Nguyên nhân Pháp thay đổi chiến lược tại Libi

Bốn tháng sau khi nổ ra cuộc chiến Libi, Pháp đã bắt đầu xuống thang. Từ đòi hỏi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi “phải ra đi ngay và vô điều kiện”, nay Pháp khích lệ các bên Libi “nói chuyện với nhau”. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thương lượng. Ông cho biết sẽ ngừng không kích khi các bên Libi bắt đầu đàm phán để chứng tỏ không có giải pháp vũ lực.

Cảnh tàn phá ở Misurata( Libi), ngày 12/7 sau các cuộc giao tranh. THX/TTXVN


Như vậy, theo nhà phân tích M.A. Boumendil của tờ Liberté (Angiêri), Pháp đã mở đường cho việc thương lượng. Sự ra đi của ông Kadhafi không còn là một điều kiện tiên quyết để chấm dứt sự can thiệp nữa vì Kadhafi có thể “ngồi ở một phòng khác trong dinh của ông ta”, song “với một chức danh khác” và điều kiện để liên quân chấm dứt can thiệp là đối thoại giữa Tripôli và Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) đối lập.

Là một nhân tố chính trong cuộc khủng hoảng Libi, Pháp dường như đang thay đổi chiến lược cho phù hợp với lợi ích của mình hơn. Vậy cái gì đã khiến Pháp - nước đi đầu trong cuộc chiến ở Libi - phải xem xét lại chính sách của mình đối với cuộc khủng hoảng ở nước này?

Bình luận trên tờ Liberté, ông Boumendil nhận xét tình hình chính trị bế tắc, tình hình chiến sự trên chiến trường không tiến triển là dấu hiệu của sự sa lầy. Quân nổi dậy không có khả năng giành chiến thắng. Nhà lãnh đạo Kadhafi không những không bị tiêu diệt mà còn tiếp tục giễu cợt NATO và ngăn phe nổi dậy giành chiến thắng lớn dù được liên quân hỗ trợ. Các thủ lĩnh bộ lạc được kỳ vọng sẽ bỏ rơi ông Kadhafi cho đến nay vẫn không làm gì hơn vì kết cục không chắc chắn của cuộc chiến khiến họ không mạo hiểm đưa ra quyết định kéo theo hậu quả nghiêm trọng. Thêm vào đó là lập trường không đồng nhất của các nước tham gia chiến dịch. Đức phản đối không kích. Italia tham gia không kích song máy bay nước này chưa ném quả bom nào. Một số nước khác dự kiến rút khỏi cuộc chiến. Bị đồng minh phê phán, Pháp đã phải ngừng cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. Anh trở mặt. Mỹ rút khỏi cuộc chiến. Kế hoạch lật đổ nhà lãnh đạo Kadhafi tỏ ra không chắc chắn.

Với tỉ lệ gần 500 phiếu thuận, 27 phiếu chống, Hạ viện Pháp ngày 12/7 đã thông qua việc nước này tiếp tục chiến dịch can thiệp quân sự tại Libi. Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, với tỉ lệ 311 phiếu thuận, 24 phiếu chống, Thượng viện Pháp cũng đã thông qua biện pháp trên. Phản ứng về vấn đề này, một phát ngôn viên của chính phủ Libi cho biết Tripôli lấy “làm tiếc” về kết quả bỏ phiếu, nói rằng Libi hy vọng các nghị sĩ Pháp có thể kiểm tra tình hình thực tiễn mà không nghe những lời “dối trá” của chính phủ và các phương tiện truyền thông Pháp.

Một lý do khác có thể là Pháp không muốn mất vai trò chủ động của người cầm trịch. Bộ trưởng Quốc phòng Gerard Longuet dọa sẽ ngừng mọi hỗ trợ đối với NTC sau khi biết tổ chức này thương lượng trực tiếp với chính phủ Libi ở Cairô.

Con trai ông Kadhafi, Seif El Islam, khẳng định trên tờ El Khabar tiếng Arập của Angiêri rằng thương lượng diễn ra trực tiếp giữa chính phủ Libi và Pháp, chứ không phải với phe nổi dậy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero tuy bác bỏ ý kiến nói có thương lượng trực tiếp, song thừa nhận có tiếp xúc với phái viên của Kadhafi. Ông Larbi Chaabouni khẳng định trên tờ Horizons (Angiêri) rằng cơ sở cho đối thoại “đã được thiết lập”.

Cơ may cho một giải pháp chính trị càng rõ ràng và chắc chắn hơn khi Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé tuyên bố ủng hộ giải pháp chính trị. Khi thảo luận với Erastus Mwencha, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Phi, và Ramtane Lamamra, Ủy viên Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU), trong chuyến thăm thủ đô Ađi Abêba (Êtiôpia), ông Juppé nói rằng sự ra đi của nhà lãnh đạo Kadhafi là “yếu tố bản lề” của giải pháp chính trị, kết hợp với “đối thoại dân tộc giữa tất cả các bên” và “ngừng bắn”. Việc Pháp xích lại gần hơn với quan điểm của AU là cơ sở cho tổ chức này tiếp tục thực hiện vai trò của mình trong việc chấm dứt khủng hoảng.

Không kể trang thiết bị, cuộc chiến ở Libi đã ngốn của Pháp khoảng 27 triệu euro về tiền lương và gần 70 triệu euro về đạn dược - tổng cộng gần 100 triệu euro, chiếm 15% ngân sách hàng năm dành cho các chiến dịch ở nước ngoài.

Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN