Ngân sách Mỹ có gánh nổi 54 tỷ USD chi tiêu quốc phòng theo ý ông Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng một khoản ngân sách khổng lồ để củng cố sức mạnh quân sự Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại tăng chi tiêu quốc phòng sẽ khiến ngân sách của Mỹ gặp khó khăn.

Hải quân Mỹ tại Kandahar, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Cam kết tăng mạnh ngân sách quốc phòng

Ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cam kết sẽ tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Phát biểu trong buổi tiếp thống đốc các bang tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ khoản tăng ngân sách quốc phòng này là một trong những bước đi hiện thực hóa cam kết của ông về đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ. Cam kết này bao gồm chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ tăng mạnh.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump có kế hoạch dành thêm 54 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, tương đương mức tăng 10%.

Cam kết trên của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo này tuyên bố sẽ yêu cầu chi ngân sách khổng lồ cho "một trong những động thái tăng cường quân sự lớn nhất lịch sử nước Mỹ".

Theo vị chủ nhân Nhà Trắng, ông sẽ hướng tới việc củng cố năng lực phòng thủ và tấn công của quân đội Mỹ, với một đề xuất chi tiêu sẽ khiến cho nền quốc phòng của nước này trở nên "lớn hơn, tốt hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng "đó sẽ là sự tăng cường quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Theo Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng, kế hoạch chi tiết về tăng ngân sách quốc phòng sẽ được công bố vào giữa tháng 3 tới và được đưa ra xem xét tại Quốc hội Mỹ.

Không dễ dàng

Cam kết tăng mạnh ngân sách quốc phòng của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh nhiều quan chức quốc phòng Mỹ thời gian vừa qua không ngớt than phiền về sự thiếu hụt cả về mặt nhân lực và thiết bị, đồng thời cho rằng sự thiếu hụt đó đã gây ra mối đe dọa đối với tinh thần của các binh sĩ Mỹ.

Trên thực tế, hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump đã ký sắc lệnh tái thiết quân đội, khởi động quá trình mà ông đánh giá là "tái thiết vĩ đại" các lực lượng vũ trang. Theo sắc lệnh này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ được cấp ngân sách để mua sắm các máy bay, tàu hải quân mới và các nguồn lực khác.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã cam kết nếu trở thành tổng thống, ông sẽ xây dựng một lực lượng quân đội hùng mạnh đồng thời tăng cường ngân sách quốc phòng của nước Mỹ.

Cụ thể, khi đó ông Trump từng đề xuất tăng cường sức mạnh quân sự trên quy mô lớn, bao gồm việc tăng quân với lực lượng lục quân thường trực khoảng 540.000 binh sĩ, lực lượng không quân có ít nhất 1.200 máy bay chiến đấu, tăng số lượng tàu chiến của hải quân Mỹ từ 274 tàu lên 350 tàu.

Trong thời gian gần đây, Tổng thống Trump cũng nhắc lại ý định tăng cường nhân lực cho quân đội Mỹ và mở rộng các phi đội máy bay và hạm đội tàu chiến.

Xe quân sự Mỹ được vận chuyển tới Bremerhaven, miền bắc Đức ngày 7/1. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Mỹ vẫn có lực lượng quân sự mạnh mẽ và tốn kém nhất thế giới. Hiện nay, quân đội Mỹ có khoảng 1,3 triệu binh sĩ, đồng thời duy trì gần 1.000 căn cứ quân sự trên toàn thế giới với ngân sách quốc phòng hàng năm lên tới hơn 600 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ cam kết sẽ cắt giảm thuế cho người dân, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng, đầu tư mạnh hơn cho quân đội của Tổng thống Trump sẽ khiến ngân sách của Mỹ gặp khó khăn.


Ngoài ra, một vấn đề băn khoăn khác là liệu Tổng thống Mỹ sẽ lấy nguồn tiền ở đâu để thực hiện cuộc cải cách toàn diện năng lực của quân đội.

Giải đáp cho băn khoăn này, ngày 27/2, các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, kế hoạch cấp thêm ngân quỹ cho Lầu Năm Góc của chính quyền Tổng thống Trump để nâng cấp phi đội máy bay quân sự, đóng tàu, cũng như tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các tuyến hàng hải then chốt hoặc các "điểm nóng" quốc tế, như Eo biển Hormuz, Biển Đông.

Kế hoạch này sẽ được thực hiện thông qua việc cắt giảm nguồn tài chính chi cho các hoạt động của Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và một số chương trình phi quốc phòng khác.

Trong đó, đáng chú ý, để tăng chi tiêu cho quốc phòng, ngân sách của Bộ Ngoại giao có thể sẽ bị cắt giảm tới 30%, buộc bộ này phải tính đến các biện pháp tái cơ cấu và giảm chương trình hoạt động.

Sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Trump từng cam kết sẽ tạo ra một “kỷ nguyên mới” trong cuộc chiến chống tội phạm và mối đe dọa khủng bố. Chính vì vậy, kế hoạch củng cố sức mạnh quân đội mà ông Trump mới đưa ra được cho là nhằm thực hiện tham vọng “quét sạch” khủng bố, đặc biệt là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa thực sự khởi sắc, sẽ không dễ dàng để Tổng thống Trump có được sự đồng thuận tại Quốc hội Mỹ về kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự lớn nhất lịch sử “Xứ cờ hoa”.

TTXVN/Tin Tức
Tổng thống Mỹ Trump đề xuất tăng ngân sách quốc phòng
Tổng thống Mỹ Trump đề xuất tăng ngân sách quốc phòng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng thông qua việc cắt giảm nguồn tài chính chi cho các hoạt động của Bộ Ngoại giao, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) và một số chương trình phi quốc phòng khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN