Nga tăng cường khả năng răn đe của tên lửa đạn đạo

Theo "Jamestown Foundation" ngày 1/7, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 27/6 lần đầu tiên tàu ngầm chiến lược hạt nhân Yuri Dolgoruky, lớp Borei (dự án 955), của Hải quân Nga đã phóng thử thành công loại tên lửa đạn đạo mới nhất Bulava R-30 3M30 (SS-NX-30) từ vùng Bạch Hải, phá hủy toàn bộ mục tiêu tại trường bắn Kura thuộc Kamchatka.

Ảnh: Internet


Mátxcơva hoan nghênh lần phóng thử tên lửa Bulava thành công từ tàu ngầm Yuri Dolgoruky này và coi đây như một thắng lợi hết sức quan trọng, từ đó thúc đẩy Lực lượng Hải quân tiếp tục nỗ lực sản xuất các tên lửa Bulava một cách thích hợp.

Theo kế hoạch, năm nay hải quân Nga sẽ phóng thử tên lửa Bulava ít nhất 4 lần và nếu tất cả các lần phóng thử thành công, hải quân có thể bắt đầu triển khai các tên lửa này trong năm tới. Các tàu ngầm Yuri Dolgoruky dường như đã sẵn sàng triển khai và tàu ngầm lớp Borei tiếp theo cũng gần hoàn thiện. Hải quân Nga đang tận dụng các bộ phận và trang thiết bị còn lại trong các dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân dưới thời Liên Xô trước đây để sản xuất tàu ngầm Yuri Dolgoruky và hải quân sẽ có 12 tàu ngầm SLBM Yuri Dolgoruky. Sau khi sản xuất loạt tàu ngầm Yuri Dolgoruky tiếp theo, hải quân sẽ có 16-20 chiếc. Theo kế hoạch về vũ khí trang bị hiện nay của chính phủ, đến năm 2017, hải quân Nga phải có ít nhất 8 tàu ngầm lớp Borei được trang bị các tên lửa Bulava để tăng thêm sức mạnh răn đe hạt nhân đặt căn cứ trên biển.

Hải quân Nga hiện có 6 tàu ngầm chiến lược Delta đã được hiện đại hóa trong những năm gần đây và 5 tàu ngầm chiến lược Delta-3 cũ. Kế hoạch triển khai 2 tàu ngầm lớp Borei đầu tiên trong năm tới có thể cho phép hải quân Nga loại bỏ các tàu ngầm Delta-3. Sáu tàu ngầm Delta-4 trang bị các tên lửa SLBM sử dụng nhiên liệu lỏng có tên Sineva SS-N-23 được sản xuất tại Krasnoyarsk.

Hiện nay, lực lượng tên lửa chiến lược đặt căn cứ trên biển của hải quân Nga đang đề nghị phát triển và triển khai các tên lửa ICBM, đặt trên tàu ngầm, sử dụng nhiên liệu lỏng, để thay thế các tên lửa SS-18 lạc hậu và đưa các kế hoạch sản xuất loại tên lửa ICBM này vào chương trình mua sắm vũ khí của chính phủ trong 10 năm tới (2011 - 2020). Nhà thiết kế chính của tên lửa Bulava, Yuri Solomonov (65 tuổi), cho rằng Hải quân Nga cần sản xuất các tên lửa ICBM Bulava, SS-27 và RS-24 để đối phó với chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ (BMD) và khẳng định, các kế hoạch này của Mỹ không thể đe dọa tên lửa ICBM của Nga. Ông đề nghị chính phủ tăng cường sản xuất nhiều tên lửa Bulava và các tên lửa ICBM sử dụng nhiên liệu rắn khác tại nhà máy chế tạo tên lửa Votkinsk. Từ trước đến nay, Nga thường coi loại tên lửa SS-18 là loại vũ khí đánh đòn phủ đầu, không giống tên lửa Bulava có bệ phóng trên biển.

Rõ ràng thành công của tên lửa Bulava có thể thay đổi các kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân của Nga cũng như các mối quan hệ giữa Mátxcơva và Oasinhtơn trong tương lai.

Nguyễn Hữu Trung

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN