăng hoa như là một trung tâm lịch sử và văn hóa sáng giá.

Còn một điển hình khác là năm 1955, Braxin đã di chuyển thủ đô từ Rio de Janeiro tới Braxilia, địa bàn hầu như không có người ở tại vùng trung tâm của đất nước. Đây là lựa chọn cố ý với nhãn quan đặc biệt mạnh dạn, nhằm để khu vực nằm cách xa hai đô thị lớn nhất của Braxin là Rio de Janeiro và Sao Paulo cũng có cơ hội phát triển. Bằng công sức lao động của 60.000 quân nhân, thủ đô mới Braxilia được xây dựng trong thời hạn kỷ lục, chỉ 3 năm.

Trở lại với Nhật Bản, cách đây vài năm, ý tưởng về di chuyển thủ đô khỏi Tôkyô từng được thảo luận trong nghị viện và chính phủ. Nhưng khi đó, dự án di dời tất cả công sở, Văn phòng Chính phủ và dinh thự Hoàng gia Nhật đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ trong xã hội. Còn giờ đây, người Nhật vẫn cần suy tính về dự án di chuyển thủ đô: Trong trường hợp xảy ra thảm họa, yêu cầu thiết yếu hàng đầu của quốc gia là bảo tồn bộ máy thực hiện chức năng quản lý đất nước.

TKT (Theo Đài tiếng nói nước Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN