Ngoại trưởng Mỹ Tillerson làm được gì khi tới Nga giữa căng thẳng Syria?

Những bất đồng và chỉ trích gay gắt lẫn nhau giữa Nga và Mỹ liên tiếp trong vài ngày qua, liên quan tới vấn đề Syria, đang thực sự phủ bóng đen lên chuyến thăm chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Moskva trong hai ngày 11-12/4.

Chuyến công du này từng được kỳ vọng sẽ đặt viên gạch đầu tiên trong tiến trình giúp "cài đặt lại" quan hệ song phương giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơ hội Nga và Mỹ có thể tạo dựng được lòng tin và cải thiện được mối quan hệ mà dưới thời Tổng thống Barack Obama đã bị đẩy xuống mức xấu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G20 ở Bonn (Đức) ngày 16/2. Ảnh: EPA/TTXVN

Chuyến thăm của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tới Nga đã được hai bên chuẩn bị kỹ lưỡng trong bối cảnh những tín hiệu tích cực mà ông chủ Nhà Trắng Donald Trump phát đi trong suốt chiến dịch tranh cử, với cam kết sẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, cũng như thái độ sẵn sàng của Tổng thống Nga Vladimir Putin thiết lập đối thoại với ban lãnh đạo mới của Mỹ, đã tạo ra hy vọng mối quan hệ giữa Moskva - Washington sẽ bước sang trang mới.

Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức cuối tháng 1/2017, cả hai bên đều đã có những nỗ lực nhất định nhằm thiết lập các kênh đối thoại ở nhiều cấp để có thể tiến hành cuộc gặp cấp cao sớm nhất có thể, từ đó tìm giải pháp hữu hiệu "phá băng" trong quan hệ hai nước và tăng cường phối hợp giải quyết các vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng.

Bởi vậy, theo kế hoạch ban đầu, một chương trình nghị sự dày đặc đã được chuẩn bị công phu chờ đón Ngoại trưởng Mỹ đến Moskva để thảo luận, từ khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga do phương Tây áp đặt, đến tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết xung đột Ukraine, Syria..., cũng như việc kiểm soát vũ khí. Thậm chí, Tổng thống Putin còn khẳng định sẽ tiếp ông Tillerson để thảo luận các biện pháp hợp tác chống khủng bố quốc tế.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực dường như đang trở nên "xôi hỏng bỏng không" sau vụ Mỹ sử dụng tên lửa oanh kích quân đội Syria hôm 7/4, hành động mà Tổng thống Nga Putin thẳng thừng tuyên bố là "xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế", trong khi Washington thì khăng khăng cáo buộc Nga "bao che" cho Chính quyền Tổng thống Bashar Assad trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hôm 4/4 tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, khiến 87 thường dân thiệt mạng.

Bản thân Ngoại trưởng Tillerson cũng đã dùng những lời lẽ cứng rắn, thậm chí là "hăm dọa" nhằm vào Nga, cho rằng Moskva không thực hiện thỏa thuận năm 2013 về việc phá hủy vũ khí hóa học tại Syria..., cảnh báo Nga sẽ đối mặt với khả năng quan hệ với Washington ngày càng xấu đi cùng những lệnh trừng phạt bổ sung nếu không chấm dứt hỗ trợ chính quyền Syria.

Không chỉ dừng lại ở "lời qua tiếng lại", hành động quyết liệt của 2 bên đang dựng những bức tường rào ngăn cách quan hệ Nga-Mỹ và tạo ra những nguy cơ mới. Một "đường dây nóng" giữa bộ Quốc phòng hai nước tại Syria, vốn là kênh liên lạc hữu hiệu để ngăn chặn các vụ va chạm và những sự cố đáng tiếc giữa máy bay hai nước tham gia các chiến dịch chống khủng bố tại Syria, đã bị hủy bỏ.

Tổng thống Nga Putin cũng thay đổi ý định tiếp ông Tillerson, khiến cơ hội để Nga và Mỹ có thể trực tiếp trao đổi hiểu rõ nhau hơn trở nên khó khăn. Trong bối cảnh đó, khó có thể kỳ vọng chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ lần này sẽ tạo được bước đột phá giúp "hồi sinh" quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích ở Ain Tarma thuộc khu vực Đông Ghouta ngày 27/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể thấy việc Mỹ bất ngờ tấn công quân đội Syria là một đòn mạnh đánh vào lòng tin của Moskva đối với chính quyền mới ở Mỹ. Từ hy vọng cải thiện quan hệ với Washington, Moskva bị rơi vào tình trạng bối rối và đầy thất vọng trước chính sách tỏ ra "tiền hậu bất nhất" của chính quyền Tổng thống Trump.

Thậm chí, nếu tình hình tiếp tục leo thang, không thể loại trừ nguy cơ của một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ, trước hết là tại Syria, nhất là khi kênh liên lạc quân sự duy nhất được thiết lập để xác định cơ chế phối hợp hành động và tránh đụng độ giữa lực lượng 2 nước tác chiến ở quốc gia Trung Đông này, đã bị cắt đứt.

Bất chấp phản ứng gay gắt của Nga, Nhà Trắng cảnh báo vẫn sẽ tiếp tục các vụ tấn công tương tự nhằm vào lực lượng chính phủ Syria. Khi đó, quân đội Nga và những tổ hợp phòng thủ tên lửa rất mạnh của Nga đang hiện diện tại Syria nhằm hỗ trợ chính quyền Damascus chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, có khả năng đáp trả.

Rõ ràng hy vọng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ trong cuộc gặp cấp ngoại trưởng lần này ở Moskva đã "tan thành mây khói" bởi hai bên đang mất lòng tin vào nhau, nhất là đối với Moskva, Washington có vẻ đang trở thành đối tác "nguy hiểm và phức tạp".

Hai ngoại trưởng cũng khó có thể tìm được tiếng nói chung trong những chủ đề nóng như Syria hay Ukraine. Hoạt động phối hợp chống chủ nghĩa khủng bố hay giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ chẳng còn là chủ đề ưu tiên thảo luận trong cuộc gặp giữa ông Tillerson và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Tuy nhiên, việc chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Nga vẫn được tiến hành đúng kế hoạch, bất chấp những mâu thuẫn và căng thẳng leo thang, cũng cho thấy cánh cửa đối thoại giữa Moskva và Washington chưa hoàn toàn đóng lại.

Dương Trí (P/v TTXVN tại Nga)
Trút Tomahawk vào Syria, Mỹ 'dằn mặt' cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc
Trút Tomahawk vào Syria, Mỹ 'dằn mặt' cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc

Vài giờ sau khi bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria, Nhà Trắng nhanh chóng tuyên bố đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ cho toàn thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN