Nguy cơ lây lan cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu

Theo tờ “Thời báo Tài chính” (Anh), cái từ “lây lan” đã được các nhà đầu tư ở châu Âu nhắc đến nhiều trong tuần qua. Hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư Eurozone là Italia và Tây Ban Nha đã bị đẩy trở lại cuộc khủng hoảng nợ công. Sự lo lắng của người dân, các cuộc biểu tình, uy tín tài chính bị giáng cấp và nỗi lo nợ tiềm ẩn của Tây Ban Nha đã kết hợp với nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp đang đẩy cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đến điểm quyết định mới.

Neil Williams, nhà kinh tế trưởng của quỹ đầu tư Hermes của Anh nói: “Tình hình ngày càng giống trò chơi đôminô. Năm ngoái còn là câu hỏi có hay không. Bây giờ là câu hỏi khi nào”.

Kể từ đầu năm nay, ba cái tên Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha xuất hiện dày đặc trên các trang báo. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Italia dường như vẫn chưa bị rơi vào nhóm được gọi bằng cái tên “ngoại vi” - chỉ các nền kinh tế thuộc Eurozone đang gặp khủng hoảng nợ và buộc phải nhận cứu trợ. Tuy nhiên, nỗi lo canh cánh rằng cuộc khủng hoảng sẽ lây lan từ ba nước nói trên ra toàn bộ khu vực đã trỗi dậy. Lãi suất trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha và Italia tăng lên, trong khi chứng khoán và đồng euro mất giá.

Đối với nhiều nhà đầu tư và chiến lược gia, sự biến động giá này khẳng định khó khăn của đồng euro mang tính hệ thống, thay vì một vấn đề cụ thể của một quốc gia. John Wraith, nhà phân tích chiến lược tại Merrill Lynch, chi nhánh của ngân hàng Bank of America, nói: “Một sự thật không dễ chịu là, phản ánh trên thị trường cho thấy cơ cấu hiện tại của Eurozone có thể không hợp lý về lâu dài, và đó là lý do tại sao cuộc khủng hoảng tiếp tục trầm trọng”.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu sự lo lắng về nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng đồng euro có cơ sở hay không?

Những người lạc quan và bi quan đều đồng ý rằng, Italia và Tây Ban Nha khác với Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen, một phần vì có quy mô lớn, phần khác do bản chất của vấn đề họ phải đối mặt. Xét thị trường vay nợ (trái phiếu chính phủ), các nước này càng khó để giới đầu tư có thể làm ngơ. Italia chiếm thị phần vay nợ lớn nhất châu Âu và chiếm tới 24% chỉ số iBoxx - một chỉ số trái phiếu chính phủ châu Âu rất phổ biến cho các nhà đầu tư. Tây Ban Nha chiếm 10%, trong khi Bồ Đào Nha và Ailen cộng lại chỉ chiếm 3,5%, còn Hy Lạp thậm chí không còn trong danh sách. Elisabeth Afseth, chiến lược gia tại công ty Evolution Securities, nói: “Còn lâu mới đến lúc các nhà đầu tư ngừng mua trái phiếu Tây Ban Nha và Italia như họ đã làm với Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha”.

Ngoài ra, thị trường hiện nay ít hoảng loạn hơn nhiều so với thời điểm khủng hoảng của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen. Lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha đã tăng 0,4% kể từ tháng 2/2011, nhưng vẫn nằm trong dải 5,1 - 5,5% kể từ tháng 10/2010. Lãi suất trái phiếu của Italia cũng tăng lên nhưng vẫn ở dưới mức cao kỷ lục thời kỳ khủng hoảng.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo sợ cuộc khủng hoảng đang ngày càng khó kiểm soát hơn. Một số cho rằng cuộc tranh cãi bất tận giữa các chính trị gia và ngân hàng trung ương về việc có thể Hy Lạp sẽ phải tái cơ cấu nợ, nói cách khác là vỡ nợ, đang làm gia tăng nguy cơ cuộc khủng hoảng lây lan. Hôm đầu tuần, Moody's đã nhấn mạnh đến những rủi ro này, với lời cảnh báo nếu Hy Lạp vỡ nợ có thể châm ngòi cho khủng hoảng lan rộng trong khu vực, dẫn đến một loạt quốc gia khác, cũng như các ngân hàng và công ty ở châu Âu bị đánh tụt hạng tín dụng.

Chuyên gia Williams nhấn mạnh thêm tới các vấn đề chính trị. Trong năm nay sẽ diễn ra vận động tranh cử hoặc bầu cử ở 7 nước thành viên Eurozone. Ông nói: “Trong bối cảnh đó sẽ càng khó để thuyết phục thông qua các biện pháp khắc khổ; và càng dễ để chính quyền mới đổ lỗi tất cả cho người tiền nhiệm và tái cơ cấu nợ”.


Chuyên gia Nicholas Spiro của Công ty Spiro Sovereign Strategy thì nói về tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ ở Tây Ban Nha đã lên gần 50%, cũng như vấn đề bội chi ngân sách trong khu vực: “Tây Ban Nha đang đứng trước ngã tư. Sự thật nó không phải là Tây Ban Nha cách đây 1 năm. Họ đã tiến hành nhiều cải cách, nhưng thực hiện vẫn chưa được là mấy”.

Trong khi đó, Italia từ lâu đã xử lý vấn đề nợ công cao và tăng trưởng kinh tế thấp. Tuy nhiên, điều khiến mọi người lo lắng là, cũng như thời điểm sau sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman, Italia có thể gặp rắc rối vì đống nợ khổng lồ của mình. Khi đó các nước như Pháp và Bỉ có thể bị liên lụy, bởi chúng có sự tương đồng với Italia. Ông Spiro nói: “Trong bối cảnh hiện nay, nợ quá nhiều và tăng trưởng kinh tế chậm là một vấn đề đáng lo ngại”.

Hiện tại, một cuộc “đại dịch” khủng hoảng nợ ở châu Âu vẫn còn xa. Tuy nhiên, chuyên gia Reid vẫn lo lắng về bản chất của thị trường và hiện tượng lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha tiếp tục tăng bất chấp những thông tin tích cực. “Nó cho thấy các nhà đầu tư lo lắng ngay cả khi mọi thứ đều tốt. Thị trường thường thổi phồng hiện tượng và phản ứng quá độ”, ông nói.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Luân Đôn)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN