Nguyên nhân sâu xa và những tác động khi Trung Quốc rơi vào giảm phát

Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã rơi vào ngưỡng giảm phát trong tháng 7, khi tình trạng bất ổn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào một giai đoạn mới với những rủi ro tiềm ẩn.

Chú thích ảnh
Giá cả nêm yết tại một cửa hàng hoa quả trong khu chợ ở Bắc Kinh ngày 9/8/2023. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo tờ Wall Street Journal, dữ liệu được công bố hôm 9/8 đã làm nặng nề thêm bức tranh kinh tế cho Trung Quốc, nơi mà sự phục hồi đang mất đà vì một loạt vấn đề: Sự sụt giảm xuất khẩu đang gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục và thị trường nhà đất bị sa lầy trong một cuộc suy thoái kéo dài.

Giảm phát - đi ngược xu hướng

Giờ đây, Trung Quốc đang phải hứng chịu một đợt giảm giá bất thường đối với nhiều loại hàng hóa, từ các mặt hàng như thép và than đá đến các nhu yếu phẩm hàng ngày và các sản phẩm tiêu dùng như rau và đồ gia dụng. Xu hướng đó trái ngược với những gì xảy ra ở hầu hết các nơi còn lại trên thế giới khi các hạn chế do dịch Covid-19 được nới lỏng, thậm chí nhiều quốc gia vẫn đang cố gắng chế ngự lạm phát.

Giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm 0,3% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Tuy nhiên, điều này có thể là tạm thời. Nếu không tính đến giá lương thực và năng lượng dễ biến động, cái gọi là lạm phát cơ bản đã tăng lên 0,8% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 1, từ mức 0,4% trong tháng 6.

Điều nguy hiểm là nếu kỳ vọng giá giảm trở nên cố hữu, nó có thể làm giảm nhu cầu, làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ và thậm chí khóa nền kinh tế vào một cái bẫy khó thoát ra bằng các biện pháp kích thích mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thường áp dụng.

Giảm phát đặc biệt rủi ro đối với các quốc gia có gánh nặng nợ cao như Trung Quốc, vì nó sẽ làm tăng chi phí trả nợ cho người đi vay và có khả năng khiến họ chi tiêu và đầu tư ít hơn.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng nợ của Trung Quốc đã đạt gần gấp ba lần tổng sản phẩm quốc nội của nước này vào năm 2022, cao hơn cả ở Mỹ.

Eswar Prasad, một nhà kinh tế của Đại học Cornell, người từng đứng đầu bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết: “Thực tế có vẻ ngày càng nghiệt ngã. Cách tiếp cận của chính phủ trong việc hạ thấp rủi ro giảm phát và tăng trưởng bị đình trệ có thể phản tác dụng và khiến việc kéo nền kinh tế ra khỏi vòng xoáy đi xuống thậm chí còn khó khăn hơn”.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nói rằng họ lạc quan về việc giá cả giảm, bác bỏ những ý kiến ​​cho rằng giảm phát sẽ duy trì. Dong Lijuan, chuyên gia tại Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hôm 9/8 cho biết giá tiêu dùng có thể sẽ tăng dần vào cuối năm nay khi hiệu ứng cơ sở cao bắt đầu giảm dần.

Chú thích ảnh
Giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đang giảm tại Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ảnh hưởng trong nước và thế giới

Tình trạng khó khăn của Trung Quốc trái ngược với tình trạng khó khăn của Mỹ và các nước phương Tây khác, nơi lạm phát tăng vọt đã khiến các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Ngân hàng Dự trữ Liên bang, tăng lãi suất trong nỗ lực hạ nhiệt tăng trưởng mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng 3% trong tháng 6 so với một năm trước đó, tốc độ tăng chậm nhất trong hơn hai năm, trong khi lạm phát hàng năm ở Liên minh châu Âu ở mức 6,4%, giảm từ mức 7,1% trong tháng 5.

Giá giảm ở Trung Quốc có thể giúp giảm bớt áp lực lạm phát ở những nơi khác trên toàn cầu, do hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn. Nhưng tình trạng đó cũng gây rủi ro: tràn ngập hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất có thể gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và dẫn đến mất việc làm ở các nước phát triển.

Đối với Trung Quốc, việc không có lạm phát phản ánh sự mất cân bằng trong nền kinh tế vốn đặc trưng bởi nguồn cung dồi dào và nhu cầu trong nước không hoạt động, mà các nhà kinh tế cho rằng một phần là kết quả của việc Bắc Kinh hỗ trợ an sinh xã hội ít ỏi cho các hộ gia đình.

Wang Lei, 40 tuổi, làm việc tại một công ty trò chơi điện tử ở Bắc Kinh, cho biết tổng chi tiêu của vợ chồng anh đã giảm so với năm ngoái. Chứng kiến ​​đồng nghiệp và bạn bè bị sa thải khiến Lei hoảng sợ và kiềm chế mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Anh nói: “Tốt hơn là nên tiết kiệm nhiều hơn và thận trọng ngay từ bây giờ. Triển vọng kinh tế là không chắc chắn.”

Những nguyên nhân

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm nay, nhưng các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ đã không đưa ra bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn hơn nào, một phần là do những hạn chế như mức nợ tăng cao.

Kết quả lạm phát tiêu dùng âm trong tháng 7 chủ yếu do giá lương thực giảm so với một năm trước đó, thời điểm giá lương thực bị đẩy lên bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Giá thịt lợn, một mặt hàng chủ lực trên bàn ăn của người Trung Quốc, đã giảm 26% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Giá rau cũng giảm trong tháng trước.

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cho biết lạm phát tiêu dùng sẽ không tăng nhiều trong năm nay. Lý do là niềm tin của người tiêu dùng, khi các hộ gia đình tiếp tục cảm thấy tác động kéo dài của ba năm bất ổn do dịch Covid, các quy định dễ thay đổi và mối lo ngại không ngừng về "sức khỏe" của thị trường bất động sản. Lĩnh vực bất động sản, một trong những động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, đang ở trong tình cảnh khó khăn trầm trọng, với những lo ngại mới xuất hiện trong tuần này liên quan đến một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc.

Sự suy thoái mới trong thị trường nhà ở đã hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng Trung Quốc, vì nhiều hộ gia đình coi căn hộ chung cư là nơi cất giữ tài sản chính và rất nhạy cảm với sự biến động của giá nhà, theo bà Wei Yao, giám đốc điều hành Société Générale.

Ngay cả khi giá tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, các chủ nhà máy và nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể sẽ phải vật lộn với quyền định giá trong một thời gian, dẫn đến xói mòn tỷ suất lợi nhuận và ảnh hưởng đến mong muốn mở rộng sản xuất hoặc thuê thêm công nhân của họ.

Trong đại dịch, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã tăng cường sản xuất để đáp ứng lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài tăng vọt. Giờ đây, khi nhu cầu ở phương Tây giảm dần, các nhà sản xuất ô tô, hàng tiêu dùng và các sản phẩm khác đang phải gánh hàng tồn kho dư thừa, buộc nhiều đơn vị phải giảm giá để giảm lượng hàng dự trữ.

Một nhà sản xuất robot hút bụi có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến đang tìm cách bán ra nhiều hơn ở nước ngoài, một phần vì các đối thủ trong nước đang đưa ra các lựa chọn rẻ hơn và sự phục hồi chậm chạp của nhu cầu tiêu dùng đã làm xói mòn doanh số bán hàng ở trong nước.

Thách thức hoạch định chính sách

Thách thức cuối cùng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là làm thế nào để ngăn chặn vòng xoáy trong đó giá cả giảm dẫn đến sản xuất giảm, lương thấp hơn và nhu cầu bị kìm hãm.

Các nhà kinh tế kỳ vọng Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ hạ lãi suất hơn nữa trong những tháng tới, mặc dù nhiều người hoài nghi liệu chỉ những động thái như vậy có thể xua tan áp lực giảm phát.

Đó là do niềm tin của các doanh nghiệp và hộ gia đình phục hồi chậm, khiến họ không muốn đầu tư và chi tiêu nhiều hơn. Ông Arthur Budaghyan, chiến lược gia trưởng về thị trường mới nổi tại BCA Research, cho rằng một môi trường như vậy khiến các biện pháp kích thích vừa phải hầu như không hiệu quả.

Ông Budaghyan nói: “Chính phủ Trung Quốc phải làm một điều gì đó rất lớn để đối phó với giảm phát. Tôi không nghĩ họ đã làm đủ.”

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Wall Street Journal)
Mỹ giảm mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tìm đối tác thay thế
Mỹ giảm mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tìm đối tác thay thế

Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất của Mỹ trong hơn một thập kỷ, song điều này đã thay đổi. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN