Nguy cơ Pháp làm đảo lộn chiến lược của NATO ở Ápganixtan

Ngày 30/1, các chuyên gia cho rằng, quyết định rút quân của Pháp khỏi Ápganixtan sớm hơn một năm so với kế hoạch đã giáng một đòn xuống cuộc chiến tranh do Mỹ cầm đầu, và có nguy cơ dẫn đến một "cuộc đào tẩu vội vã" của các thành viên khác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Lính Pháp trên đường tới căn cứ quân sự ở Tora, tỉnh Surobi của Apganixtan, ngày 31/12/2011. AFP/TTXVN


Damon Wilson, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Đại Tây Dương (AC), đồng thời là cựu quan chức Nhà Trắng, nhận định rằng, tuyên bố đầy bất ngờ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy về việc rút quân đội Pháp khỏi Ápganixtan vào năm 2013 "làm ảnh hưởng tới chiến lược đã được lên kế hoạch một cách tỉ mỉ và chặt chẽ của NATO về quá trình chuyển giao quyền lực tại Ápganixtan trong năm 2014".

Trao đổi với các phóng viên, ông Wilson nói rằng, trong cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng sẽ diễn ra tuần này tại Brúcxen (Bỉ), Mỹ sẽ nỗ lực "khống chế thiệt hại" nhằm đạt được sự đồng thuận của các đồng minh về lịch trình của kế hoạch rút quân. Phát biểu trong một sự kiện do viện nghiên cứu chính sách của AC tổ chức, ông nói: "Mỹ sẽ kêu gọi nhiều bộ trưởng quốc phòng tiến hành họp báo để nhắc lại cam kết của họ đối với chiến lược của NATO" cho kế hoạch rút quân vào năm 2014.

Vài ngày sau khi 4 lính Pháp bị một binh sĩ nổi loạn Ápganixtan giết chết, Tổng thống Sarkozy tuyên bố Pháp sẽ rút quân vào năm 2013 và kêu gọi các nước thành viên NATO khác lên kế hoạch rút quân sớm hơn dự tính.

Ian Brzezinski, cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống George W. Bush, bình luận quyết định đột ngột của Tổng thống Sarkozy là động thái đơn phương "gây sốc", và đặt ra "thách thức thực sự đối với vai trò lãnh đạo của NATO cũng như của Tổng thống Mỹ Barack Obama".

Các nhà phân tích và các cựu quan chức cho rằng, quyết định đẩy nhanh kế hoạch rút quân đội Pháp khỏi Ápganixtan mà không cần đến sự đồng thuận của NATO được xem là "sự phản bội" đối với Oasinhtơn và Luân Đôn đồng thời sẽ hủy hoại uy tín của Pari trong khối NATO.

Jeffrey Lightfoot, Phó Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của AC cho rằng, đối với phong trào nổi dậy của lực lượng Taliban, sự rút lui sớm của Pháp là "một thắng lợi đáng kể mang tính tuyên truyền", có thể "khuyến khích" các thành viên châu Âu khác hủy hoại "mối liên minh chính trị mong manh" trong NATO.

Nhật báo Phố Wall (Mỹ) đã khắc họa hình ảnh ông Sarkozy là một người hành động vì lợi ích chính trị quốc gia, nhưng lưu ý rằng chính chính quyền của Tổng thống Obama đã "mở cánh cửa" cho việc rút quân ồ ạt bằng việc đề ra thời hạn chót vào năm 2014. Trong một bài xã luận, nhật báo này viết: "Sẽ không công bằng nếu đổ trách nhiệm quá nhiều cho ông Sarkozy. Ông ấy chỉ là người cố đi trước một bước trong cuộc rút quân ồ ạt sắp tới". Tờ báo còn nói thêm: "Chắc chắn sắp đến lúc Tổng thống Obama công bố lịch trình và thời gian cụ thể của kế hoạch rút quân. Taliban sẽ chờ đợi thời cơ để tiến hành nổi dậy, trong khi các đồng minh khác của NATO cũng không còn lí do gì để ở lại".

Trao đổi với phóng viên AFP, Michael O'Hanlon, thuộc Viện Brookings, cho rằng tốc độ của kế hoạch giảm dần số lượng binh lính Pháp tại Ápganixtan sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới phản ứng của các đồng minh khác trong NATO. Ông nói: "Điều tôi quan tâm là tốc độ rút quân của Pháp trong năm 2013, một năm đặc biệt quan trọng. Nếu hầu hết các lực lượng hiện tại tiếp tục đồn trú tại Ápganixtan đến hết năm 2013 thì đó sẽ không trở thành vấn đề lớn". Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng nếu số lính Pháp rút khỏi Ápganixtan trong năm tới lên đến 3.600 người thì kế hoạch giảm số lượng quân của NATO sẽ trở nên rõ ràng hơn.

TTK (Theo AFP)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN